Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực đã tăng lên trong 6 tháng qua

Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực đã tăng lên trong 6 tháng qua

Bảo hiểm nhân thọ: Kết quả ban đầu từ tái cấu trúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy sự phục hồi khi đạt trên 67.000 tỷ đồng, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực cũng tăng so với cùng kỳ với hơn 11,7 triệu hợp đồng, thể hiện khách hàng tiếp tục tin tưởng vào giá trị bảo vệ mà bảo hiểm mang lại.

Những tín hiệu vui

Toàn ngành bảo hiểm nói chung, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nói riêng, đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ nhằm đáp ứng quy định mới tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, từ ngày 1/7/2025, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chỉ được tích hợp quyền lợi tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, các quyền lợi bổ sung như bệnh hiểm nghèo, tai nạn, viện phí sẽ được tách riêng, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn và bảo vệ quyền lợi tốt hơn.

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) chia sẻ: “Việc điều chỉnh theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP là bước tái cấu trúc quan trọng của toàn ngành nhằm tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, đồng thời phân tách rõ ràng giữa các loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và đầu tư tài chính. Với sự thay đổi này, doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang tích cực triển khai các danh mục sản phẩm mới hướng tới sự tinh gọn, minh bạch, dễ hiểu và cung cấp sự bảo vệ thiết thực hơn cho khách hàng. Việc tách riêng quyền lợi rủi ro theo từng sản phẩm cụ thể sẽ giúp người mua bảo hiểm chủ động lựa chọn quyền lợi theo nhu cầu, đồng thời giảm thiểu các tranh chấp về sau này”.

Số liệu ước tính từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được IAV bố mới đây cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 67.242 tỷ đồng, trong đó phí khai thác mới đạt 11.728 tỷ đồng; số lượng hợp đồng đang có hiệu lực đạt hơn 11,7 triệu hợp đồng, tăng 1,06% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản toàn ngành đạt 910.829 tỷ đồng, tăng 10,74%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 787.000 tỷ đồng, tăng 10,25%. Vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của các doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định lần lượt là 5,33% và 1,32%.

Cũng trong thời gian này, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 27.468 tỷ đồng, tăng gần 4,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm nhân thọ trong việc cung cấp sự hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho khách hàng trước những rủi ro và biến cố trong cuộc sống.

Theo ông Ngô Trung Dũng, những con số tích cực trên không chỉ phản ánh nỗ lực tái cấu trúc và thích nghi của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, mà còn là tín hiệu lạc quan cho sự hồi phục về niềm tin và tăng trưởng ổn định của toàn ngành.

Thị trường đang sàng lọc mạnh mẽ và trong sự sàng lọc ấy, tốc độ tăng trưởng không còn là ưu tiên, mà năng lực thích ứng, xây dựng niềm tin và phát triển bền vững mới là yếu tố quyết định sự thành công dài hạn.

Ngoài đổi mới danh mục sản phẩm, sự khởi sắc của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong nửa đầu năm 2025 còn đến từ việc các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng cường đào tạo tư vấn viên, nâng cấp, mở rộng mạng lưới văn phòng.

Nhằm mở ra cơ hội nghề nghiệp cho ngành bảo hiểm nhân thọ, đồng thời phục vụ khách hàng tốt hơn, các doanh nghiệp liên tục mở rộng hệ thống các văn phòng đại lý. Đơn cử, trong 6 tháng qua, FWD Việt Nam đã khai trương 4 văn phòng tổng đại lý mới tại TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An; Chubb Life Việt Nam cũng mở rộng sự hiện diện với 4 văn phòng đối tác kinh doanh Infinity mới tại Bình Thuận, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Thanh Hóa...

Việc tăng cường kiểm soát chất lượng các kênh phân phối và nâng cao các chương trình đào tạo tư vấn viên cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chú trọng. Manulife Việt Nam cho biết, đang triển khai chương trình hợp tác cùng Trường đại học Y Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để đào tạo kiến thức thiết yếu về y khoa và sức khỏe cộng đồng cho đội ngũ đại lý.

Bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho hay, dự án này là bước đi tiên phong của Manulife Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời xây dựng đội ngũ tư vấn viên “thế hệ mới” vừa là chuyên gia tài chính, vừa là đại sứ sống khỏe để đồng hành xuyên suốt cùng khách hàng trên hành trình bảo vệ sức khỏe và tài chính toàn diện. Chương trình cũng góp phần giúp Manulife thúc đẩy ngành bảo hiểm Việt Nam phát triển theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững.

Top 5 khai thác mới có sự biến động

Sáu tháng đầu năm 2025, thị trường cũng chứng kiến những biến động đáng chú ý trong bức tranh thị phần khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trong khi Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu, thì AIA và Manulife nổi lên như những “điểm sáng” tăng trưởng. Nhóm 5 doanh nghiệp có doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới cao nhất thị trường theo thứ tự lần lượt là Bảo Việt Nhân thọ, Dai-ichi Life, AIA, Manulife và Generali.

Là doanh nghiệp duy nhất trong tốp đầu có vốn sở hữu nhà nước, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục chứng minh sức mạnh hệ thống, mạng lưới rộng khắp và sự ổn định trong chiến lược phân phối. Theo số liệu thống kê sơ bộ, doanh thu khai thác mới 6 tháng đầu năm 2025 toàn Công ty đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, giúp Bảo Việt Nhân thọ chiếm gần 22% thị phần toàn ngành và giữ vững vị trí số 1. Với kênh đại lý - kênh phân phối truyền thống vốn đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, Bảo Việt Nhân thọ cũng chiếm ưu thế vượt trội khi đạt hơn 2.500 tỷ đồng doanh thu, tương đương 37,6% thị phần doanh thu toàn thị trường từ kênh này, bỏ xa các doanh nghiệp phía sau.

Trong 6 tháng qua, trong khi Dai-ichi Life vẫn “vững chân” ở vị trí thứ 2 về doanh thu khai thác mới, thị trường ghi nhận sự bứt phá của AIA Việt Nam với mức tăng 68% doanh thu khai thác mới so với cùng kỳ năm trước, tương đương 1.254 tỷ đồng và vươn lên vị trí thứ 3 toàn ngành (chiếm 10,5% thị phần). AIA Việt Nam cũng có doanh thu khai thác mới tăng trưởng tốt từ kênh đại lý song song với việc duy trì nhịp khai thác khách hàng từ các kênh đối tác khác.

Sau thời gian chịu sức ép từ tái cấu trúc hệ thống và chuyển đổi nhân sự, Manulife Việt Nam đã cho thấy tín hiệu phục hồi rõ nét. Với tổng doanh thu khai thác mới đạt hơn 1.145 tỷ đồng (chiếm 9,6% thị phần) trong 6 tháng đầu năm nay, Manulife giữ vững vị trí thứ 4 trong nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu. Đáng chú ý, kênh đại lý - từng là thế mạnh của hãng - đã trở lại vị trí thứ 2 với doanh thu đạt 868,7 tỷ đồng, chiếm 12,7% thị phần, chỉ đứng sau Bảo Việt Nhân thọ.

Với Generali Việt Nam, sau nửa đầu năm 2025, nhà bảo hiểm này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu mới ở mức 2 con số và giữ vị trí 5 về thị phần. Doanh thu khai thác mới từ kênh đại lý của Generali Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong nhóm dẫn đầu thị trường, Prudential Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm mạnh doanh thu khai thác mới, không còn đứng trong Top 5. Sự thay đổi này này có thể đến từ chiến lược thắt chặt chất lượng kênh phân phối và quy trình tư vấn bảo hiểm mà hãng đang thực hiện.

Diễn biến thị phần trong 6 tháng đầu năm 2025 không chỉ phản ánh nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ Luật Kinh doanh bảo hiểm 2024, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025. Luật mới với các yêu cầu chặt chẽ hơn về tư vấn viên, minh bạch thông tin sản phẩm, quản lý xung đột lợi ích… đã buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc kênh phân phối, rà soát lại toàn bộ danh mục sản phẩm và chiến lược tăng trưởng. Những doanh nghiệp có nền tảng nội lực mạnh, chủ động đầu tư công nghệ và nâng cấp đội ngũ đang tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng thị phần.

Dù vậy, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, nửa đầu năm 2025 mới chỉ là điểm khởi đầu cho giai đoạn tái cấu trúc toàn ngành. Những thay đổi về quy định pháp lý, hành vi người tiêu dùng và công nghệ sẽ tiếp tục tạo ra “làn sóng sàng lọc” mạnh mẽ. Trong sự sàng lọc ấy, tốc độ tăng trưởng không còn là ưu tiên, mà năng lực thích ứng, xây dựng niềm tin và phát triển bền vững mới là yếu tố quyết định sự thành công dài hạn.

Tin bài liên quan