Lễ công bố ra mắt SC Win tại Việt Nam và hợp tác với Softdreams vào tháng 7/2025 tại TP.HCM

Lễ công bố ra mắt SC Win tại Việt Nam và hợp tác với Softdreams vào tháng 7/2025 tại TP.HCM

Chính sách tiền tệ: Tiếp cận cân bằng, hỗ trợ tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định về chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, “Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ áp dụng cách tiếp cận cân bằng, tập trung vào việc neo giữ lạm phát trong khi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.

Nhìn về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2025, theo bà, đâu là những cơ hội và thách thức?

Standard Chartered Việt Nam đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam từ 6,7% xuống 6,1% trước những biến động từ bên ngoài. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm dự báo lạm phát năm 2025 từ 3,8% xuống mức 3,5%. Lạm phát đã chững lại trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các yếu tố thúc đẩy nhu cầu có thể làm tăng áp lực lạm phát trong tương lai gần. Việc tiếp tục đà tăng lạm phát, cùng với sự suy yếu liên tục của tiền Đồng có thể gây khó khăn cho việc giảm lãi suất. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn sẽ giữ nguyên trong suốt thời gian còn lại của năm 2025.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình hơn 6% mỗi năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. GDP bình quân đầu người của Việt Nam có tiềm năng tăng mạnh sau khi giảm xuống dưới mức trung bình của thập kỷ gần đây. Dòng vốn FDI đã được cải thiện, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất và tiếp theo là lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực. Việt Nam đang cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ hội nhập tốt với thương mại toàn cầu sau khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Chúng tôi kỳ vọng các chỉ số kinh tế trong nước và thế giới sẽ cải thiện trong ngắn hạn và thận trọng về thương mại. Chúng tôi cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2026 từ mức 6,7% xuống 6,2% và lạm phát từ mức 5,5% xuống mức 3,8%. Tăng trưởng tín dụng vẫn còn dè dặt do nhiều doanh nghiệp cắt giảm hoặc dừng hoạt động.

Trong bối cảnh kinh tế chung như vậy, bà dự báo chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm sẽ đi theo xu hướng nào?

Chính sách tiền tệ của Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 được dự báo sẽ duy trì lập trường thận trọng, phụ thuộc vào dữ liệu và tác động bởi một số diễn biến kinh tế quan trọng trong tháng 6/2025.

Tăng trưởng GDP quý II/2025 đạt 8% so với cùng kỳ năm trước, nhờ lĩnh vực sản xuất tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 10,1%; đồng thời, xuất khẩu tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, với ngành điện tử dẫn đầu, trong khi nhập khẩu tăng vọt 20,2%, phản ánh nhu cầu đầu vào lĩnh vực công nghiệp tăng.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang gia tăng. Trong tháng 6, lạm phát chính tăng tốc lên 3,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng từ mức 3,2% trong tháng 5, trong khi lạm phát cơ bản cũng tăng nhẹ lên 3,5%. Xu hướng này có thể hạn chế phạm vi nới lỏng tiền tệ hơn nữa và thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách duy trì lập trường trung lập hơn.

Xét về các yếu tố bên ngoài, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại mạnh mẽ, đạt 2,8 tỷ USD vào tháng 6, góp phần hỗ trợ tiền Đồng và cán cân đối ngoại. Trong khi đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm xuống còn 8,3% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu nhu cầu trong nước có phần giảm nhẹ.

Trước những động thái này, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ áp dụng cách tiếp cận cân bằng, tập trung vào việc neo giữ lạm phát trong khi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, chúng tôi duy trì góc nhìn lạc quan trong thận trọng, cùng với khả năng ứng phó linh hoạt nếu điều kiện kinh tế vĩ mô thay đổi trong những tháng tới.

Theo bà, Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp gì để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, có một số giải pháp mà Việt Nam có thể cân nhắc, bao gồm đẩy nhanh đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa chi phí logistics; đồng thời, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại chiến lược và các ưu đãi cho lĩnh vực sản xuất giá trị cao. Việt Nam cũng cần tiếp tục đa dạng hóa các ngành để giảm sự tập trung trong ngành sản xuất và thu hút FDI trong trung hạn.

Một trong những chìa khóa để Việt Nam tăng trưởng bền vững là đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại, nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào và giảm thiểu rủi ro từ những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

Tiêu dùng và dịch vụ trong nước cũng cần được thúc đẩy bằng cách khuyến khích chi tiêu thông qua tăng tiền lương và các ưu đãi về thuế. Ngoài ra, cũng cần các chính sách để kích thích nhu cầu và ổn định thị trường bất động sản.

Hơn nữa, bằng cách duy trì chính sách tiền tệ cân bằng nhằm kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, Việt Nam có thể duy trì lạm phát và ổn định đồng tiền Đồng. Khi tập trung vào các lĩnh vực này, Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn về kinh tế và duy trì tăng trưởng mạnh mẽ và cân bằng trong năm 2025 và xa hơn.

Kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia và nhiệm vụ hỗ trợ khu vực này phát triển đã được giao cho ngành ngân hàng. Là một thành viên của hệ thống ngân hàng, Standard Chartered Việt Nam triển khai chức năng, nhiệm vụ này ra sao, đặc biệt là với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng nòng cốt của kinh tế tư nhân?

Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển cho khu vực này, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ là định hướng được Chính phủ Việt Nam chú trọng. Chúng tôi tự hào hỗ trợ tầm nhìn này thông qua việc ra mắt SC WIN (Women’s International Network - Mạng lưới Quốc tế Phụ nữ), một chương trình toàn cầu nhằm hỗ trợ các nữ doanh nhân vượt qua các rào cản tài chính và phi tài chính để phát triển doanh nghiệp của mình. Lễ công bố chương trình diễn ra đầu tháng 7/2025 tại TP.HCM, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cam kết của Standard Chartered Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo.

Tại sự kiện này, Standard Chartered Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Softdreams, một nền tảng số hàng đầu cung cấp các giải pháp hóa đơn điện tử và quản trị số hóa cho doanh nghiệp. Bằng việc tận dụng năng lực kỹ thuật số của Softdreams và chuyên môn tài chính của Standard Chartered, quan hệ đối tác này đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và hòa nhập tài chính.

Việc chúng tôi cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ, khả năng tiếp cận các giải pháp cho vay số sáng tạo và mạng lưới toàn cầu sẽ góp phần xây dựng một tương lai kinh tế toàn diện và bền vững hơn cho Việt Nam. Thông qua SC Win, Standard Chartered cam kết đầu tư thêm nguồn lực với mục tiêu tài trợ 1 tỷ USD cho các nữ doanh nhân trên toàn cầu vào năm 2028, giúp họ đạt được những thành công mới trong kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan