Ngân hàng gặp nhiều vướng mắc trong xử lý bất động sản thế chấp

Ngân hàng gặp nhiều vướng mắc trong xử lý bất động sản thế chấp

Nỗi khổ của ngân hàng trong xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Không ít chỉ trích hướng về phía các ngân hàng trong việc nợ xấu chậm được xử lý. Nhưng thực tế mà nhiều ngân hàng phản ánh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 vừa diễn ra là việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ đang gặp nhiều trở ngại khách quan, trong đó trở ngại lớn nhất là từ hàng lang pháp lý.

Nỗi khổ của ngân hàng

Trao đổi với ĐTCK, Phó tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, thị trường chỉ nhìn thấy con số nợ xấu được xử lý chậm, nhưng có mấy ai thấu hiểu nỗi khổ của các ngân hàng. Xử lý nợ xấu hiệu quả ra sao, thì hoàn toàn lấy thước đo từ hiệu quả của công việc xử lý tài sản bảo đảm.

“Khi phát sinh hậu quả tín dụng, vấn đề phải xử lý tài sản bảo đảm trở thành yêu cầu thực tế, ngân hàng mới rõ bấy nhiêu quy định trao quyền cho ngân hàng tự xử lý tài sản bảo đảm trong nghị định, luật là chưa đủ. Ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi tài sản của mình. Có những món nợ xử lý nhanh cũng phải mất 3 năm, thậm chí 8 - 10 năm mới giải quyết xong”, vị tổng giám đốc trên than thở.

Đây cũng là vấn đề được nhiều lãnh đạo ngân hàng đề cập tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 diễn ra hôm 9/7 tại Hà Nội.

Về câu chuyện này, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO giải thích, tài sản bảo đảm rất đa dạng, đa chủng loại, từ bất động sản hàng hóa cho đến phương tiện vận tải như ô tô, tàu bè, máy móc, hàng hóa… “Mỗi loại tài sản có lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước tương ứng. Chẳng hạn, muốn xử lý được tài sản đảm bảo là phương tiện vận tải, thì phải có sự phối hợp của cơ quan cảnh sát giao thông. Muốn xử lý tài sản đảm bảo là nhà đất thì phải có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà đất. Khi động đến việc triển khai thực tế, cách hiểu pháp luật giữa các cơ quan thường vênh nhau, tạo nên ách tắc cho việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng”, ông Hải nói.

Ông Trần Minh Hải ví dụ, ngân hàng muốn xử lý nhận nhà đất là tài sản bảo đảm thay thế cho chính nghĩa vụ trả nợ, hoặc tự mình bán tài sản cho bên thứ ba, nhưng có những văn phòng nhà đất chấp nhận thực thi sang tên chủ quyền trên cơ sở hợp đồng thế chấp, nhưng cũng có nơi chỉ chấp nhận thực hiện thủ tục sang tên nếu giao dịch có chữ ký của chủ tài sản hoặc văn bản ủy quyền từ phía chủ tài sản, có nơi thì từ chối ngay khi nhận được một văn bản thoái thác trách nhiệm của chủ tài sản.

“Trước những cách hiểu, ứng xử khác nhau như vậy, ngân hàng lại mất thời gian, chi phí theo đuổi việc kiện tụng tại tòa án và sau đó là thi hành án để xử lý được tài sản bảo đảm”, ông Trần Minh Hải nhấn mạnh.

Thông tư hướng dẫn xử lý tài sản đảm bảo, chưa áp dụng đã bất cập

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo cấp cao NHNN cho biết, ngày 16/6/2014, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014, hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2014.

“Thông tư có nhiều điểm mới, tạo sự chủ động hơn cho ngân hàng về thủ tục xử lý tài sản bảo đảm như có thể dùng hợp đồng bảo đảm tiền vay làm căn cứ xử lý tài sản, có thể bán tài sản không qua đấu giá, xử lý tài sản khi còn đang vướng mắc nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba, xử lý tài sản là nhà ở xã hội, tài sản hình thành trong tương lai”, vị lãnh đạo NHNN cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Hải, Thông tư liên tịch này chưa chính thức đi vào cuộc sống đã bộc lộ những bất cập. Một số vấn đề trong xử lý tài sản đảm bảo nếu chỉ dựa vào thông tư này thì chưa thể giúp các ngân hàng thông thoáng hơn trong xử lý tài sản bảo đảm. Chẳng hạn vấn đề nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính trước Nhà nước trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.

“Chỉ cần bất nhất trong cách hiểu về nghĩa vụ thuế, ngân hàng sẽ đứng trước rủi ro thiệt hại trong xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp xử lý một bất động sản giá trị hàng trăm tỷ đồng, nếu phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và GTGT, thì số tiền thuế có thể lên đến cả trăm tỷ đồng mà thực tế, khi DN suy kiệt, thì các nghĩa vụ tài chính này ngân hàng thường phải chịu, mặc cho hình thức kỹ thuật bên ngoài giao dịch giữa ngân hàng với chủ tài sản ra sao”, ông Trần Minh Hải nhấn mạnh.

Giám đốc pháp chế một ngân hàng TMCP bổ sung thêm: “Một số nội dung mới của Thông tư cũng sẽ tác động trực tiếp đến vấn đề quản trị rủi ro của ngân hàng như với nội dung quy định về định giá tài sản tại thông tư thì nếu ngân hàng không lường trước các nội dung về quyền xác định giá trong xử lý tài sản, ngân hàng sẽ gặp bất lợi bởi quyền chủ động định giá tài sản của chủ tài sản sau này...”.

Được biết, trước những vướng mắc của các ngân hàng trong việc chủ động xử lý nợ xấu, tại Hội nghị sơ kết ngành giữa tuần này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã chia sẻ, NHNN đã nhiều lần họp với các bộ, ban, ngành để giải quyết các vướng mắc và sẽ tiếp tục kiên trì làm việc để có thể đưa ra những chính sách đồng bộ hơn.

Một vấn đề hiện thị trường cũng rất quan tâm đó là có hạ lãi suất nữa không cũng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng. Chia sẻ với ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, không nên tập trung ép giảm lãi suất thêm nữa. Còn ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, dư địa hạ lãi suất gần như không còn nên cần phát huy vai trò của chính sách tài khóa.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, nếu hạ lãi suất người dân không gửi tiền ngân hàng chuyển sang các lĩnh vực khác sẽ khiến ngành ngân hàng không huy động được vốn, cho vay ra nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cần chú ý đến lãi suất ngoại tệ trong tương quan với lãi suất VND, bởi nếu lãi suất VND giảm nữa sẽ khiến người dân mua ngoại tệ gửi ngân hàng. Điều này sẽ khiến công sức của NHNN trong việc chống đô-la hóa nền kinh tế lâu nay trở nên vô nghĩa.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Thống đốc NHNN đã nhất trí không tiến hành điều chỉnh hạ nữa.

Tin bài liên quan