Nỗi lo lãi suất tăng cùng dư nợ

Nỗi lo lãi suất tăng cùng dư nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đã tăng trưởng trở lại với tỷ lệ gần 4% tính đến thời điểm hiện nay.

Để đối phó với dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp vào tháng 3 và tháng 5 với tổng mức giảm là 100 điểm phần trăm đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn và trần lãi suất cho vay trong lĩnh vực ưu tiên.

Những nỗ lực của các NHTM để bù đắp cho sự cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19 thời gian gần đây đã đẩy lãi suất huy động ở kỳ hạn dài trên 6 tháng giảm rõ rệt trong giai đoạn cuối quý II/2020 để giảm chi phí vốn.

Lãi suất tiền gửi dài hạn trên 6 tháng đã giảm khoảng 50 điểm cơ bản tính từ đầu năm tại hầu hết các NHTM trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống luôn duy trì trạng thái dồi dào.

Chẳng hạn, lãi suất VPBank được điều chỉnh giảm ở tất cả các kỳ hạn gửi, trong đó các kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 6-12 tháng đồng loạt giảm đến 0,7 điểm phần trăm.

Mức lãi suất tiết kiệm thường yết tại quầy sau khi giảm dao động trong phạm vi 3,5 - 6,5%/năm, áp dụng các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng.

Và mức lãi suất tiết kiệm thường tại quầy cao nhất tại VPBank trong tháng 7 là 6,5%/năm, được áp dụng khi khách hàng có khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Lãi suất tiết kiệm trên 12 tháng của các ngân hàng có vốn nhà nước phổ biến ở mức 6%/năm. Riêng Vietcombank đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng xuống còn 5,8%/năm, thấp nhất thị trường và là mức thấp kỷ lục của tiền gửi dài hạn trong nhiều năm trở lại đây.

“Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cùng trong xu thế giảm nhẹ để hỗ trợ nền kinh tế và mặt bằng lãi suất đã đứng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua”, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc SCB nhận định.

Quả vậy, đi đầu là các NHTM có vốn nhà nước đã giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất thị trường.

Cụ thể, Agribank tuyên bố giảm tiếp 0,2%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa xuống còn 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm, Agribank giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tương tự, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Đây cũng là lần thứ 3 kể từ đầu năm BIDV giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có chi phí hợp lý trong bối cảnh khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, thời gian vừa qua, tăng trưởng huy động cao hơn dư nợ khiến cho các NHTM dư thừa VND và điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.

Tuy nhiên, sau đợt giảm này, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ đi ngang bởi mức giảm lãi suất huy động từ 1-2%/năm đã gần bằng với mức giảm lãi suất cho vay và quan trọng hơn, đó là triển vọng tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện do các hoạt động kinh tế, giao thương đang dần hồi phục và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một NHTM cổ phần đánh giá thấp khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm lần nữa trong nửa cuối năm 2020, bởi hoạt động kinh tế trong nước đã dần hồi phục.

Đặc biệt, áp lực lạm phát đang có dấu hiệu tăng do những diễn biến khó lường của giá thịt lợn dù giá xăng dầu và dịch vụ công lại là những yếu tố thuận lợi giúp kiềm chế lạm phát

Một nghiên cứu của KBSV nhận định, xu hướng mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ phụ thuộc 3 yếu tố chính: tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm; chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực từ tháng 10/2020.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2020 của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý III/2020, nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng trở lại (58,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng “tăng”).

Trong đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn (59,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng “tăng” (6,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng “tăng mạnh”) so với mức 53,5% của kỳ trước.

Tín dụng tăng nhanh sẽ tạo áp lực huy động vốn cho các ngân hàng, đẩy mặt bằng lãi suất tăng. “Lãi suất là giá của đồng vốn, khi cầu vốn tăng tất yếu sẽ đẩy lãi suất tăng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.

Trong bối cảnh này, áp lực huy động vốn cũng đang hiện hữu theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/1/2020, nhưng tháng 10/2020 bắt đầu điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 37%.

Thông thường, các NHTM cổ phần tăng cường và bổ sung thêm vốn điều lệ bằng nghiệp vụ huy động thêm vốn từ các cổ đông trong và ngoài nước, phát hành cổ phiếu để gọi vốn trên TTCK hay phát hành trái phiếu có thể chuyển thành cổ phiếu...

Còn đối với các NHTM quốc doanh hay NHTM liên doanh thì có thể tăng thêm vốn tự có thông qua việc cấp thêm vốn của Chính phủ hay đóng góp thêm vốn của các bên liên doanh.

Ngoài ra, nguồn vốn tự có của NHTM còn được bổ sung thêm từ kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng thông qua việc trích lập các quỹ dự trữ và một số quỹ khác.

Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế thế giới đang đứng trước những khó khăn, đặc biệt dự báo còn kéo dài bởi đại dịch Covid-19, việc gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và trên TTCK là bất khả thi.

Chưa kể, hiện hoạt động huy động vốn của các nhà băng cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi kênh trái phiếu với mức lãi suất cao hơn nhiều. Việc giá vàng tăng cao cũng đang chia sẻ phần nào dòng tiền tiết kiệm từ dân cư chảy vào các nhà băng.

“Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong 2 quý cuối năm 2020 khi tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ hồi phục và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Mức điều chỉnh sẽ kỳ vọng chỉ tăng nhẹ khoảng 30-50 điểm phần trăm do chúng tôi đánh giá vẫn còn khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa (trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nhờ mức nền giá cao trong 2 quý cuối năm 2019)”, KBSV dự báo.

Tin bài liên quan