Mảng xây dựng dân dụng đang chật vật, chưa tìm thấy lối ra. Ảnh: Dũng Minh

Mảng xây dựng dân dụng đang chật vật, chưa tìm thấy lối ra. Ảnh: Dũng Minh

Nỗi lo nợ đọng vẫn bao trùm doanh nghiệp xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành xây dựng đã phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2023, thậm chí là vượt cùng kỳ năm trước, nhưng nỗi lo thiếu nhân lực và bị nợ đọng vẫn bao trùm…

“Nhìn chung vẫn khó khăn lắm”, ông Trần Nguyên Luận - Giám đốc một công ty xây dựng tại Vĩnh Phúc trả lời ngắn gọn khi được hỏi về “sức khỏe” doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng hiện nay, đồng thời cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong vòng luẩn quẩn “đơn hàng - nguồn việc - thiếu vốn - nợ đọng” mà chưa tìm thấy lối ra.

Thời gian qua, thông tin một số nhà thầu lớn trúng được các gói thầu giá trị vài chục nghìn tỷ đồng phần nào giúp giải bài toán tài chính, công ăn việc làm, song chưa phản ánh hết sự khó khăn của ngành, nhất là khi phần lớn nhà thầu hiện phụ thuộc vào mảng xây dựng dân dụng vốn đang chật vật bởi thị trường bất động sản ảm đạm.

Trong quý II/2023, với sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư công, các doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là nhóm được hưởng lợi, trong khi nhóm doanh nghiệp xây dựng nhà các loại và xây dựng chuyên dụng khó khăn vẫn chất chồng.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Chủ tịch Hệ thống Secoin cho hay, việc nhiều dự án bất động sản bị đình trệ kéo dài do vướng mắc pháp lý khiến các doanh nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng cũng “đứng hình” theo.

“Dù đã lường trước khó khăn, nhưng một cú sốc như vậy gây ra sự sụt giảm doanh thu quá lớn, khiến không ít doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự…, thậm chí là tạm dừng hoạt động”, ông Kỳ nói.

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, trong quý II/2023, 55 doanh nghiệp xây dựng dân dụng trên sàn chứng khoán ghi nhận doanh thu giảm gần 2% về mức 23.000 tỷ đồng, tổng lãi ròng tăng gần 4% lên hơn 1.300 tỷ đồng, nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ 9 doanh nghiệp có lãi ròng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, còn lại đa phần thua lỗ.

Bên cạnh đơn hàng hay nguồn vốn, một nỗi lo lớn khác là tình trạng nợ đọng kéo dài: Chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, các nhà thầu nợ nhà cung cấp…

Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Xây dựng Module 9 cho hay, tình trạng nợ đọng đến từ hợp đồng xây dựng thiếu chặt chẽ, thiếu cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công. Nhiều hợp đồng chủ đầu tư là tư nhân thường tìm cách trì hoãn thanh toán, thậm chí khi quyết toán còn viện đủ lý do để trốn tránh, trong khi công trình hay hạng mục đã bàn giao, đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, nguồn nhân lực cũng là thách thức bởi ngành xây dựng có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ, chiếm khoảng 70% lực lượng lao động. Tuy nhiên, sau dịch, nhiều người không quay lại làm việc nên các doanh nghiệp gặp khó, cho dù đơn giá nhân công đã tăng 25-30% so với trước.

Nhiều nhà thầu cho biết, với nhiều gói thầu, giá nhân công phải trả thực tế đối với thợ phụ khoảng 350.000-400.000 đồng/người/ngày, thợ tay nghề cao từ 450.000-500.000 đồng/người/ngày, thậm chí cao hơn, trong khi đơn giá nhân công áp dụng cho các dự án dùng ngân sách nhà nước chỉ khoảng 210.000 đồng/ngày nên phải bù lỗ lớn cho khoản chi phí này.

Đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam thông tin, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xây dựng, đấu thầu như hợp đồng và tranh chấp hợp đồng xây dựng; bù giá và thanh toán hợp đồng; xây dựng cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư và giải quyết nợ đọng trong xây dựng; cơ chế bảo hành và quyết toán hợp đồng…

Đồng thời, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ các hội viên xử lý những vấn đề liên quan đến định mức, đơn giá; phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành quy định áp dụng lập đơn giá thanh toán vào cuối năm nay; kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cơ chế xác định đơn giá tiền lương, giá cả máy mới phù hợp, cơ chế công bố giá vật liệu sát thị trường…

Theo SSI Research, nhìn chung, trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngành xây dựng vẫn chưa thể hiện rõ. ROE của các công ty xây dựng hạ tầng thường ở mức tương đối thấp, trong khi mức định giá P/E và P/B đã vào vùng cao so với định giá trong quá khứ, phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.

Tin bài liên quan