Nỗi niềm “ông chủ” chờ mong cổ tức

Nỗi niềm “ông chủ” chờ mong cổ tức

(ĐTCK) Cổ tức là quyền lợi quan trọng của cổ đông. Nhưng nhiều trường hợp, cổ đông mòn mỏi đợi chờ cổ tức...

Trông người lại ngẫm đến ta

Tháng 4 hàng năm là khoảng thời gian các doanh nghiệp ồ ạt tổ chức họp đại hội đồng cổ đông. Đi kèm với đó là thông tin về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và phân phối lợi nhuận - cổ tức. Nhiều công ty trả cổ tức cao được các nhà đầu tư và giới truyền thông “để ý”.

Mùa cổ tức 2017, Công ty cổ phần Xây dựng Conteccons (CTD) có doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 cao kỷ lục, lần lượt đạt 20.783 tỷ đồng và 1.422 tỷ đồng, tăng 62% và 94% so với năm 2015. Với kết quả này, CTD trả cổ tức 55%.

Năm 2016, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) trả cổ tức ở tỷ lệ 35% bằng tiền mặt, tổng số tiền trả cổ tức cho cổ đông của DHG chiếm chưa tới1/2 lợi nhuận sau thuế. Sau khi trả cổ tức, Công ty còn 360 tỷ đồng lợi nhuận, được sử dụng trích Quỹ khen thưởng và bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển. Với đà tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, DHG được coi là địa chỉ “gửi vàng” của cổ đông.

Một số doanh nghiệp trong ngành hàng không có tỷ lệ cổ tức cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 116%, Công ty cổ phầnDịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) trả cổ tức 106%. Cả hai công ty này đều có lịch sử trả cổ tức rất cao.

Trong khi cổ đông của các công ty ăn nên làm ra hoan hỉ với mức cổ tức cao thì rất nhiều cổ đông của các doanh nghiệp khác lại ngậm ngùi bởi công ty không chia cổ tức hoặc tỷ lệ cổ tức quá thấp, 1- 2%.

Chẳng hạn, Công ty cổ phầnVận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) lỗ liên tiếp 2 năm gần đây. Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng, nhưng cuối cùng lỗ hơn 20 tỷ đồng. Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế khiêm tốn là 150 triệu đồng. Dù vậy, kế hoạch này vẫn không hoàn thành, Công ty lỗ hơn 5 tỷ đồng. Quý I/2017, Công ty tiếp tục lỗ, lỗ lũy kế khiến vốn chủ sở hữu từ 80 tỷ đồng giảm còn hơn 17 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh thua lỗ, Công ty không chia cổ tức.

Nỗi niềm “ông chủ” chờ mong cổ tức ảnh 1

Hay trường hợp Công ty cổ phầnVận tải biển Việt Nam (VOS), lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ năm 2016 âm 361 tỷ đồng, dẫn đến lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2016 là hơn 800 tỷ đồng. Năm trước đó, Công ty cũng thua lỗ.

Trường hợp Công ty cổ phần Nam Việt, chuyên sản xuất tấm lợp, cấu kiện bêtông, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng,tuy có lãi trong năm 2016 là 2,8 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2016 là hơn 46tỷ đồng.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của một công ty thua lỗ 5 - 6 năm liền, có cổ đông đã đau xót nói rằng, khoản đầu tư của cổ đông có nguy cơ trở thành giấy trắng, nhìn cổ đông các công ty khác hồ hở khoe cổ tức mà ngậm ngùi khi công ty mình từ khi cổ phần hóa không có lấy một đồng cổ tức, dù có tiềm năng phát triển, sở hữu “đất vàng”tại Thủ đô.

Dăm lần bảy lượt phải kiện mới có cổ tức

Không có cổ tức là một chuyện đáng buồn. Nhưng có cổ tức mà không được nhận lại còn bức xúc hơn.

Mấy năm nay, ông Đồng Xuân Thép (Hải Phòng) không ít lần phải tới cửa tòa chỉ để chờ mong nhờ tòa án phân xử chuyện công ty nhất định không trả cổ tức cho ông. Riêngviệc đi lại hầu tòa ở Hải Phòng rồi Hà Nội cũng đã là chuyện vất vả, gian nan.

Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng 204 (có trụ sở ở Hải Phòng) bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2006. Ông Đồng Xuân Thép, từng là cán bộ Công ty, mua 36.746 cổ phần với tổng giá trị 371,7 triệu đồng.

Từ năm 2008, giữa ông Thép và Công ty có mâu thuẫn về việc thanh toán các hơp đồng nhận thầu giữa hai bên nên Công ty không trả cổ tức. Do đó, ông Thép đã khởi kiện, đề nghị tòa án buộc Công ty phải thanh toán cổ tức cho ông.

Ông Thép đã khởi kiện để đòi cổ tức của các năm 2008 - 2011. Sau nhiều phiên tòa và hai cấp xét xử, bản án phúc thẩm đã tuyên buộc Công ty phải trả cổ tức cho Thép.

Đến năm 2012 - 2013, Công ty không trả cổ tức và ông Thép tiếp tục khởi kiện để được nhận cổ tức. Vụ kiện này kéo dài cho đến tháng 7/2017, Tòa án nhân dân cấp cao (có trụ sở tại Hà Nội) đã đưa ra xét xử và tuyên sửa án sơ thẩm, số tiền mà ông Thép được nhận bị điều chỉnh giảm 5 triệu đồng, còn 83 triệu đồng.

Nỗi niềm “ông chủ” chờ mong cổ tức ảnh 2

Bên lề phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của ông Thép đã chia sẻ nỗi bức xúc rằng, cổ tức năm 2015, 2016, ông Thép cũng bị Công ty cố tình không thanh toán. Và tương lai, nếu muốn được nhận cổ tức, ông Đồng có thể tiếp tục phải khởi kiện.

Căn cứ vào đâu mà Công ty Xây dựng 204 đã trả cổ tức cho các cổ đông khác lại “chừa” ông Thép ra? Theo đại diện Công ty, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên các năm thông qua quy định, những cổ đông là người lao động của Công ty phải đối chiếu công nợ. Vì là người lao động, nên ông Thép phải đến Phòng Tài chính Kế toán đối trừ công nợ để làm cơ sở thanh toán trước khi nhận cổ tức năm 2012, 2013. Sau khi đối trừ xong, Công ty sẽ trả cổ tức.

Tuy nhiên, vấn đề công nợ hai bên vẫn chưa thống nhất và Công ty đã khởi kiện đòi ông Thép hơn 5 tỷ đồng. Vụ kiện này đang trong giai đoạn giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp cao và chưa có phán quyết cuối cùng.

Cổ đông PV Machino từng “khổ” vì cổ tức

Chưa căng thẳng đến độ phải đi kiện, nhưng nhiều cổ đông của Công ty cổ phần Máy và Thiết bị dầu khí (PV Machino) từng có giai đoạn “khổ” vì cổ tức.

Trước khi cổ phần hóa, thương hiệu PV Machino được biết đến qua việc tham gia cung cấp máy, vật tư, thiết bị và dịch vụ sau bán hàng cho ngành dầu khí, điện lực và ngành công nghiệp khác. Công ty đã thực hiện một số phần việc trong các dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị trong ngành dầu khí.

Năm 2009, PVMachino tiến hành cổ phần hóa và có kết quả kinh doanh khá tốt trong giai đoạn đầu. Trong đó, năm 2011, Công ty đạt 1.782 tỷ đồng tổng doanh thu, 76 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vàtrả cổ tức 15%.

PV Machino còn sở hữu mảnh đất tại số 8 Tràng Thi, liên doanh trong tòa nhà tại số 1-7 phố Đinh Tiên Hoàng - những mảnh “đất vàng” của Thủ đô và khu đất 23.600m2 tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
PV Machino: Dự định nào với “đất vàng” thủ đô?

PV Machino từng có quyền khai thác tòa nhà “hàm cá mập”

Tuy nhiên, từ năm 2012, hoạt động kinh doanh của Công ty gặp khó khăn, nguồn lợi nhuận để trả cổ tức năm 2011 đã bị “mượn tạm” để phục vụ hoạt động hiện tại.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông các năm, cổ đông đều yêu cầu Ban lãnh đạo Công ty sớm trả cổ tức. Nhưng trong tình trạng Công ty bị đối tác nợ quá hạn đến mức cao hơn vốn điều lệ, việc thu xếp trả cổ tức bị kéo dài. Mỗi năm,Công ty trả bớt cho cổ đông vài phần trăm và mất mấy năm mới trả hết khoản nợ cổ tức.

Năm 2017, Đại hội đồng cổ đông thường niên của PV Machino quyết định mức cổ tức năm 2016 là 5% và Công ty đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức. Tỷ lệ cổ tức còn thấp, nhưng khiến các cổ đông vô cùng vui mừng, bởi đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động của Công ty đã khởi sắc trở lại.

Luật bổ sung quy định về thời hạn trả cổ tức

Trước đây, trong giai đoạn Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, do không có quy định về thời hạn trả cổ tức nên khi doanh nghiệp chậm trả cổ tức, cổ đông rất khó khăn trong việc đòi cổ tức. Doanh nghiệpnêu lý do đang thu xếp để trả cho cổ đông, chứ không phải là không trả và vì Luật không quy định thời hạn nên cổ đông không có căn cứ để yêu cầu Công ty.

Nếu cổ đông tiến hành khởi kiện thì tốn kém chi phí, thời gian. Một vụ kiện có thể kéo dài đến vài năm như trường hợp của ông Đồng Xuân Thép nói trên.

Có trường hợp, cổ đông đành phải “nói khó” để công ty sớm trả cổ tức. Nhưng thực sự, cổ đông rất bức xúc vì cổ tức là quyền cổ đông được luật pháp quy định, “thế mà muốn được nhận đồng cổ tức cứ như đi xin”.

Hiện Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung quy định về thời hạn trả cổ tức chậm nhất là 6 tháng sau khi có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Với căn cứ này, cổ đông cũng dễ dàng “nói lý” với công ty hơn và việc trả cổ tức cũng nhanh chóng hơn.

Chuyện phải đi kiện như ông Đồng Xuân Thép là cực chẳng đã và cũng là tình huống đặc thù. Nhìn chung, cổ đông bao giờ cũng mong cổ tức cao và được chi trả nhanh chóng. Chính sách cổ tức của một công ty thể hiện tiền năng của doanh nghiệp và ở góc độ nào đó còn là “tấm lòng” người lãnh đạo sẵn sàng chia sẻ với cổ đông.

Tin bài liên quan