Mức góp vốn tối đa của các NĐTNN vào ngân hàng trong nước được đề nghị điều chỉnh tăng. Ảnh: Đức Thanh.

Mức góp vốn tối đa của các NĐTNN vào ngân hàng trong nước được đề nghị điều chỉnh tăng. Ảnh: Đức Thanh.

Nước ngoài muốn tăng tỷ lệ sở hữu

(ĐTCK-online) Báo cáo của Nhóm ngân hàng và thị trường vốn tại Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức vào giữa tuần qua hầu như chỉ là tiếng nói của khối ngân hàng nước ngoài. Nội dung chính vẫn là dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 22/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh, liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Sự quan tâm này cũng là điều bình thường, bởi đây là văn bản rất quan trọng đối với hơn 30 chi nhánh, 6 ngân hàng liên doanh và tương lai là các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đang được xúc tiến thành lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, một điều tưởng như đã được xử lý là mức góp vốn tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng trong nước vẫn được Nhóm ngân hàng và thị trường vốn đề cập.

 

Nâng tỷ lệ sở hữu

Theo như quyết định mới đây của Chính phủ, tổng mức sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng nội địa là 30%, mức sở hữu tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là 10%, riêng đối tác chiến lược là 15% và có thể được nâng lên 20% đối với trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Như vậy, so với quy định trước đây có mức sở hữu tối đa là 10% thì quyết định mới đã cho phép nâng thêm 5%. Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài (đã có khá nhiều là cổ đông chiến lược của các ngân hàng trong nước) vẫn kiến nghị một mức giới hạn cao hơn.

Theo ông Charly Madan, Tổng giám đốc Citi Việt Nam, đại diện Nhóm ngân hàng vẫn cho rằng, tỷ lệ trên cần phải được nâng cao hơn nữa. Mức kiến nghị mà ông Charly đưa ra là 30% cho một đối tác chiến lược, 49% cho tổng mức nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng.

Có hai lý do cơ bản được đưa ra, theo ông Charly, tỷ lệ đề xuất này phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán về mức nắm giữ tại một công ty niêm yết. "Hầu hết ngân hàng cổ phần đều đang có kế hoạch niêm yết trong thời gian tới, việc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng sẽ tương thích với các quy định áp dụng đối với các công ty niêm yết", ông Charly nói.

Ngoài ra, việc giới hạn tỷ lệ nắm giữ của cổ đông chiến lược nước ngoài như hiện nay chưa đủ hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các ngân hàng trong nước.

Theo ông Charly, các ngân hàng quốc tế có kinh nghiệm quản trị, công nghệ tốt, đặc biệt là kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường quốc tế, đây chính là điều mà các ngân hàng Việt Nam cần hiện nay. Việc Việt Nam gia nhập WTO là cơ hội để các ngân hàng trong nước không chỉ kinh doanh tại Việt Nam mà còn mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Việc nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của ngân hàng nước ngoài sẽ có ích rất nhiều cho ngân hàng nội địa tiếp cận với trình độ quản trị tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh.

Trả lời về vấn đề này, ông Phùng Khắc Kế, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài là quyết định của Chính phủ trên cơ sở góp ý của NHNN và nhiều bộ, ngành liên quan. Theo ông Kế, trong thời gian tới, NHNN và các bộ, ngành sẽ xem xét lại tỷ lệ này để trình lên Chính phủ một giải pháp thích hợp.

 

Ngoại hối nóng

Sau sự kiện có tranh chấp phát sinh trong giao dịch về ngoại hối giữa Ngân hàng Công thương Việt Nam và một chi nhánh của ngân hàng nước ngoài đến từ Hà Lan là ABN Ambro vào năm ngoái thì vấn đề về giao dịch ngoại hối trở thành tâm điểm quan tâm của các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Cũng theo ông Charly, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có Nghị định 160/2006/NĐ-CP về giao dịch ngoại hối, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn còn rất thiếu. Về vấn đề này, theo NHNN, hiện cơ quan này đang soạn thảo 8 thông tư và một quyết định để hướng dẫn Nghị đinh. Các văn bản này sẽ hướng dẫn nhiều vấn đề như thi hành nghiệp vụ ngoại hối, thanh toán ngoại hối trong các giao dịch vãng lai, hướng dẫn về vận chuyển vàng, ngoại tệ, đồng Việt Nam ra và vào lãnh thổ Việt Nam … Các văn bản này dự kiến được ban hành trong tháng 6/2007.

Trong xử lý tranh chấp phát sinh giữa các ngân hàng, theo ông Charly, vẫn còn có một khoảng cách với thông lệ quốc tế. Cụ thể, tập quán quốc tế liên quan tới nhiều ngành, trong đó có ngành ngân hàng, khi tranh chấp xảy ra thì xử lý đầu tiên sẽ được gửi tới trọng tài quốc tế thay vì gửi thẳng lên tòa án như hiện nay. Đây là điều cần phải xem xét khi Việt Nam đã gia nhập WTO.