Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại phiên xử sáng 18/4 (Ảnh: Danh Lam)

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại phiên xử sáng 18/4 (Ảnh: Danh Lam)

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị 4-5 năm tù, Luật sư đề nghị Toà phán quyết nhân văn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội là chủ mưu trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị mức án 4-5 tù cho bị cáo này.

Viện Kiểm sát: Đây là vụ án điển hình về "móc ngoặc" giữa cán bộ và doanh nghiệp

Sáng nay (18/4), tại Toà án nhân dân TP. Hà Nội, phiên xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong hai năm 2016, 2017 bước sang ngày làm việc thứ hai.

Trình bày quan điểm luận tội trước Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát cho rằng, nhiều vụ án trong ngành y tế bị phát hiện có sự thông đồng thể hiện lợi ích nhóm.

"Vụ án này là minh chứng về sự thông đồng cấu kết giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp, cán bộ tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng", đại diện Viện kiểm sát nhận định và nêu rõ, Bệnh viện làm thủ tục đấu thầu chỉ là hình thức hợp thức hoá việc thanh toán vì thiết bị đã được gửi vào bệnh viện từ trước; sau đó, doanh nghiệp trúng thầu chi 2 – 5% để "chăm sóc" lại Bệnh viện.

Cụ thể, ngày 18/12/2015, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn ký quyết định phê duyệt danh mục mua 807 mặt hàng hóa chất, vật tư cho năm 2016 với tổng số tiền là 396 tỷ đồng.

Danh mục này được xây dựng dựa trên báo giá của hai công ty đã ký gửi vật tư cho Bệnh viện sử dụng trước là Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát.

Trong gói thầu dịch vụ thẩm định giá, do thống nhất lựa chọn Công ty Thẩm định giá AIC nên hồ sơ chỉ định thầu cũng chỉ là để hợp thức hóa vì Hội đồng mua sắm không họp. Khi thẩm định giá, bên phía Bệnh viện gửi mức giá mà hai công ty đưa ra để AIC thẩm định. Các bị cáo ở AIC không thực hiện quy trình 6 bước thẩm định giá mà sử dụng luôn mức giá Bệnh viện cung cấp để đưa vào chứng thư thẩm định giá.

Năm 2017, bị cáo Tuấn đưa ra lý do ''cấp bách'' để xin chủ trương từ Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND TP Hà Nội, sau đó áp dụng trái pháp luật quy định về chỉ định thầu rút gọn trong 4 gói thầu.

Sau khi trúng thầu, Công ty Hoàng Nga hỗ trợ Bệnh viện 300 triệu đồng/năm, "cảm ơn" ông Nguyễn Quang Tuấn 10.000 USD dịp Tết còn Công ty Kim Hòa Phát hỗ trợ 60 triệu đồng/năm.

Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, phạm vào tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo Đoàn Trọng Bình, Nghiêm Tuấn Linh, Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Nguyễn Thị Dung Hạnh đã có hành vi giúp sức cho bị cáo Tuấn để thực hiện việc thông đồng giá với các doanh nghiệp.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và các bị cáo đứng lên nghe luận tội tại phiên xử sáng 18/4 (Ảnh: H. Yến)

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và các bị cáo đứng lên nghe luận tội tại phiên xử sáng 18/4 (Ảnh: H. Yến)

Bị cáo Tuấn khai báo thành khẩn, đặc biệt ăn năn, có tình tiết giảm nhẹ là đã khắc phục 6,2 tỷ đồng, có thành tích xuất sắc trong công tác, là thầy giáo nhân dân; nhưng có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Quang Tuấn.

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá các bị cáo còn lại đều khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả, một số bị cáo có vai trò không đáng kể, không hưởng lợi, làm việc theo sự chỉ đạo cần được xem xét giảm nhẹ. Từ đó, 11 bị cáo này bị đề nghị mức án từ 24 tháng (nhưng cho hưởng án treo) đến 4 năm tù giam.

Trước đó, tại phiên xử chiều 17/4, trong phần xét hỏi, ông Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận có quen biết lãnh đạo hai doanh nghiệp và đồng ý cho hai công ty này gửi vật tư để sử dụng trước rồi hợp thức thanh toán bằng đấu thầu sau.

Việc cho doanh nghiệp gửi vật tư như vậy, ông Tuấn giải thích là do thiếu vật tư, nếu không làm vậy, Bệnh viện có lẽ đã bị đóng cửa.

''Đây là các mặt hàng truyền thống Bệnh viện đã mua nhiều lần. Bị cáo có chỉ đạo cấp dưới tổ chức đấu thầu làm sao vừa mua được bằng hoặc thấp hơn giá đã mua, vừa thanh toán được cho các nhà thầu. Bắt buộc phải đấu thầu để trả nợ doanh nghiệp'', bị cáo Tuấn khai.

Còn đối với kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự cho thấy giá các mặt hàng trúng thầu giá cao hơn nhiều so với giá thị trường, bị cáo Tuấn cho rằng ''rất khó nói'', bởi vì đối chiếu với giá Bệnh viện đã dùng và giá của các bệnh viện khác thì giá trúng thầu đã là thấp so với giá trong thời gian đó.

Luật sư: Xin Hội đồng xét xử phán quyết nhân văn

Buổi chiều, Hội đồng xét xử lắng nghe các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo.

Mở đầu, Luật sư Bùi Đình Ứng (Trưởng Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn cho biết, ông Tuấn nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh như: bản thân chuyên tâm vào công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy nên trong công tác quản lý còn yếu…

Luật sư Ứng cũng thừa nhận tội danh mà Viện kiểm sát truy tố ông Tuấn nhưng đề nghị xem xét mức độ, hoàn cảnh, nguyên nhân của hành vi phạm tội. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Bệnh viện quá thiếu vật tư:

Ở gói thầu thứ nhất năm 2016, Luật sư thừa nhận có sai phạm nhưng việc khám chữa bệnh cấp bách là có thật, do hết vật tư, hóa chất nên mới phải cho doanh nghiệp ký gửi để dùng cho bệnh nhân sau đó thanh toán sau.

Luật sư Bùi Đình Ứng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn chiều 18/4: "Có thể biết mượn vật tư là không đúng; nhưng với y đức của người thầy thuốc, chữa bệnh cứu người là trên hết nên họ phải chấp nhận làm sai và chịu rủi ro''.

Luật sư Bùi Đình Ứng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn chiều 18/4: "Có thể biết mượn vật tư là không đúng; nhưng với y đức của người thầy thuốc, chữa bệnh cứu người là trên hết nên họ phải chấp nhận làm sai và chịu rủi ro''.

Ở 4 gói thầu năm 2017, Bệnh viện đã có rất nhiều văn bản gửi UBND TP Hà Nội; Sở Y tế; Sở Tài chính; Trung tâm mua sắm tài sản công Hà Nội báo cáo tình hình vật tư, hóa chất. Trong đó, Bệnh viện đề nghị được mua sắm khẩn cấp với thời gian dự kiến vật tư, hóa chất được mua khoảng 2-3 tháng/lần. Hết đợt 1 mà chưa có kết quả đấu thầu tập trung lại báo cáo, đề xuất mua đợt 2… do đó năm 2017 mới có việc tổ chức mua sắm khẩn cấp tới 4 lần.

Việc xin thực hiện hình thức chỉ định thầu khẩn cấp không phải chỉ để hợp thức thanh toán vật tư đã ứng trước mà còn vì thực tế đấu thầu tập trung chậm, không có vật tư sử dụng.

''Có thể biết mượn vật tư là không đúng; nhưng với y đức của người thầy thuốc, chữa bệnh, cứu người là trên hết nên họ phải chấp nhận làm sai và chịu rủi ro'', Luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Đặc biệt, Luật sư cho rằng so với giá của cùng loại thiết bị mà Bệnh viện Tim Hà Nội thu thập về và giá thiết bị mà một số bệnh viện khác báo về Bộ Y tế thì giá trúng thầu của Bệnh viện Tim Hà Nội thấp hơn hoặc tương đương.

Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại thiệt hại của vụ án. Ở các gói thầu năm 2017, thủ tục thực hiện là đúng; chỉ sai phần mượn trước, ứng trước, mặc dù có báo cáo cấp trên. Do đó, luật sư đề nghị chỉ nên tính phần sai và thiệt hại ở những vật tư ký gửi trước, ứng trước của hai công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát là gần 11 tỷ đồng.

Cộng với thiệt hại ở gói thầu năm 2016 thì tổng thiệt hại là hơn 33 tỷ đồng, chứ không phải hơn 53 tỷ đồng như quan điểm của Viện kiểm sát.

Thứ hai, ông Tuấn có nhiều công lao

Luật sư Bùi Đình Ứng cũng nêu tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ. Theo đó, ông Tuấn từng có thời gian tham gia quân đội, là giáo sư, tiến sỹ đầu ngành về tim mạch của Việt Nam, là người đầu tiên đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch vào Việt Nam để chữa bệnh. Trong quá trình công tác, ông Tuấn có nhiều thành tích và được tặng thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương,

“Chúng tôi không thể kể hết các thành tích trong học tập, công tác cũng như hoạt động xã hội khác của ông. Nhưng tài năng, uy tín của ông Tuấn đã được bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng ghi nhận và đặt cho biệt danh rất đỗi gần gũi, tình cảm, gói gọn trong 2 từ “ Tuấn Tim” và chúng ta thấy như thế là đã đủ nói lên tất cả”, Luật sư Ứng nói.

Thứ ba, ông Tuấn đang mắc bệnh tim

Luật sư cho biết ông Tuấn là giáo sư đầu ngành về tim mạch và nay chính ông lại mắc căn bệnh này, nên mong Hội đồng xét xử cho ông Tuấn phán quyết nhân văn nhất, mức án 4-5 tù mà Viện kiểm sát đề nghị là quá cao và việc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội là không cần thiết.

Bào chữa cho các bị cáo Đào Trọng Bình, Nghiêm Tuấn Linh (Phó Trưởng phòng Vật tư y tế), Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội)… các luật sư đều nhìn nhận tội danh là đúng và đề nghị xem xét mức độ hành vi của các bị cáo trên quan điểm có xem xét thực trạng thiếu vật tư y tế là có thật.

Ngoài ra, khi triển khai các gói thầu, các bị cáo thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không có mục đích hưởng lợi và thực tế không vụ lợi cá nhân nên đề nghị được Hội đồng xét xử phán xét công tâm.

Trong khi đó, Luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) mong Hội đồng xét xử khoan hồng cho bị cáo hưởng mức án treo bởi ở các quyết định trúng thầu năm 2017 là theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, bị cáo không có vi phạm.

Tin bài liên quan