Báo cáo thường niên sẽ chỉ đẹp ở bên ngoài, mà thiếu đi cái cốt lõi ở bên trong, nếu không có thay đổi trong nhận thức

Báo cáo thường niên sẽ chỉ đẹp ở bên ngoài, mà thiếu đi cái cốt lõi ở bên trong, nếu không có thay đổi trong nhận thức

Phải xóa được lối mòn tư duy

(ĐTCK) Bài viết dưới đây nêu một vài nhận định của riêng tác giả về các nội dung liên quan đến báo cáo kết quả tài chính và hoạt động kinh doanh tại báo cáo thường niên của các doanh nghiệp. Trước hết, xin bắt đầu bằng báo cáo (thông điệp) của chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

1. Góp ý cho thông điệp của chủ tịch HĐQT

Thông điệp của chủ tịch HĐQT các doan nghiệp niêm yết năm nay rất đa dạng và vẫn không tránh khỏi còn nhiều báo cáo nặng về thành tích, huân chương huy chương được tặng thưởng. Chưa có nhiều chủ tịch HĐQT, trong thông điệp của mình, đề cập đến quan điểm về môi trường kinh tế và triển vọng tương lai của nền kinh tế, từ đó chỉ ra viễn cảnh hay những nhận định chung về công ty đang chủ trì.

Những nội dung được người đọc chờ đợi trong thông điệp của HĐQT như thành quả, thuận lợi/khó khăn, chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hàng loạt hiệp định mậu dịch đã được ký kết như TPP…, lại chưa nhiều báo cáo năm nay nêu lên.

Những năm gần đây, câu chuyện nóng của ngành ngân hàng là vấn đề về nhân sự cao cấp, nhưng không có báo cáo nào mạnh dạn đề cập vấn đề này, trong khi đây là những vấn đề thuộc về trọng yếu. Đây là điểm nhiều báo cáo không tạo được niềm tin với người đọc ngay từ những trang đầu.

Trong phần góp ý với các DN làm báo cáo thường niên năm trước, tôi đã đề cập đến những vấn đề cần phải cân nhắc giữa lợi và hại khi báo cáo thường niên chỉ tập trung đề cập đến những thành quả và che giấu hay làm nhẹ đi các vấn đề xấu của công ty. Tìm cách truyền đạt các vấn đề này một cách khéo léo qua các quan điểm của chủ tịch HĐQT là một lựa chọn đáng làm. Theo đó, cần chú ý thật kỹ và đếm các số từ “positive” (tích cực) và “negative” (tiêu cực) trong báo cáo và cân đối chúng một cách phù hợp với tình thế của năm, thay vì chỉ toàn nói về các “positive”, sẽ rất khó tạo được thiện cảm và lòng tin của người đọc.

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP. HCM, thành viên Hội đồng bình chọn BCTN 

2. Báo cáo của Tổng giám đốc

a. Các vấn đề trong báo cáo tài chính

Với tư cách là tổng giám đốc điều hành, báo cáo của tổng giám đốc cũng gần giống như báo cáo của chủ tịch HĐQT nhưng phải chi tiết hơn rất nhiều. Trước hết, về mặt tổng quan, tổng giám đốc cần đưa ra thật cụ thể các cách lên xuống “tông” cho phù hợp; các “khuyến cáo” cần thiết về thành quả đạt được và nhận định chung về triển vọng của công ty.

Qua phân tích các báo các thường niên các năm, đặc biệt là năm nay, có một số nội dung mà báo cáo của tổng giám đốc cần lưu ý là những phân tích quan trọng các nội dung trên báo cáo tài chính phải làm sao để phù hợp nhất và bám sát nhất những diễn biến hoạt động trong năm. Chẳng hạn, có công ty năm vừa rồi chỉ tập trung vào việc thực hiện những dự án đầu tư quan trọng làm phát sinh thêm nhu cầu vốn, phát sinh thêm nhiều nợ nần hơn, mà không phân tích những chỉ tiêu có liên quan như cấu trúc thành phần các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn, hay khả năng thanh khoản, thì thông tin công bố không thể toàn diện được.

Đáng lưu ý nhất trong nội dung này vẫn là ở khu vực các định chế tài chính như ngân hàng và bảo hiểm. Ở các loại định chế này, kiểm soát rủi ro tất nhiên là những vấn đề được mọi người quan tâm nhiều nhất. Nhưng nhiều khi đọc báo cáo cả trăm trang, nhìn mỏi mắt mới tìm thấy vài hàng nói về nợ xấu, trong khi đây đáng lý phải là chủ đề được bàn thảo sâu nhất. Những chỉ tiêu quan trọng như nợ xấu, thanh khoản của ngân hàng hay ở khu vực các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh (các tỷ số tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo luân chuyển tiền tệ) cần phân tích toàn diện theo nhiều góc nhìn:

Tại sao?

Khi nào?

Cái gì?

Như thế nào?

Ở đâu? Và…

Ai?

Nội dung trình bày của tổng giám đốc còn cần hướng đến những thay đổi lớn như thay đổi chiến lược công ty, các thương vụ mua bán và sáp nhập, các thay đổi về phương thức quản trị, các bất ổn trong dòng tiền… Cứ thử nghĩ xem nếu các nội dung này được đề cập một cách chi tiết đến từng câu hỏi tại sao, ở đâu… và ai là người chịu trách nhiệm thì người đọc sẽ thú vị biết bao. Càng có giá trị hơn khi tiếp theo đó là phân tích những hậu quả và tác động của chúng đến kết quả hoạt động và tài chính trong năm, cũng như tác động đến các lĩnh vực khác có liên quan.

b. Các nhận định tích hợp: hiệu quả tài chính và kết quả kinh doanh

Từ quan điểm của nhiều nhà chuyên môn và quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng, một báo cáo thường niên chứa đựng nhiều thông tin thì báo cáo của tổng giám đốc cần tích hợp các thông tin tình hình/hiệu quả tài chính với các thông tin hoạt động/hiệu quả kinh doanh của công ty. Không phải ai cũng chú ý đến điều này, khi mà phần lớn các báo cáo của tổng giám đốc có xu hướng tách biệt 2 phần này thành 2 nội dung độc lập với nhau. Việc tách biệt 2 nội dung này khiến cho người đọc khó nhận biết được những thông tin có giá trị, thậm chí bị rối vì đọc xong không để lại ấn tượng gì. Tuy chưa có một chuẩn mực nào về sự tích hợp này, vẫn có một số điểm đáng lưu ý được rút ra từ các báo cáo thường niên năm nay.

- Trước hết là những nhận định/phân tích mang tầm chiến lược về hoạt động kinh doanh và về bản chất kinh doanh của công ty. Với những tính chất như vậy thì những rủi ro tương ứng là gì? Nhân đây cũng xin nói thêm là phần lớn báo cáo thường niên dù của các ngành nghề khác nhau nhưng vẫn mắc chung một lỗi đó là liệt kê những nhận định rủi ro gần như giống nhau. Nhiều công ty năm nào cũng vậy, cũng bao nhiêu đó rủi ro kinh tế, rủi ro pháp lý…, theo kiểu “cắt dán”.

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, nếu không có những thay đổi trong nhận thức thì báo cáo thường niên sẽ chỉ đẹp ở bên ngoài, mà thiếu đi cái cốt lõi ở bên trong, trong khi điều mà nhà đầu tư, bạn đọc cần là chất ở bên trong.

- Thông tin cung cấp về hoạt động kinh doanh cần phải cho thấy đường xu hướng trong năm vừa qua là như thế nào (có đứt khúc, khó khăn và thuận lợi ở những thời điểm nào). Khó nhất vẫn là dự báo đường xu hướng trong tương lai. Báo cáo cần cung cấp các cơ sở cho những nhận định về đường xu hướng kinh doanh trong tương lai, những rủi ro kèm theo và biện pháp nào để phòng ngừa các loại rủi ro hay bất ổn trong tương lai đó.

- Dựa trên những phân tích về hoạt động kinh doanh, phần tiếp theo là phân tích hiệu quả tài chính gắn với hoạt động kinh doanh. Tất nhiên, điều đầu tiên phải nghĩ ngay đến hiệu quả của các chiến lược về cấu trúc vốn sẽ như thế nào để đáp ứng các hoạt động kinh doanh (nhiều công ty trong báo cáo thường niên các năm qua hoàn toàn không gắn kết cấu trúc vốn với hoạt động kinh doanh).

Hiệu quả tài chính phải gắn với chiến lược tăng trưởng. Đối với công ty đang trong các giai đoạn khởi sự, giai đoạn tăng trưởng hay bão hòa đều có các chiến lược tài chính tương ứng khác nhau, chứ không thể giống nhau từ năm này sang năm khác. Hiệu quả hay các giải pháp/thành quả tài chính còn phải tương ứng với các hoạt động quản trị rủi ro. Các rủi ro lãi suất, tỷ giá và lạm phát chẳng hạn sẽ tác động như thế nào đến các hoạt động tài chính.

- Sau khi phân tích các nội dung này, bước tiếp theo là phân tích các tỷ số tài chính, tài sản cố định, thanh khoản, khả năng sinh lợi của công ty… Các phân tích này hầu hết các công ty đều làm khá tốt, nhưng trong hàng trăm báo cáo thường niên mà tác giả có cơ hội đọc trong nhiều năm qua, chỉ có một số công ty có phân tích khá bài bản và thuyết phục. Đó là những công ty có phân tích theo một chuỗi thời gian trong nhiều năm để người đọc có cảm nhận về các xu hướng trong dài hạn, kèm theo đó là có so sánh trung bình ngành hoặc với các đối thủ cạnh tranh khác. Gần một thập niên trôi qua, từ những năm đầu tiên chấm báo cáo thường niên và sau đó, chúng tôi đã có nhiều khuyến cáo, nhưng số lượng các công ty chú ý đến so sánh với ngành còn hạn chế, trong khi đây là yếu tố cần thiết nếu công ty thực sự muốn phục vụ nhà đầu tư.

- Trong số những nhận định về kết quả tài chính và kinh doanh, công ty cần đưa ra những thay đổi trọng yếu nhất tác động đến hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lợi trong năm và tương lai. Nhân đây cũng xin lưu ý, đối với các công ty hoạt động đa ngành và đa sản phẩm, báo cáo cần tập trung vào ngành nghề trọng yếu nhất, những sản phẩm chủ lực nhất, thay vì những phân tích chi tiết nhưng lan man.

- Phân tích ma trận SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, nguy cơ) đã thấy xuất hiện khá nhiều trong các báo cáo thường niên, nhưng  nên hướng đến chương trình hành động chứ không phải đọc xong thì không biết làm gì hoặc phân vân phải hành động ra sao.

Lời kết

Cho dù các báo các thường niên được trình bày theo cách nào thì điều quan trọng nhất vẫn là sự kết nối của các sự kiện (event), sự kiện và… sự kiện. Báo cáo thường niên tuy được lập ra vào một thời điểm nhưng cần chuyển tải những sự kiện có tác động quan trọng nhất (cả tốt lẫn xấu) của công ty. Vì thế, đừng bỏ qua, đừng ngắt quãng những sự kiện có ảnh hưởng trọng yếu. Đã đến lúc các DN cần phải có những bước đột phá trong cách thực hiện báo cáo thường niên và Ban tổ chức cũng cần đổi mới cách đánh giá và trao giải, để phá đi “sức ỳ” hiện tại, phá đi cảm giác nhiều DN do có sẵn format báo cáo tốt, chỉ cần thay đổi ngày tháng, thêm thắt chút đỉnh là… xong sứ mệnh làm báo cáo thường niên.

Tin bài liên quan