Ông Phạm Phan Quang

Ông Phạm Phan Quang

Phải xử lý dứt điểm nợ của DN thực hiện tái cấu trúc

(ĐTCK) Đó là ý kiến của ông Phạm Phan Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

> Tái cơ cấu DNNN

Ông Quang nói:

Tái cơ cấu DNNN là một trong những trụ cột của Chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện thành công tiến trình này, điểm mấu chốt chính là phải xử lý dứt điểm các khoản nợ và tài sản tồn đọng của DN thực hiện tái cấu trúc.

Đây cũng là cơ hội để thị trường mua bán nợ Việt Nam nói chung phát triển và DATC vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng tại các DNNN nói riêng và cộng đồng DN nói chung.

Trên thực tế, sau hơn 7 năm được DATC triển khai, hoạt động tái cơ cấu DN thông qua xử lý nợ đã chứng tỏ là một trong những công cụ, phương thức tài chính hữu hiệu của Nhà nước để cứu các DNNN thoát khỏi nguy cơ phá sản và phát triển trở lại.

Tính đến 30/4/2012, đã có 73 DN được DATC mua nợ để thực hiện tái cơ cấu. Đây là một kết quả rất tích cực nếu so sánh với kết quả cổ phần hóa (CPH) DNNN trong thời gian qua. Điều đáng ghi nhận hơn cả là các DN được Công ty tái cơ cấu đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều DN đã có lợi nhuận cao chỉ sau một thời gian ngắn  được tái cơ cấu.

Trong 8 năm hoạt động, DATC đã mua được gần 8.000 tỷ đồng nợ tồn đọng, trong đó, hơn 90% là nợ được mua từ các NHTM nhà nước và khoảng 92% được mua từ năm 2007 đến nay là gắn với tái cơ cấu DN khách nợ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế, khi mà rất nhiều DN, đặc biệt là khối DNNN đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh với gánh nặng nợ phải trả rất lớn và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng nhanh chóng, quy mô và tiềm lực tài chính của DATC chưa cho phép Công ty thực hiện các chương trình mua bán nợ gắn với tái cơ cấu dài hơi, hoặc mua nợ tại các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Chính vì vậy, để DATC có thể phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như trong tiến trình tái cấu trúc các DN, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, quy mô và tiềm lực tài chính của DATC cấp thiết cần được nâng lên.

Theo đó, từ nay đến 2015, DATC sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và đề xuất nâng quy mô hoạt động hiện tại lên mô hình Tổng công ty với số vốn điều lệ tối thiểu khoảng 5.000 tỷ đồng, để có thể chủ động trong xử lý nợ, tái cấu trúc DN, nhất là các DNNN lớn. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa hoạt động mua bán nợ theo hướng thí điểm thành lập CTCP xử lý nợ, trong đó có sự tham gia góp vốn của DATC cũng là một hướng đi mà chúng tôi đang tính đến.