Khi tăng giá xăng, cần có đánh giá tác động đối với những ngành liên quan trực tiếp như dịch vụ vận tải.

Khi tăng giá xăng, cần có đánh giá tác động đối với những ngành liên quan trực tiếp như dịch vụ vận tải.

Phản biện chính sách

(ĐTCK-online) Câu chuyện tăng chất lượng dự báo tính hai mặt của các chính sách kinh tế lại nổi lên sau khi khá nhiều tác động thực tiễn của chúng đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát của ngay chính các đối tượng thực hiện. Chưa bao giờ các doanh nghiệp lại quan tâm nhiều đến những cảnh báo từ các cơ quan nghiên cứu, giới phân tích kinh tế vĩ mô đến vậy. Những khó khăn chung của nền kinh tế đang khiến hoạt động của từng doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc chặt chẽ hơn vào khả năng dự báo trước cả thuận lợi và khó khăn.

Trao đổi với Báo ĐTCK, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ, đặc biệt của các cơ quan nghiên cứu kinh tế trong việc nghiên cứu và đưa ra các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phải bao gồm cả việc đề xuất chính sách gắn với tác động hai mặt của các chính sách đó. Điều quan trọng là những đối tượng thực hiện có quyền được cung cấp đầy đủ các thông tin về tác động của những chính sách này.

"Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực dự báo các tác động của chính sách tới hoạt động của họ, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Sự hỗ trợ của Nhà nước với các doanh nghiệp về thông tin đầy đủ là hỗ trợ được phép trong cam kết với Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) nhưng chúng ta vẫn chưa vận dụng hiệu quả", ông Phong phân tích và cho rằng, yêu cầu về công khai các tác động hai mặt của các chính sách điều hành kinh tế hoàn toàn có thể làm ngay được mà không mất thêm các chi phí nào, vì bất cứ một chính sách mới  nào được đề xuất thì phần tác động của chúng tới thực tiễn đều được các cơ quan thực hiện dự báo.

Lâu nay, những phản biện chính sách trong giai đoạn dự thảo đã được thực hiện khá tốt. Và đây là một trong những lý do cộng đồng doanh nghiệp ngày càng ghi điểm cao hơn cho tính chuyên nghiệp của các cơ quan hoạch định chính sách. Khá nhiều quy định đã ngay lập tức đi vào thực tiễn một cách hiệu quả chính nhờ sự góp ý đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp, đối tượng thực hiện của chính những quyết định đó.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những ý kiến góp ý từ phía các doanh nghiệp phần lớn đứng từ góc độ hẹp của một hoặc một nhóm doanh nghiệp có cùng lợi ích. Và việc nhìn nhận tác động của các chính sách cũng sẽ rất khó nếu như chỉ trông chờ vào sự phân tích từ một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Có thể thấy ngay trong hành động tăng giá cước taxi của một số hãng kinh doanh vận tải đang bị thổi còi với lý do vượt quá mức hợp lý, ý nghĩa thực tiễn của việc công bố công khai các phản biện và phân tích tác động thực tiễn của những chính sách điều hành kinh tế cụ thể. Nếu như cùng với việc điều chỉnh giá xăng và các lý do liên quan tới việc thực hiện quyết định này trong bối cảnh khá nhạy cảm về giá cả, các cơ quan Chính phủ công bố những tính toán cụ thể về tác động tới các ngành dịch vụ có liên quan trực tiếp, những hành động "tát nước theo mưa" sẽ không có đất phát triển. Điều quan trọng là các doanh nghiệp có đủ cơ sở tính toán để đưa ra những kế hoạch kinh doanh hợp lý và trong khuôn khổ được phép. Hơn thế, nhiệm vụ giám sát và xử phạt của các cơ quan quản lý nhà nước cũng có căn cứ rõ ràng và công khai, tránh những khuất tất rất có thể xảy ra. Cơ hội người dân cùng tham gia giám sát và lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng được mở rộng và có điều kiện cụ thể để thực hiện.

Ông Phong cho rằng, hiệu quả xã hội lớn nhất từ việc công khai những tính toán về tác động cả tiêu cực lẫn tích cực của các chính sách chính là tránh được tâm lý lo ngại và bất ổn khi có sự thay đổi của thị trường. Yếu tố lan truyền của sự thay đổi chính sách thường là lớn và nếu như được kiểm soát tốt, hiệu quả của chính sách mới sẽ rất gần với những dự báo. Và ngược lại, nhiều khi tâm lý xã hội có thể biến những chính sách đáng ra rất phù hợp trong bối cảnh thực tiễn lại đi theo những chiều hướng ngược lại, hạn chế những tác động tích cực mà đáng ra nó có thể tạo ra được.

Rõ ràng, hiệu quả thực tiễn của  việc công bố các dự báo về tính hai mặt của các chính sách kinh tế thuộc về tất cả các đối tượng có liên quan. Và yếu tố tiêu cực có thể có đã được chia đều và được mọi đối tượng chung tay giải quyết. Áp lực do thay đổi chính sách vì vậy được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực hơn.