Phân bón Cà Mau (DCM): Hiệu quả từ hoạt động lõi

Phân bón Cà Mau (DCM): Hiệu quả từ hoạt động lõi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà máy Đạm Cà Mau của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) vận hành an toàn, ổn định với công suất trung bình 111% so với thiết kế, mang lại sản lượng và doanh thu cao.

Doanh thu nửa đầu năm 2022 gần gấp đôi cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất urê quy đổi của PVCFC đạt 474.350 tấn, bằng 55% kế hoạch năm và bằng 104% cùng kỳ 2021; sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 432.380 tấn, bằng 56% kế hoạch năm và bằng 103% cùng kỳ 2021.

Đáng lưu ý, tổng doanh thu nửa đầu năm 2022 ước đạt 8.247,24 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch năm và bằng 191% cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận trước thuế vượt xa so với kế hoạch cũng như cùng kỳ.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh khả quan này là chủ trương “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh được khôi phục, thông suốt; đồng thời, cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá phân bón duy trì ở mức cao.

Theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, PVCFC phải xây dựng giá bán dựa trên giá bình quân của 4 thị trường quốc tế, nhưng Ban lãnh đạo PVCFC luôn tìm kiếm những giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân thông qua các chương trình bỏ phiếu tặng quà, quay số trúng thưởng, hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý… nhằm giảm gánh nặng về vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ đó, PVCFC nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường không chỉ với dòng sản phẩm urê mà với cả các dòng sản phẩm khác như NPK, OM Cà Mau, góp phần hoàn thành mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.

Đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu khi trong nước thừa cung, tồn kho cao

Giá khí tăng theo giá dầu khiến chi phí đầu vào sản xuất phân bón gia tăng. Mặc dù vậy, PVCFC đã thực thi nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định với công suất trung bình đạt 111% so với thiết kế. Bên cạnh đó, nhà máy tích cực triển khai các chương trình/đề án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất urê và NPK.

Trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho tăng, PVCFC linh hoạt triển khai các phương án xuất khẩu. Kết quả, sản lượng urê xuất khẩu nửa đầu năm 2022 đạt hơn 200.000 tấn sang các thị trường trọng điểm là Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh.

Thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, PVCFC đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ như nghiên cứu đa dạng hóa bộ công thức NPK chuyên dùng cho cây lúa, cây công nghiệp; nghiên cứu hoạt chất sinh học, phân bón vi sinh, giải pháp tận dụng các nguyên liệu phụ phẩm, nghiên cứu các chất cải tạo đất và môi trường sinh vật trong đất; nghiên cứu các giải pháp canh tác và dịch vụ nông nghiệp tiến tới phát triển mảng dịch vụ theo định hướng chiến lược…

Mục tiêu ưu tiên của công tác nghiên cứu và phát triển là đưa ra các dòng sản phẩm phân bón mới có giá trị cao hơn, giá thành cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người nông dân cũng như hệ thống phân phối, đảm bảo hiệu quả kinh tế và quy mô kinh doanh ở từng thị trường.

Không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, PVCFC nhanh chóng thích ứng, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị, bán hàng, các hoạt động tiếp thị truyền thông nhằm tiết giảm chi phí hoạt động và tương tác sâu rộng tới hệ thống phân phối các cấp. Cụ thể, tối đa hóa việc sử dụng, khai thác các nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh như hệ thống ERP, DMS, app 2Nong, hệ thống CRM…

Kế hoạch tăng tốc trong 6 tháng cuối năm

Ban lãnh đạo PVCFC xác định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới là đảm bảo Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất đối với các loại sản phẩm hiện tại (urê và NPK).

Đồng thời, Công ty sẽ tập trung phát triển thị trường, hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết về NPK Cà Mau, nhất là thị trường Tây Nam Bộ; đưa sản phẩm phân bón hữu cơ xâm nhập thị trường mục tiêu; hoàn thiện hệ thống quản trị, tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, PVCFC đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống ERP, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với công tác chuyển đổi số và ERP của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trên HOSE, mã cổ phiếu DCM được các nhà đầu tư quan tâm và nhiều công ty chứng khoán đánh giá tích cực, với nền tảng doanh nghiệp phát triển bài bản, bền vững, quản trị tốt.

Công ty Chứng khoán ACB mới đây ra báo cáo đánh giá, PVCFC có tình hình tài chính lành mạnh, nợ vay thấp và dòng tiền hoạt động dồi dào để thực hiện phương án trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 18%. Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ hết khấu hao vào năm 2023, kỳ vọng mở rộng biên lợi nhuận từ năm 2024.

Tin bài liên quan