Bảo hiểm PVI đang dẫn đầu thị phần về doanh thu phí của khối phi nhân thọ

Bảo hiểm PVI đang dẫn đầu thị phần về doanh thu phí của khối phi nhân thọ

Phân hóa Top 5 bảo hiểm phi nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những con số ban đầu về doanh thu phí bảo hiểm 2022 đã nhận diện Top 5 ngành bảo hiểm phi nhân thọ, có sự cạnh tranh lọt Top 3 và phân hóa khá rõ nét trong Top.

Hiện tại, khoảng cách thị phần doanh thu phí giữa 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phi nhân thọ là không quá cách biệt, trong đó 2 cái tên Bảo Việt và PVI liên tục bám đuổi nhau với mức chênh lệch doanh thu chỉ hơn 100 tỷ đồng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến ngày 31/12/2022, doanh thu phí bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt đạt 9.766 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 162 tỷ đồng so với Bảo hiểm PVI - doanh nghiệp đang dẫn đầu thị phần với doanh thu phí đạt 9.928 tỷ đồng.

Thời gian qua, Bảo hiểm Bảo hiểm tập trung tối ưu hiệu quả hoạt động, thay vì đẩy mạnh doanh thu phí như trước đây và Bảo hiểm PVI tranh thủ cơ hội này để bứt lên. Vì thế, cuộc đua dẫn đầu giữa 2 nhà bảo hiểm này chưa bao giờ hết “nóng”

Trong khi đó, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vững vàng ở vị trí thứ 3 vài năm qua với khoảng cách khá an toàn so với vị trí thứ 4 của Bảo hiểm Bảo Minh (hiện cách nhau khoảng 1.000 tỷ đồng). Dẫu vậy, với sự thay đổi trong định hướng kinh doanh, không đẩy mạnh doanh thu như giai đoạn trước, PTI đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu từ quý I/2023 và đà giảm này dự báo sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới.

Đây là cơ hội tốt để Bảo Minh tăng tốc giành lại vị trí số 3 vốn thuộc về mình trước đây. Tất nhiên, sẽ không dễ dàng cho một doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời như Bảo Minh nếu thiếu một “luồng gió mới” đủ mạnh để tạo đà. Thời gian qua, nhà bảo hiểm này liên tục có biến động về nhân sự cấp cao và vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, Bảo Minh khó có thể vượt qua PTI, dù có tham vọng trở lại Top 3.

Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), với tổng doanh thu đạt được năm 2022 là 5.638 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 5.204 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2021, nhà bảo hiểm này giữ vững vị trí thứ 5 về thị phần ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Lâu nay, MIC luôn thể hiện quyết tâm lọt vào Top 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.

Ở vị trí thứ 6, quyết tâm trở lại TOP 5 của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đang gặp không ít thử thách bởi trước tiên là khoảng cách hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu so với MIC, chưa kể Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng “phả hơi nóng” ngay phía sau.

Hai đối thủ trực tiếp của PJICO là MIC và BIC đều có lợi thế lớn từ nguồn khách hàng dồi dào của các ngân hàng mẹ. Dẫu vậy, PJICO cũng có “điểm tựa” là công ty mẹ Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, bên cạnh các cổ đông lớn như Vietcombank, SFMI... Chính vì thế, “cuộc so găng” giữa các doanh nghiệp ở vị trí thứ 5 hứa hẹn sẽ rất gay cấn và có nhiều diễn biến bất ngờ.

Về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, ở mức 6,3% và điều này ít nhiều tác động lên thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn, trong đó các dự án đầu tư công trọng điểm là một mắt xích quan trọng. Ngoài ra, chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt cũng là yếu tố đảm bảo hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.

Với lĩnh vực phi nhân thọ, quy mô hiện mới đạt gần 3 tỷ USD, chiếm khoảng 0,7% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực Đông Nam Á ở mức hơn 2% nên dư địa khai thác còn rất lớn, vấn đề chỉ là doanh nghiệp bảo hiểm nào nắm bắt được cơ hội để bứt phá.

Tin bài liên quan