Không gian công cộng tại Khu đô thị Ecopark.

Không gian công cộng tại Khu đô thị Ecopark.

Phát triển không gian công cộng thời “tấc đất, tấc vàng”

(ĐTCK) Không gian công cộng tại các khu dân cư, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sống của một đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển không gian công cộng trong thời “tấc đất, tấc vàng” không phải chuyện đơn giản.

Lợi ích thấy rõ…

Theo nhận định của ông Joan Clos I Matheu, Giám đốc UN-Habitat (Cơ quan của Liên Hợp Quốc về phát triển khu dân cư và đô thị bền vững), điều tạo nên bản sắc của một thành phố là các không gian công cộng của nó, chứ không phải là các công trình chọc trời san sát. Không gian công cộng là tài sản của một thành phố và giá trị của nó ảnh hưởng tới giá trị của từng cá nhân.

Đồng quan điểm, theo nhận định của các chuyên gia kiến trúc, hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều có một thành phần không gian đô thị không thể thiếu, đó là hệ thống không gian công cộng. Điều này tạo nên sự gắn bó của cộng đồng và bản sắc văn hóa.

Không gian công cộng đô thị tạo điều kiện cho các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng cộng đồng. Tầm quan trọng của không gian công cộng của thành phố đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân đã được đề cập và xác định từ nhiều thập niên qua các nước phát triển trên toàn cầu.

Trong đó, không gian công cộng trong các khu dân cư là nơi mà người dân đô thị được thực hiện các hoạt động thể chất ngoài trời như đi bộ, tập thể dục, thể thao.

Các không gian công cộng của thành phố như những phòng khách mở rộng của cư dân, là nơi người dân thực hiện những giao tiếp xã hội cần thiết như gặp gỡ bạn bè, trò chuyện với hàng xóm, thư giãn, tận hưởng thiên nhiên…

Tại các đô thị Việt Nam, không gian công cộng trong các khu dân cư giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển đô thị và đời sống kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân cư đô thị.

Ngoài các loại hình không gian công cộng thường thấy như công viên, vườn hoa, sân chơi, còn có nhiều loại hình không gian công cộng đa chức năng khác như sân trước của nhà văn hóa, sân chung giữa các tòa nhà chung cư, các phố đi bộ thương mại.

Với những phương pháp tổ chức không gian mới, từ thiết kế đến quản lý, đến vận hành đang được chú trọng phát triển ở nhiều khu dân cư, các đô thị nhỏ, đến các thành phố lớn trên cả nước. 

Nhưng khó trăm bề

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, KTS. Đinh Đăng Hải, cán bộ cao cấp Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, trước thực trạng đô thị hóa, phát triển dân số nhanh chóng tại các đô thị ở Việt Nam trong vài thập niên qua đã gây sức ép lên cơ sở hạ tầng. Sự phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, không gian công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân đô thị.

 Phát triển không gian công cộng làm gia tăng giá trị của dự án bất động sản

Mặc dù thời gian gần đây, một số thành phố cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các không gian công cộng để phục vụ nhân dân, nhưng tốc độ phát triển cư dân tại khu vực trung tâm đô thị vốn đã có mật độ dân số cao và các khu đô thị cũ phát triển thiếu quy hoạch tổng thể đã vượt xa tốc độ đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Do đó, việc thiếu không gian công cộng ở Việt Nam là vấn đề thách thức cần giải quyết.

Thực tế cho thấy, việc thiếu không gian công cộng và quy hoạch phát triển phù hợp đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, TP.HCM…

Hơn nữa, dân cư ngày một tập trung vào khu vực trung tâm đô thị làm tăng áp lực lên việc sử dụng đất đai và không gian vật thể đô thị vốn đã chật hẹp.

Đặc biệt, đất đai dành cho không gian công cộng ngày một khan hiếm và luôn bị cạnh tranh bởi các nhu cầu sử dụng sinh lời khác. Các công viên và không gian công cộng hiện có cũng thường bị lấn chiếm, khai thác sai mục đích phục vụ cộng đồng.

Chính vì vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, việc phát triển không gian công cộng ở các khu dân cư thời gian gần đây trở nên khó hơn bao giờ hết. Các khu dân cư phần lớn là thiếu sân chơi công cộng cho người dân. Bởi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Khi mà đất đai trở thành tư liệu khan hiếm phục vụ cho mục đích ở trong các thành phố và giá cả được đẩy lên cao, thì việc quỹ đất dành cho không gian công cộng sẽ bị nhiều chủ đầu tư tối giản nhất trong dự án của mình. Đặc biệt là không gian chung tại các khu đô thị cũ đang bị đe dọa do quản lý không hiệu quả.

Điểm tích cực là việc các thành phố khuyến khích tư nhân tham gia vào phát triển không gian công cộng gần đây đã phần nào phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội, nhất là các thành phố lớn. Nhiều khu đô thị được cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới với những “không gian công cộng kiểu mới” để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trên thực tế, những không gian chức năng đó đã vô tình tạo ra sự tách biệt giữa các tầng lớp xã hội và thu nhập trong một đô thị. Việc xã hội hóa đầu tư và vận hành các không gian công cộng có nguy cơ tiềm tàng gây ra sự phân hóa xã hội.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Lê Xuân Hùng, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, sự thiếu  hụt không gian công cộng được biểu hiện như sự phát triển bành trướng của các hoạt động thương mại làm hẹp quỹ đất không gian sử dụng công cộng. Việc tư nhân hóa không gian là một hình thái chủ đạo với việc lạm dụng, chiếm dụng sử dụng không gian mở cho các nhu cầu riêng.

TS. Nguyễn Quang, Tổ chức UN-Habitat Việt Nam cũng cho rằng, hiện tại, có một sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc phát triển không gian công cộng. Công viên mới được xây dựng, nhưng có hàng ngàn héc-ta mặt nước sông hồ, diện tích bán ngập bị san lấp, thu hẹp và ô nhiễm, hàng vạn cây xanh bị chặt bỏ tùy tiện.

Bên cạnh đó, hàng chục công viên hình thành từ trước 1998 đã bị xâm chiếm, sử dụng sai mục đích và xuống cấp. Hàng vạn khu sinh hoạt công cộng trong các khu dân cư đã bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe, xây nhà ở.

Nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan và chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu. Những không gian công cộng hiếm hoi còn lại không được bảo dưỡng duy tu vận hành tốt, kém hấp dẫn do thiết kế, bố trí thiết bị chất lượng kém. Hoạt động của nhiều nhà văn hóa, sân chơi ở các khu dân cư khá nghèo nàn, đơn điệu, lãng phí.

Bên cạnh đó, tại các đô thị hiện nay, việc thiết kế, xây dựng và duy trì các không gian công cộng thường do các cơ quan chức năng thực hiện, mà thiếu sự tham gia của cộng đồng.

Nhiều bài học kinh nghiệm về phát triển đô thị và không gian công cộng chỉ ra rằng, thiết kế, xây dựng và duy trì không gian công cộng không chỉ là việc của các nhà thiết kế, quy hoạch, quản lý đô thị, mà cần phải khuyến khích sự tham gia nhiều mặt của cộng đồng trong việc tạo ra các không gian công cộng tại nơi người dân sinh sống, khi đó sẽ có cơ hội phát hiện ra những ý tưởng sáng tạo.

 “Xây dựng và phát triển một khu dân cư đô thị là một quá trình hữu cơ, linh hoạt chứ không phải là một công thức đơn điệu, cứng nhắc cho mọi khu vực. Ý kiến của người dân địa phương luôn cần được xem xét và tôn trọng.

Cộng đồng cũng cần được tham gia đóng góp một phần vào chi phí, công sức xây dựng và quản lý, duy trì các không gian công cộng tại nơi mình sinh sống.

Sự tham gia của cộng đồng vào xây dựng và phát triển không gian công cộng sẽ là nền tảng tạo ra bản sắc của địa phương và không gian công cộng trở nên một phương tiện gắn kết các thành viên trong cộng đồng, mọi người sẽ cảm thấy gần gũi và thuộc về nơi họ sinh sống khi những không gian công cộng trong khu vực do chính người dân sở tại tại ra và vận hành”, ông Hải nói.

Ở góc độ khác, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để tạo thêm không gian công cộng, trong chính sách thu gom đất tái phân lô, hình thành hạ tầng đi kèm với điều chỉnh đất, giảm tối đa miếng đất không đủ điều kiện xây dựng, hoặc tạo nguồn tài chính từ sự gia tăng các giá trị đất do hạ tầng mang lại một lựa chọn cho đô thị Việt Nam.

PGS.TS.KTS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, việc nghiên cứu hợp nhất hạ tầng bất động sản với phát triển không gian và sử dụng đất đô thị làm tăng hiệu quả hoạt động của đô thị và về lâu dài phát triển mô hình đô thị thông minh thân thiện với môi trường,

Phát triển bền vững và đảm bảo cung cấp các dịch vụ đô thị trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, môi trường, an toàn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sức cạnh tranh của đô thị thông qua công nghệ.

Tin bài liên quan