Smart city đã trở thành xu thế tất yếu, động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền

Smart city đã trở thành xu thế tất yếu, động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền

Phát triển smart city tại Việt Nam: Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều khuyến nghị đưa ra cho tiến trình xây dựng thành phố thông minh (smart city) tại Việt Nam, vốn đang trong giai đoạn thử nghiệm, “ném đá dò đường”.

Xu thế tất yếu

Trong 5 năm qua, tại Việt Nam có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai smart city. Trong đó, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển smart city; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kiến trúc ICT phát triển smart city; 38 địa phương đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 địa phương đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.

Đại dịch Covid-19 không những không kìm hãm xu hướng smart city, mà còn là động lực thúc đẩy nhanh hơn tiến trình này. Rất nhiều tỉnh, thành phố đang coi smart city và chuyển đổi số như một nhân tố quan trọng hàng đầu, giúp địa phương nhanh chóng phục hồi sau dịch. Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh và quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội... được chuyển đổi số, thông minh hóa một cách mạnh mẽ.

“Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển smart city. Smart city đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội phồn vinh, thịnh vượng”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT đánh giá tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 mới đây.

Ngoài sứ mệnh trên, theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, smart city đã trở thành xu thế tất yếu, động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển smart city cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó.

Còn ông David Wong, Chủ tịch ASOCIO cho biết, hiện nay hơn 50% dân số thế giới đang sống ở các thành phố. Đến năm 2050, cứ 10 người thì có 7 người sẽ sống ở các đô thị. Diện tích của các đô thị trên thế giới chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, các thành phố lớn chiếm đến hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu và từ 60% đến 80% tiêu thụ năng lượng.

“Đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra nhiều thách thức như sự bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm nguồn nước hay các vấn đề về sức khỏe. Làm thế nào để các thành phố có sức chống chịu tốt hơn khi đối phó với những vấn đề này? Do đó, xây dựng smart city bền vững cần một tầm nhìn, sự quyết tâm và chiến lược lâu dài của các chính phủ”, ông David Wong chia sẻ.

Tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO đặc biệt nhấn mạnh vào các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực smart city hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là nền tảng, vấn đề quan trọng là Việt Nam sẽ triển khai theo mô hình, giao thức nào để hàng chục tỷ USD đầu tư vào smart city trở thành nguồn động lực phát triển mới, mang lại đột phá cho đất nước.

Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện khoa học - Công nghệ Vinasa, việc huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp là vấn đề có tính sống còn trong chiến lược xây dựng smart city. Chính quyền đóng vai trò kiến tạo, tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi, bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước, tạo các hệ thống dùng chung, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp được thụ hưởng một cách bình đẳng.

Ở Việt Nam hiện nay chưa có địa phương nào xây dựng xong mô hình smart city một cách hoàn chỉnh. Nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Đầu tư smart city cần nguồn vốn rất lớn, cũng như nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết.

Bà Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý (ISCM) cho rằng, smart city không phải là đích đến, mà là cả một quá trình. Trong đô thị thông minh, công nghệ chỉ là một yếu tố cấu thành. Quan trọng nhất là phải xác định được vấn đề đô thị đang gặp phải, sau đó ứng dụng công nghệ một cách phù hợp về nguồn lực, về chi phí thì mới tạo ra được điểm nhấn của smart city.

Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG, chủ trương về phát triển smart city đã có. Tuy nhiên, khung chính sách và những văn bản hướng dẫn phải vừa mang tính chặt chẽ, đồng bộ, vừa có độ mở nhất định cho sự phát triển của smart city. Để hình thành smart city, cần nhập khẩu trực tiếp nhiều công nghệ, máy móc, linh kiện hiện đại mà trước đây chưa từng xuất hiện. Việc mua, nhập khẩu những công nghệ, máy móc này cần được tạo điều kiện cả về thủ tục nhập khẩu, thuế quan… để đáp ứng tiến trình xây dựng.

Theo khuyến nghị của ông Đỗ Công Anh, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), các địa phương tiếp cận từng bước với việc triển khai smart city bằng cách thực hiện theo mô hình thí điểm mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu ra. Đó là triển khai một số dịch vụ cơ bản trong phạm vi hẹp, tận dụng tối đa những hạ tầng sẵn có, đánh giá kết quả trước khi xem xét cho một kế hoạch phát triển dài hạn.

Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ smart city cho hơn 30 địa phương trên cả nước, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết, mỗi tỉnh hay thành phố khi xây dựng smart city cần nghiên cứu thận trọng, chặt chẽ. Phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể cùng những bước đi vững chắc nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đô thị theo hướng ngày càng thông minh hơn.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, tổng giá trị của thị trường smart city trên toàn cầu đạt xấp xỉ 739,78 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến chạm mốc 2.036,1 tỷ USD vào cuối năm 2026. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến đạt mức trung bình 18,22%.

Tin bài liên quan