Dòng vốn hoạt động của hầu hết doanh nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng

Dòng vốn hoạt động của hầu hết doanh nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng

Phát triển thị trường vốn trong bối cảnh mới

(ĐTCK) Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững được đẩy mạnh, các chuyên gia đến từ 4 cơ quan gồm CIEM, VIE, VEPR và VCCI đã có những đánh giá và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy thị trường vốn Việt Nam phát triển.

Đánh giá mức độ phát triển của thị trường vốn

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vốn là yếu tố sản xuất quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế. Một thị trường vốn phát triển đầy đủ và hiệu quả sẽ huy động được tiết kiệm nội địa và vốn nước ngoài cho đầu tư sản xuất, đồng thời phân bổ được các nguồn vốn cho những dự án có khả năng sinh lời cao nhất.

Cho tới nay, thị trường vốn của Việt Nam đã phát triển đầy đủ các loại hình của các nền kinh tế thị trường hiện đại khác như thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Thị trường tín dụng đã tương đối trưởng thành và đang hướng đến các chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Tư nhân ngày càng có cơ hội được tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy vậy, mức độ bao phủ của thị trường tín dụng vẫn còn khá thấp. Đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể tiếp cận vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.

TTCK vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Thị trường biến động khá thất thường. Nhà đầu tư thiểu số chưa thực sự được bảo vệ tốt trên thực tế, mặc dù các quy định pháp lý đã khá đầy đủ. Quy mô của TTCK còn nhỏ so với nền kinh tế. Giá trị vốn hóa của thị trường chủ yếu tập trung vào một số ít doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Khả năng huy động vốn của doanh nghiệp từ việc phát hành trái phiếu rất thấp. Vì lẽ đó, huy động vốn cho nền kinh tế từ kênh chứng khoán vẫn còn nhỏ so với kênh tín dụng.

Việt Nam cần "cởi trói" mạnh mẽ hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp 

Mức độ tự do hóa thị trường vốn

Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc đáng kể vào mức độ tự do hóa thị trường vốn. Mức độ tự do hóa có thể được hiểu là mức độ chính phủ nới lỏng các điều kiện về quản lý và kiểm soát các hoạt động liên quan tới sự gia nhập và giao dịch của các chủ thể trên thị trường vốn, bao gồm cả mức độ phân biệt đối xử giữa các chủ thể trong nước và nước ngoài.

Theo tiến trình phát triển của nền kinh tế và từng bước hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng ở Việt Nam dần dần được cởi trói khỏi quy định mang tính hành chính và hạn chế trong các quy định pháp lý.

Về mối quan hệ với bên ngoài, cho đến nay, tài khoản vãng lai của Việt Nam đã được tự do hoàn toàn theo chuẩn mực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tài khoản vốn đã được tự do hóa đáng kể ở chiều vốn vào Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh  nghiệp nước ngoài hầu như không bị ngăn cản về ngành nghề, rút vốn cũng như chuyển lợi nhuận ra bên ngoài.

Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), nhà đầu tư nước ngoài được quyền tự do đầu tư và rút vốn tại TTCK Việt Nam, nhưng quy mô đầu tư của họ bị khống chế đối với các công ty niêm yết cũng như trong một số lĩnh vực đặc biệt như ngân hàng, bảo hiểm.

Các doanh nghiệp trong nước được tự do trong việc vay vốn trung và dài hạn từ nước ngoài, miễn là nằm trong tổng hạn mức vay nợ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thiết lập trước đó. Người dân cũng được quyền vay nợ nước ngoài để kinh doanh và tiêu dùng.

Tuy nhiên, ở chiều vốn đầu tư ra nước ngoài, các quy định hiện tại vẫn theo hướng kiểm soát chặt chẽ. Doanh nghiệp phải làm khá nhiều thủ tục để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, luật pháp không cấm, nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư trong nước mở tài khoản cũng như chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài.

Thị trường tín dụng đã được cải cách mạnh mẽ trong những năm 1990, cho phép sự tham gia của các ngân hàng thương mại tư nhân trong nước và nước ngoài. NHNN giảm dần sự can thiệp của mình vào các quyết định cấp tín dụng và thỏa thuận lãi suất tại các ngân hàng thương mại.

Nhờ vậy, cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng tăng, giúp hệ thống tín dụng ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, chênh lệch giữa mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được thu hẹp.

Kết quả, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng dễ dàng tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại cho mục đích đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, cho tới nay, khu vực ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối vẫn chiếm trên 50% thị phần tín dụng của toàn hệ thống.

Ở một chừng mực nào đó, NHNN sử dụng các ngân hàng này như một công cụ để định hướng chính sách tín dụng và lãi suất ưu đãi cho khu vực DNNN. Hệ quả, khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn khó tiếp cận tín dụng và phải vay với mức lãi suất cao hơn so với khu vực DNNN.

TTCK đã chính thức trở thành kênh huy động vốn mới cho các doanh nghiệp và Chính phủ kể từ năm 2000. Tuy nhiên, phải đến năm 2006 trở đi, thị trường này mới thực sự phát triển cả về quy mô thị trường cũng như giá trị giao dịch.

Hai sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX hiện niêm yết gần 700 mã cổ phiếu của doanh nghiệp và trên 100 mã trái phiếu chính phủ cũng như trái phiếu doanh nghiệp. Đây là nơi thu hút được 1,5 triệu nhà đầu tư, cá nhân và tổ chức, trong nước cũng như nước ngoài tham gia.

Trải qua những thăng trầm trong giai đoạn kinh tế vĩ mô bất ổn và nền kinh tế trong nước rơi vào suy giảm 2008 - 2011, TTCK đã có những bước phát triển bền vững trở lại kể từ năm 2012. Tuy vậy, sự phục hồi của TTCK khá chậm, trên các khía cạnh vốn hóa thị trường, quy mô giao dịch và tốc độ quay vòng vốn. Doanh nghiệp hầu như vẫn chưa thể phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Điều này một phần là do nền kinh tế phục hồi chậm, nhưng một lý do quan trọng là Việt Nam vẫn duy trì các quy định ràng buộc thận trọng và chưa có những cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy TTCK phát triển.

Chẳng hạn, hạn chế mức độ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thời gian giao dịch chưa giảm về T+1 hoặc T+0 như các TTCK phát triển, biên độ giao dịch hẹp (7% trên HOSE và 10% trên HNX), thiếu các sản phẩm phái sinh để phòng hộ rủi ro.

Ngoài ra, Nhà nước vẫn nắm giữ một lượng cổ phần lớn tại nhiều công ty niêm yết (thậm chí trên 90% ở một số mã cổ phiếu); chưa cổ phần hóa hoặc niêm yết các DNNN quy mô lớn; thiếu chiến lược cũng như các chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; chưa đưa được nguồn vốn từ các quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội... tham gia thị trường; chưa có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp độc lập để hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Những thăng trầm của thị trường vốn trong giai đoạn từ năm 2006 trở lại đây cho thấy khả năng kiểm soát rủi ro hệ thống của các cơ quan chức năng vẫn còn yếu kém.

Điều này được thể hiện qua những hiện tượng như nợ xấu của hệ thống tín dụng ngân hàng còn lớn, với những số liệu không nhất quán từ các tổ chức tín dụng và cơ quan thanh tra của NHNN; nhiều ngân hàng thương mại trong nước chưa tuân thủ các chuẩn mực quản trị rủi ro Basel II; các hiện tượng lũng đoạn giá, tạo ra các con sóng bất thường trên TTCK vẫn thường xuyên diễn ra.

Trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô biến động, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách tùy nghi như áp đặt trần lãi suất huy động và cho vay, hạn chế tín dụng cho các lĩnh vực phi sản xuất, hạn chế sự hình thành và tồn tại của các ngân hàng thương mại nhỏ, cho phép các ngân hàng thương mại đảo nợ hoặc giãn các khoản nợ đáng lẽ phải ghi nhận là nợ xấu... Những chính sách này chỉ có tác dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, việc kéo dài chúng sau giai đoạn bất ổn khiến cho thị trường tài chính - tín dụng bị kìm hãm phát triển hoặc phát triển một cách méo mó.

Khuyến nghị chính sách

Thứ nhất, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa hơn nữa tài khoản vốn để giúp doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội kinh doanh khi hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, dù vừa có quy định mới về   việc nới trần tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp, nhưng cơ chế này vẫn cần được cụ thể hóa một cách rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần “cởi trói” mạnh mẽ hơn các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Chính sách này không những giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước tận dụng được các cơ hội đầu tư ở nước ngoài, mà còn góp phần giúp cho thị trường ngoại hối trong nước được điều hòa một cách tự nhiên, qua đó giải tỏa áp lực đối với chính sách tiền tệ, hướng chính sách tiền tệ tập trung chủ yếu vào việc đối phó với lạm phát trong nước.

Thứ hai, NHNN cần tập trung xây dựng cũng như giám sát các quy tắc quản trị rủ ro theo tiêu chuẩn Basel II cho các tổ chức tín dụng. Một khi các tổ chức tín dụng tuân thủ các quy tắc quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, NHNN có thể “cởi trói” hoàn toàn cho các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh với nhau; tức là bãi bỏ các giới hạn trần lãi suất, định hướng tín dụng, giảm tỷ lệ sở hữu cũng như giảm sự can thiệp vào các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối…

Khi đó, NHNN sẽ đóng vai trò độc lập đối với các hoạt động kinh tế của các ngân hàng thương mại và tập trung vào các chính sách tiền tệ, giám sát an toàn hệ thống để bảo vệ đồng nội tệ.

Thứ ba, Việt Nam cần theo đuổi chính sách phát triển TTCK trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Muốn vậy, Nhà nước cần phải thực hiện một loạt các biện pháp đồng bộ để tăng giá trị vốn hóa của thị trường cũng như tính thanh khoản của thị trường.

Các biện pháp cụ thể bao gồm: niêm yết nhiều hơn nữa các doanh nghiệp cổ phần có quy mô lớn; giảm mạnh tỷ lệ cổ phần nhà nước sở hữu tại các công ty niêm yết; khuyến khích sự phát triển các nhà đầu tư có tổ chức bằng cách chính sách ưu đãi; cho phép hình thành các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội tham gia đầu tư trên TTCK; giảm thời gian giao dịch xuống T+2 và tiến tới xuống T+0; hình thành và cho phép giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh.

Thứ tư, Nhà nước cần hình thành hoặc cho phép tư nhân hình thành các tổ chức đánh giá mức độ tín nhiệm trái phiếu của các doanh nghiệp. Đây là một tiền đề rất quan trọng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm một kênh huy động vốn mới.

Thứ năm, Chính phủ cần xây dựng một cơ chế giám sát thống nhất toàn bộ hệ thống tài chính giữa các cơ quan giám sát của NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Một cơ chế giám sát thống nhất sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn được trình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tài chính; phòng ngừa các rủi ro có tính hệ thống giữa các thị trường tín dụng, bảo hiểm và chứng khoán; ngăn chặn được các hoạt động đầu cơ, thao túng, lũng đoạn giá trên thị trường tài chính và chứng khoán.

Trích Báo cáo phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam 2014  được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tin bài liên quan