Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương

Phát triển toàn diện thị trường tài chính Việt Nam

(ĐTCK) Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ vị trí quan trọng của thị trường tài chính trong quá trình đổi mới và hội nhập, nên đã chú trọng đặc biệt đến việc phát triển một cách đầy đủ, toàn diện thị trường này. 

Mục tiêu bao trùm cho những năm tới là tiếp tục hướng tới hoàn chỉnh về cấu trúc vận hành theo các thông lệ quốc tế, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế; phấn đấu đưa thị trường tài chính trở thành kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Những kết quả đạt được

Sau gần 30 năm nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, đến nay, các bộ phận của thị trường tài chính Việt Nam cơ bản được hình thành. Hệ thống các định chế tài chính đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của thị trường tài chính ngày càng được hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận gần với thông lệ quốc tế. Quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính được thể chế hóa từng bước; các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính có sự phối hợp trong kiểm tra, giám sát…

Cụ thể, thị trường tài chính Việt Nam đã được thiết lập tương đối đầy đủ các chuyên ngành dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính. Hình thành được một hệ thống khuôn khổ pháp lý cần thiết cho sự vận hành của thị trường, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính ngày càng được hoàn thiện.

Song song với hoàn thiện thể chế về thị trường tiền tệ, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về TTCK cũng được đẩy mạnh. Hệ thống các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ; hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán được ban hành kịp thời, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sự ra đời và đi vào hoạt động của TTCK vào năm 2000 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển thị trường tài chính, tác động tích cực đến sự phát triển chung của hệ thống tài chính - ngân hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm và tham gia huy động vốn trên thị trường vốn bên cạnh việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng để đa dạng hóa nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, số lượng các tổ chức trung gian và hỗ trợ thị trường (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…) gia tăng; thị trường trái phiếu có những tín hiệu tích cực; thị trường bảo hiểm phát triển cả về quy mô và phạm vi hoạt động, các loại sản phẩm bảo hiểm được phát triển đa dạng, phong phú với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Trong những năm gần đây, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại năng động và hiện đại hơn, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trở nên quen thuộc hơn với các tầng lớp dân cư, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm.

Một số điểm hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, thị trường tài chính cũng bộc lộ không ít bất cập, cũng như những rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến bất ổn đối với hoạt động của thị trường tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Điều này đã được thể hiện khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 - 1998 cũng như cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, khi đó hoạt động thị trường tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp rất trì trệ, nền kinh tế tăng trưởng thấp do mức độ phát triển của thị trường tài chính chưa cân đối, hài hòa; ngân hàng vẫn đóng vai trò chi phối trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế; tình hình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn chậm, thiếu nguồn lực tài chính an toàn; còn tồn tại tình trạng sở hữu chéo và chi phối ngân hàng; công tác giám sát ngân hàng chưa thật hiệu quả; các kênh cung cấp tài chính trung và dài hạn như TTCK chưa thực sự phát huy tác dụng; khuôn khổ thể chế, pháp lý, hệ thống thông tin, hệ thống quản trị, hệ thống thanh toán chưa đầy đủ và đồng bộ; việc tuân thủ và thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế chưa đầy đủ và toàn diện.

Bên cạnh đó, có một số rủi ro đang tiềm ẩn trong thị trường tài chính liên quan đến sự lành mạnh tài chính của các định chế tài chính nhận tiền gửi của dân chúng; tính thanh khoản của thị trường tiền tệ và thị trường vốn; hành vi giao dịch trên thị trường vốn của các chủ thể tham gia; rủi ro đan chéo giữa các khu vực bộ phận của thị trường tài chính cũng như trong bản thân của các tập đoàn tài chính; một số định chế tài chính thiết lập các công ty trực thuộc tiến hành hoạt động đầu tư không được điều chỉnh theo pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, hệ thống kiểm tra, giám sát, thanh tra dựa trên cơ sở rủi ro đang đối mặt với các thách thức như sự phát triển của các tập đoàn tài chính; sự phát triển của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu sẽ liên quan đến tất cả các tổ chức và cơ quan quản lý, điều này đòi hỏi tính cấp thiết của nhu cầu điều phối và hợp tác trong công tác điều hành thị trường tài chính quốc gia.

Chủ trương, chính sách phát triển thị trường tài chính

Trong bối cảnh tiến trình đổi mới và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đang được thúc đẩy nhanh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ: “Phát triển thị trường tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh, quy mô tăng nhanh, phạm vi hoạt động mở rộng, vận hành an toàn, được quản lý và giám sát hiệu quả. Phát triển và kiểm soát có hiệu quả TTCK…”.

Có thể nói, Đảng và Nhà nước đã nhận thức được rõ vị trí quan trọng của thị trường tài chính trong quá trình đổi mới và hội nhập, nên đã chú trọng đặc biệt đến việc phát triển một cách đầy đủ, toàn diện thị trường này cả về cơ chế vận hành, khuôn khổ pháp luật, chiến lược phát triển sản phẩm, cũng như năng lực cung cấp dịch vụ.

Triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường tài chính, Chiến lược tài chính đến năm 2020 đã xác định các nhiệm vụ cụ thể là: “Phát triển đồng bộ các loại thị trường; tái cấu trúc thị trường tài chính và các dịch vụ tài chính; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động trên thị trường để động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo đó, tập trung cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa và ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, hướng tới loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại. Thực hiện các chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá, các công cụ của Ngân hàng Nhà nước theo nguyên tắc thị trường và có sự quản lý của Nhà nước.

Hình thành và phát triển đồng bộ cơ cấu của thị trường vốn, trong đó TTCK có vai trò quan trọng, đảm bảo huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế; phối hợp chặt chẽ với thị trường tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ; hội nhập thành công với thị trường vốn quốc tế; đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường; tổ chức vận hành thị trường vốn hoạt động an toàn, hiệu quả và lành mạnh, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Tập trung phát triển TTCK có khả năng cạnh tranh trong khu vực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK. Thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu, bao gồm thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu công ty. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu phấn đấu đạt khoảng 50% GDP vào năm 2015 và đạt khoảng 70% vào năm 2020; dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 30% GDP vào năm 2020; tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 2 - 3% GDP vào năm 2015 và 3 - 4% GDP vào năm 2020.

Phát triển bộ máy giám sát tài chính đồng bộ, có khả năng phân tích, đánh giá, cảnh báo trung thực mức độ rủi ro của toàn bộ hệ thống tài chính và từng phân đoạn trong hệ thống tài chính.

Tin bài liên quan