Phiên giao dịch chiều 1/3: DIG được cứu, nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy

Phiên giao dịch chiều 1/3: DIG được cứu, nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi DIG phát đi thông báo khẳng định việc bị thanh tra là bình thường, cổ phiếu DIG đã nhận được lực cầu lớn, hấp thụ gần hết lượng dư bán sàn khủng từ phiên sáng. Không chỉ DIG, dòng tiền bắt đáy cũng chảy mạnh vào nhiều nhóm ngành khác, giúp thị trường có phiên giao dịch hứng khởi chiều nay.

Trong phiên sáng, sự thận trọng khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ, có thời điểm đã xuống thử thách mốc 1.010 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy sau đó đã nhập cuộc, kéo nhiều mã đảo chiều trở lại, từ chỗ chỉ khoảng 100 mã tăng giá, chỉ bằng 1 nửa so với số mã giảm, đóng cửa phiên sáng, số sắc xanh đã vượt qua con số 200, chiếm ưu thế so với sắc đỏ. VN-Index cũng được kéo 16 điểm từ ngưỡng dưới 1.014 điểm, lên sát ngưỡng 1.030 điểm, trước khi hạ nhiệt bớt khi đóng cửa phiên sáng. Dù không quá mạnh mẽ, nhưng lực cầu bắt đáy này không chỉ giúp kéo VN-Index trở lại, mà còn giúp thanh khoản cải thiện đáng kể so với phiên sáng qua.

Trong khi đó, cổ phiếu DIG sau thông tin bị thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển DIC đã bị bán tháo, giảm kịch sàn với lượng dư bán sàn lên tới hơn 16,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch chiều, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh.

Sau khi thị trường bước vào giờ nghỉ trưa, báo chí đã đưa thông tin về thông báo của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Group – mã chứng khoán DIG) lên tiếng về quyết định thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Theo thông báo do ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIG ký cho biết, hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIC mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát. Đây là hoạt động thường kỳ của Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Tại DIG, các nội dung liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm toán… và đã được các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn, tham gia ý kiến cũng như điều tra của Cơ quan công an kết luận DIC thực hiện theo đúng quy định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau thông báo này, khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều, cổ phiếu DIG đã phát tín hiệu được giải cứu. Theo đó, dòng tiền ồ ạt đổ vào gom DIG, giúp hấp thụ hết lượng dư bán sàn 12.600 đồng của phiên sáng, có lúc còn kéo lên mức giá 13.000 đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư không an tâm để nắm giữ DIG thời điểm nhạy cảm này, nên tranh thủ có lực cầu đã đặt lệnh bán, khiến DIG bị đẩy lại giá sàn. Giao dịch tại DIG sôi động, giúp mã này trở thành cổ phiếu có thanh khoản nhất thị trường phiên hôm nay với hơn 34,56 triệu đơn vị được khớp và chỉ còn dư bán sàn chưa tới 1 triệu đơn vị.

Không chỉ tại DIG, lực cầu bắt đáy còn nhập cuộc tích cực ở nhiều nhóm, ngành khác, kéo thêm hàng chục mã quay đầu tăng giá, trong khi nhiều mã khác nới rộng đà tăng, thậm chí leo lên mức kịch trần, như một số mã bất động sản, ngân hàng, thép, hay một số mã liên quan tới đầu tư công, vận tải biển. VN-Index theo đó cũng được kéo tăng mạnh, lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa, vượt qua ngưỡng 1.040 điểm với thanh khoản cao nhất 4 phiên.

Chốt phiên, VN-Index tăng 15,87 điểm (+1,55%), lên 1.040,55 điểm với 290 mã tăng, trong khi chỉ có 106 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 523,6 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 8.261,8 tỷ đồng, tăng 23,4% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,9 triệu đơn vị, giá trị 1.121,7 tỷ đồng.

Ngoài DIG, HQC cũng nhận được lực cầu lớn, giúp mã này tăng trở lại sau 2 phiên giảm mạnh trước đó do áp lực chốt lời. Chốt phiên, HQC tăng nhẹ 0,9% lên 3.480 đồng, khớp 26,67 triệu đơn vị.

Trong nhóm bất động sản, xây lắp, ngoài NVL, KDH, DXS vẫn còn giảm mạnh trên 3%, một số mã đã hãm đà giảm hoặc quay đầu tăng giá. Sắc xanh trong nhóm này chiếm thế áp đảo so với sắc đỏ, trong đó có nhiều mã leo lên mức kịch trần như DRH lên 4.970 đồng, TDH lên 3.610 đồng, FCN lên 11.200 đồng. Bên cạnh đó, dù không có sắc tím, nhưng nhiều mã cũng tăng mạnh như VCG tăng 6,3% lên 20.400 đồng, IJC tăng 6,2% lên 12.850 đồng, CTD tăng 5,8% lên 35.600 đồng, NHA tăng 5,6% lên 11.350 đồng, KBC tăng 4,9% lên 22.300 đồng, HBC tăng 4% lên 8.500 đồng… DXG cũng tăng 3% lên 10.300 đồng, hay PDR cũng đảo chiều tăng 3% lên 10.400 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn VCB và OCB giảm giá, trong đó VCB giảm 0,5% xuống 93.000 đồng và OCB giảm 1,2% xuống 16.050 đồng, cùng EIB đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng. Trong đó, STB thậm chí leo lên mức kịch trần 25.400 đồng với thanh khoản 21,61 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường sau DIG và HQC.

Cũng có mức tăng tốt khác có HDB tăng 3,8% lên 17.700 đồng, BID tăng 3,5% lên 45.650 đồng, CTG tăng 3,1% lên 28.250 đồng, ACB tăng 3,1% lên 25.150 đồng, TCB và TPB tăng 3% lên 27.300 đồng và 24.000 đồng. Các mã còn lại, ngoại trừ SSB tăng nhẹ, cũng đều tăng hơn 2% đến gần 3%. Ngoài STB, một mã khác trong nhóm này có thanh khoản tốt là SHB với tổng khớp 13,44 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn duy nhất TVC giảm, còn lại đều tăng. Trong đó, CTS là mã tăng mạnh nhất 6,5% lên 13.150 đồng, tiếp đến là VCI tăng 6,4% lên 27.350 đồng, VND tăng 6% lên 14.250 đồng, HCM tăng 5,7% lên 24.000 đồng, FTS tăng 5,6% lên 18.850 đồng, VIX tăng 5,3% lên 6.920 đồng, SSI tăng 3,8% lên 18.950 đồng… Trong đó, VND là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 15,41 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng có 2 sắc tím tại HSG lên 15.550 đồng, khớp 17,92 triệu đơn vị và NKG lên 15.100 đồng, khớp 8,22 triệu đơn vị, đều còn dư mua trần. Trong khi đó, HPG cũng tăng tốt 4,5% lên 20.900 đồng với thanh khoản tốt nhất nhóm 18,62 triệu đơn vị.

Các mã khác liên quan đến đầu tư công tăng trần hôm nay có LCG, KSB, HHV, hay các mã vận tải biển chủ yếu liên quan đến dầu khí như VIP, PVT, PVP, VTO, GSP, cùng VOS.

Tương tự, sàn HNX cũng có phiên giao dịch bùng nổ chiều nay theo đà của sàn HOSE khi HNX-Index leo lên đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 4,44 điểm (+2,19%), lên 206,83 điểm với 115 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,6 triệu đơn vị, giá trị 925 tỷ đồng, tăng 10,7% về khối lượng và 22,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 33,2 tỷ đồng.

Ngoại trừ AMV không giữ được tham chiếu, cùng PVL vẫn yên vị ở mức sàn, các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị của sàn HNX đều đóng cửa với sắc xanh, kể cả CEO phiên sáng còn giảm 3%, đóng cửa phiên chiều tăng 1% lên 20.400 đồng, khớp 8,16 triệu đơn vị, vẫn cao nhất sàn. Tiếp theo là SHS khớp 7,69 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,9% lên 8.500 đồng, PVS khớp 7,04 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,8% lên 27.000 đồng…

UPCoM trong khi đó lại nới đà giảm khi mở cửa phiên chiều, xác lập đáy của ngày trước khi hưởng ứng theo 2 sàn niêm yết để đảo chiều đi lên và có pha quay xe thành công.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,25%), lên 76,64 điểm với 160 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,7 triệu đơn vị, giá trị 354,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5,5 triệu đơn vị, giá trị 77,6 tỷ đồng.

Chiều nay có thêm 3 mã gia nhập nhóm thanh khoản triệu đơn vị là C4G, VHG và SBS, thậm chí C4G vượt qua LMH trở thành mã có thanh khoản tốt thứ 2 của thị trường này với 2,39 triệu đơn vị, chỉ đứng sau BSR với 5,42 triệu đơn vị. Đóng cửa cả BSR và C4G đều tăng lần lượt 2,5% lên 16.200 đồng và 5,6% lên 11.400 đồng. Trong khi đó, LMH khớp 2,1 triệu đơn vị, đóng cửa đúng bằng giá đóng cửa phiên sáng, giảm 1,9% xuống 5.200 đồng.

VHG và SBS có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, trong đó VHG đóng cửa ở mức tham chiếu 2.200 đồng, còn SBS tăng 4% lên 5.200 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó 3 hợp đồng đáo hạn gần nhất tăng mạnh hơn VN30, chỉ có hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng thấp hơn. Cụ thể, VN30-Index tăng 19,47 điểm (+1,92%), lên 1.034,43 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 3 tăng 24 điểm (+2,38%), lên 1.032 điểm với thanh khoản cao - 407.520 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 58.783 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó cả 4 mã có thanh khoản tốt nhất, trên 1 triệu đơn vị đều đóng cửa tăng điểm. Trong 4 mã này, có 3 mã do SSI phát hành và 1 mã do KIS phát hành, trong đó có 2 mã là chứng quyền của STB, một mã của HPG và 1 mã của VHM.

Tin bài liên quan