Phiên giao dịch sáng 1/3: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, thị trường “quay xe”, DIG bị bán tháo

Phiên giao dịch sáng 1/3: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, thị trường “quay xe”, DIG bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nửa đầu phiên giao dịch trong sắc đỏ, lực cầu bắt đáy đã túc tắc nhập cuộc, kéo cả trăm mã cổ phiếu đảo chiều tăng giá, giúp các chỉ số cũng “quay xe” tăng điểm trở lại, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp.

Trong phiên giao dịch hôm qua (28/2), thị trường đã hồi trở lại sau 5 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, đà hồi phục này chủ yếu đến từ việc tiết cung giá thấp, trong khi dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến thanh khoản thị trường đứng ở mức thấp nhất 2 năm.

Việc dòng tiền rút lui khiến thị trường gặp khó dù đã hồi nhẹ trở lại. Điều này được thể hiện trong nửa đầu phiên sáng nay, khi thị trường nhanh chóng giảm trở lại ngay khi mở cửa, xuống dưới ngưỡng 1.015 điểm. Giao dịch diễn ra ảm đạm khi bên nắm giữ tiền mặt vẫn chọn cách đứng ngoài quan sát.

Trên bảng điện tử, sắc đỏ đang chiếm ưu thế, nhiều gấp hơn 2 lần sắc xanh, VN-Index một lần nữa bị đẩy xuống phía dưới dải bollinger, đe dọa mốc 1.010 điểm.

Tuy nhiên, ở vùng giá này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc, dù không mạnh, nhưng kết hợp với lực cung giá thấp được tiết giảm, giúp thị trường quay đầu hồi trở lại. Trên bảng điện tử, hàng trăm mã quay đầu tăng giá, kéo VN-Index hồi 16 điểm, từ mức dưới 1.014 điểm, lên sát ngưỡng 1.030 điểm, sau đó hạ nhiệt bớt khi đóng cửa. Thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể so với phiên sáng qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 3,09 điểm (0,3%), lên 1.027,77 điểm với 202 mã tăng, trong khi số mã giảm chỉ còn 148 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 216 triệu đơn vị, giá trị 3.243,2 tỷ đồng, tăng 9,6% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,8 triệu đơn vị, giá trị 304,7 tỷ đồng.

Về các mã cụ thể, trong ngày hôm qua (28/2), Thanh tra Chính phủ đưa thông tin về việc Thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển DIC. Theo thông báo này, Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 341, ngày 3/2/2023 của Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTCP về việc bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển DIC.

Phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, đây là cuộc thanh tra thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông Huẩn đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn cùng các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, đồng thời, cử cán bộ làm đầu mối, phối hợp làm việc với Đoàn Thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi giúp đoàn làm việc hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngay sau khi thông tin trên được báo chí đăng tải chiều muộn ngày 28/2, nhiều nhà đầu tư đã dự báo điều chẳng lành với cổ phiếu DIG của Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) trong phiên giao dịch ngày 1/3.

Đúng như dự liệu này, ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay (1/3), lệnh bán tháo DIG đã được tung ồ ạt vào thị trường, đẩy mã giảm sàn ngay khi mở cửa và dự bán sàn mỗi lúc một nhiều. Dù lực cầu cũng khá tốt, nhưng không thể bù đắp được lực bán tháo quá mạnh, khiến DIG chốt phiên ở mức sàn 12.600 đồng, còn dư bán sàn tới hơn 16,3 triệu đơn vị, lượng khớp hơn 3,1 triệu đơn vị.

Tương tự, TTB cũng tiếp tục chịu cảnh bán tháo phiên thứ 3 liên tiếp sau thông tin Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc bị khởi tố do cố ý công bố thông tin sai lệch về chứng khoán. Hiện TTB đang ở mức giá 3.090 đồng với thanh khoản thấp, trong khi lượng dư bán sàn tới gần 2,9 triệu đơn vị.

Cũng chung cảnh giảm sàn như DIG và TTB là IBC với thông tin về tình hình kinh doanh của hệ sinh thái Apax. Hiện giá IBC đang ở mức sàn 2.490 đồng, khớp gần 1,2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc nửa cuối phiên đã hấp thụ hết lượng dư bán sàn, giúp IBC hãm đà giảm đáng kể, có lúc về gần tham chiếu. Chốt phiên, IBC giảm 2,6% xuống 2.600 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HQC lại có phiên giao dịch với biên độ khá lớn. Mở cửa phiên, HQC tiếp tục chịu lực cung chốt lời nên giảm sàn về 3.210 đồng, sau đó lực cầu tốt giúp mã này hồi dần, nhưng lực cung chốt lời diễn ra mạnh một lần nữa kéo HQC về mức sàn, thậm chí có lúc dư bán sàn khá lớn. Tuy nhiên, lực cầu sau đó được tung vào mạnh hấp thụ hết lượng dư bán dưới tham chiếu, kéo HQC hồi phục có sắc xanh, nhưng cũng không thể duy trì được lâu do lực chốt lời vẫn khá lớn.

Cổ phiếu HQC có chuỗi phiên tăng ấn tượng tuần trước với trọn 5 phiên tăng, trong đó có tới 4 phiên tăng trần với mức tăng lên tới 37,32%, từ mức 2.840 đồng lên 3.900 đồng. Tuy nhiên, khi lên tiếp mức trần 4.060 đồng trong phiên đầu tuần này, lực cung chốt lời đã xuất hiện đẩy HQC quay đầu, đóng cửa phiên đầu tuần giảm mạnh 5,1% xuống 3.700 đồng. Trong phiên hôm qua, lực cung chốt lời tiếp tục mạnh, khiến HQC về mức sàn 3.450 đồng và sáng nay vẫn chịu áp lực cung chốt lời lớn. Dù giảm 3 phiên liên tiếp, về mức sàn sáng nay là 3.210 đồng, thì những nhà đầu tư mua vào từ cuối tuần trước đó hoặc đầu tuần qua vẫn có lãi.

Chốt phiên, HQC giảm 2% xuống 3.380 đồng, thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 19,3 triệu đơn vị.

Ngoài HQC và DIG, nhiều mã khác trong nhóm bất động sản cũng giảm, trong đó có nhiều mã lớn như VHM giảm 1,2% xuống 41.000 đồng, NLG giảm 2,3% xuống 25.100 đồng, KDH giảm 2,8% xuống 24.750 đồng, NVL giảm 2,8% xuống 10.300 đồng…

Trong khi đó, nhóm ngân hàng có nhiều mã hồi phục, giúp cân bằng giữa sắc xanh và đỏ. Trong đó, STB tăng mạnh nhất 3,2% lên 24.500 đồng, tiếp đến là HDB tăng 2,1% lên 17.400 đồng, ACB tăng 1,6% lên 24.800 đồng… Trong số các mã giảm, chỉ có 2 mã giảm trên 1% là EIB và OCB, cũng là mức giảm mạnh nhất nhóm, còn lại chỉ giảm nhẹ, trong đó có VCB giảm 0,4% xuống 93.100 đồng. Dường như thông tin được cấp room tín dụng năm 2023 chưa ảnh hưởng nhiều tới nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên sáng nay. Trong nhóm này, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 7,76 triệu đơn vị, tiếp đến là STB với 7,34 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng đã hồi lại được gần hết, chỉ còn 2 sắc đỏ tại các mã nhỏ. Trong các mã lớn, SSI tăng 1,1% lên 18.450 đồng, VND tăng 1,5% lên 13.650 đồng, HCM tăng 2% lên 23.150 đồng, VCI tăng nhẹ 0,4% lên 25.800 đồng. Trong đó, VND thanh khoản tốt nhất với gần 6 triệu đơn vị.

Nhóm thép có sự phân hóa, nhưng các mã lớn trong nhóm đều tăng, trong đó HPG tăng 1,5% lên 20.300 đồng, NKG tăng 3,2% lên 14.600 đồng và mạnh nhất là HSG tăng 3,4% lên 15.050 đồng. Trong đó, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 2 trên sàn HOSE với 9,7 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí lại có giao dịch tích cực khi không có mã nào giảm, sắc xanh là chủ yếu. Trong đó, PVT tăng trần lên 20.700 đồng. Các mã lớn có PLX tăng 2,8% lên 38.350 đồng, GAS tăng 1,8% lên 105.400 đồng, PVD tăng 1,9% lên 21.600 đồng…

Sàn HNX cũng mở cửa giảm khá mạnh, nhưng sau đó cũng được kéo trở lại trên tham chiếu, trước khi một lần nữa bị đẩy trở lại, nhưng đáy lần này cao hơn đáy đầu phiên sáng. Khi sàn HOSE phát tín hiệu “khởi nghĩa”, sàn HNX cũng hưởng ứng theo, kéo chỉ số chính của sàn này bứt lên, thậm chí còn mạnh hơn VN-Index.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,27 điểm (+0,63%), lên 203,65 điểm với 85 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28 triệu đơn vị, giá trị 428 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay, CEO là mã có thanh khoản tốt nhất HNX với 4,45 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3% xuống 19.600 đồng. Tiếp đến là SHS với 3,61 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,5% lên 8.300 đồng. PVS khớp 3,15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 26.500 đồng. AMV khớp 2,45 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 4.200 đồng. Ngoài ra, có thêm 3 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là IDC, PVL và PVC, trong đó 2 mã tăng, còn PVL đóng cửa ở mức sàn 2.700 đồng.

Trong khi đó, UPCoM lại trái ngược lại khi mở cửa tăng điểm, nhưng nhanh chóng quay đầu và không thể trở lại mức tham chiếu khi đóng cửa phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,35%), xuống 76,17 điểm với 96 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,7 triệu đơn vị, giá trị 132,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1,3 triệu đơn vị, giá trị 12,7 tỷ đồng.

Sáng nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR khớp 2,28 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 16.000 đồng và LMH khớp 1,37 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,9% xuống 5.200 đồng.

Tin bài liên quan