Phiên giao dịch chiều 13/11: Nghiệt ngã ATC

(ĐTCK) Trong khi sàn HNX vẫn duy trì đà tăng điểm, kịch bản bán mạnh trong đợt ATC, nhất là ở nhóm VN30 lại diễn ra trên sàn HOSE, khiến VN-Index quay đầu giảm điểm.
Phiên giao dịch chiều 13/11: Nghiệt ngã ATC

Diễn biến phiên giao dịch chiều không có nhiều biến động, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là nguyên nhân chính tác động đến thị trường.

Tuy nhiên, nhờ dòng tiền khá tích cực vào thị trường với tâm điểm vẫn là các cổ phiếu đầu cơ quen thuộc đã giúp VN-Index ngăn chặn được đà giảm điểm sâu. Thanh khoản trong phiên hôm nay trên cả hai sàn đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng đáng kể so với phiên trước đó.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,85 điểm (-0,14%) xuống 603,16 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 157,54 triệu đơn vị, trị giá 2.489,92 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 18,17 triệu đơn vị, trị giá hơn 266 tỷ đồng. Riêng DLG thỏa thuận 10 triệu cổ phiếu ở mức giá với tổng giá trị 119 tỷ đồng và SEC thỏa thuận hơn 3,45 triệu đơn vị ở mức giá trần, trị giá 39,38 tỷ đồng.

VN30-Index giảm 3,02 điểm (-0,47%) xuống 638,87 điểm với 6 mã tăng, 10 mã đứng giá và có tới 14 mã giảm.

Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,39%) lên 91,49 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 76,93 triệu đơn vị, trị giá 1.150,67 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,17 triệu đơn vị, trị giá 67,97 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,11 điểm (+0,06%) lên 186,04 điểm với 9 mã tăng, 8 mã giảm và 13 mã đứng giá.

Trên sàn HOSE, các cổ phiếu MSN, PVD, KDC, HSG, BVH… giảm điểm khá mạnh, trong khi các trụ cột chính như VNM, GAS, VCB đứng ở mốc tham chiếu, đà tăng khá hẹp của một số mã như SSI, OGC, CSM… khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.

Trong nhóm cổ phiếu bất động sản, FLC vẫn là tâm điểm. Thông tin kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng tiếp tục giúp FLC được săn đón, tuy nhiên, áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều khiến giá cổ phiếu FLC lùi về mức thấp nhất trong phiên. Đóng cửa, FLC giảm 500 đồng xuống 11.900 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh lên đến 21,13 triệu đơn vị.

Tương tự, các cổ phiếu cùng nhóm như ITA và KBC, mặc dù được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về báo cáo kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm, nhưng giá các cổ phiếu này biến động không như mong đợi.

Cụ thể, trong 9 tháng, ITA đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm, trong khi KBC cũng đã cán đích lợi nhuận. Tuy nhiên, chốt phiên, KBC xuống mức giá thấp nhất trong ngày 17.600 đồng/Cp, giảm 400 đồng với thanh khoản đạt gần 4,7 triệu đơn vị và ITA cũng tương tự giảm 200 đồng, xuống 9.000 đồng/Cp với khối lượng khớp đạt hơn 7,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu OGC, sau đợt sóng gió vừa qua cũng đã trở lại tích cực hơn. Dù chịu áp lực bán cũng khá mạnh, nhưng kết thúc phiên hôm nay, OGC vẫn duy trì mức tăng 300 đồng và có thêm gần 3 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên chiều nâng, tổng khối lượng khớp cả ngày lên 11,46 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán và dầu khí như BVS, IVS, PVB, PVS, PVX, SHS, VDS, VIX… tiếp tục duy trì đà tăng là động lực chính giúp chỉ số bảo toàn sắc xanh.

Sau 4 phiên tăng tích cực, trong đó có 2 phiên bùng nổ với mức giá trần, cổ phiếu KLF đã chịu áp lực chốt lời trong phiên hôm nay, nên quay đầu giảm mạnh. Đóng cửa, KLF giảm 600 đồng (-4,20%), xuống 13.700 đồng/CP. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp thanh khoản KLF duy trì ở mức cao với 18,72 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

Trong khi đó, PVX tích cực hơn khi nhích nhẹ trên mốc tham chiếu với mức tăng 100 đồng với khối lượng khớp lệnh đạt 5,87 triệu đơn vị. Còn SHN vẫn duy trì sắc tím với bên bán được vét sạch trong khi bên mua vẫn dư lượng lớn. Đóng cửa, SHN khớp gần nửa triệu đơn vị với lượng dư mua trần hơn 4,6 triệu đơn vị.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đã mạnh tay khi bán ròng hơn 3,38 triệu đơn vị trên sàn HOSE với tổng giá trị đạt 108,91 tỷ đồng trong khi đó lại dốc tiền vào sàn HNX khi mua ròng hơn 1,2 triệu đơn vị, trị giá 14,48 tỷ đồng.

Tin bài liên quan