Phiên giao dịch chứng khoán chiều 9/11: VN-Index thoát hiểm, nhà đầu tư bắt đáy DIG lỗ lớn ngay trong phiên

Phiên giao dịch chứng khoán chiều 9/11: VN-Index thoát hiểm, nhà đầu tư bắt đáy DIG lỗ lớn ngay trong phiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nỗ lực kéo giá phiên sáng, lực cung ồ ạt tung vào trong phiên chiều kéo nhiều mã quay đầu, trong đó DIG trở lại mức sàn, còn VN-Index chỉ thoát hiểm nhờ sự nâng đỡ của nhóm ngân hàng.

Trong phiên sáng, tiếp nối đà hồi phục của phiên chiều qua (8/11), thị trường mở cửa tiếp tục tăng điểm, VN-Index có lúc được kéo lên ngưỡng 995 điểm với sắc xanh tràn ngập bảng điện tử.

Tuy nhiên, đà bán tháo tại một số mã bất động sản lớn là NVL, PDR, cùng với mã ngân hàng EIB ngược dòng về mức sàn khiến VN-Index không thể bứt lên, mà hạ nhiệt về cuối phiên.

Trong phiên sáng, ấn tượng nhất chính là giao dịch tại DIG. Sau khi bị đẩy xuống mức sàn 13.400 đồng lúc mở cửa, phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp và mất hơn 86% so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu năm, lực cầu bắt đáy đột ngột nhảy vào, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, kéo DIG lên mức 14.900 đồng, tăng 3,5% so với giá tham chiếu và 11,2% so với mức sàn. Tuy nhiên, lực cung vẫn còn lớn khiến DIG quay đầu giảm trở lại cũng rất nhanh sau đó.

Cuộc chiến cung cầu tại DIG diễn ra hấp dẫn và sôi nổi trong suốt phiên sáng, dù 2 bên bất phân thắng bại khi DIG chỉ đóng cửa giảm nhẹ, nhưng tạo nên phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt mức kỷ lục lịch sử 43,25 triệu đơn vị.

Bước sang phiên chiều, quán tính từ đợt bán của cuối phiên sáng tiếp tục đẩy VN-Index hạ nhiệt thêm, thu hẹp đà tăng xuống dưới 985 điểm, sau đó được kéo lên ngưỡng 990 điểm lúc hơn 14h. Đúng như thường lệ, mốc 14h đã trở thành mốc thời gian nhạy cảm của thị trường và phiên hôm nay cũng không phải ngoại lệ.

Lực cung gia tăng mạnh đã đẩy VN-Index đi xuống theo phương thẳng đứng, xuống dưới mốc tham chiếu trước khi trở lại sát mốc tham chiếu khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục. Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), với sự nâng đỡ của nhóm ngân hàng, cùng một số mã lớn khác, VN-Index đã thoát hiểm, ghi nhận phiên tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,94 điểm (+0,40%), lên 985,59 điểm với 245 mã tăng và 178 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 580,3 triệu đơn vị, giảm 12%; tổng giá trị giao dịch đạt 10.325,7 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 116,7 triệu đơn vị, giá trị 2.664,7 tỷ đồng.

Tâm điểm của phiên giao dịch chiều nay vẫn là DIG khi cổ phiếu này lại được kéo lên khá mạnh, thậm chí vượt qua đỉnh của phiên sáng, xác lập mức cao nhất ngày ở 15.150 đồng, và thêm lần nữa kỳ vọng sắc tím lại thắp lên với nhiều nhà đầu tư bắt đáy hoặc đang giữ mã này khi chỉ cách mức trần 5 bước chân. Tuy nhiên, cũng như phiên sáng, khi giá DIG được kéo lên cao, ngay lập tức lực cung đã tranh thủ ra hàng, đẩy DIG quay đầu, thêm đợt xả nữa trong đợt ATC, đẩy hẳn DIG về thẳng mức sàn khi đóng cửa. Với những nhà đầu tư mua đuổi trong phiên hôm nay mua vào ở mức giá cao nhất ngày, đóng cửa đã mất ngày gần 12%. Thanh khoản của DIG dù không sôi động như phiên sáng, nhưng cũng có thêm khoảng 15 triệu đơn vị được khớp trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng khớp cả ngày lên 57,33 triệu đơn vị, kỷ lục lịch sử.

Ngoài DIG, phiên chiều nay cũng chứng kiến nhiều mã bị đẩy về mức sàn như KBC bị đẩy về mức sàn 14.200 đồng, khớp 11,53 triệu đơn vị, thậm chí còn dư bán giá sàn.

Ngoài DIG, KBC, cùng 3 mã không có lực cầu nên án ngữ ở mức sàn từ phiên sáng là NVL, PDR và HPX, nhóm bất động sản, xây dựng chứng kiến thêm HTN, CCI lùi về mức sàn. Trong khi đó, nhóm thép cũng không duy trì được phong độ khi NKG bị đẩy về mức sàn 9.720 đồng, HPG cũng đảo chiều giảm 1,1% xuống 13.000 đồng. HSG cũng giảm 2,9% xuống 9.350 đồng. Trong đó, HPG khớp 32,79 triệu đơn vị, NKG khớp 8,39 triệu đơn vị và còn dư bán sàn, HSG cũng khớp hơn 8 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng cũng có thêm sắc đỏ, ngoài EIB vẫn duy trì mức sàn từ sáng, còn có thêm STB, MBB, SHB, ACB, TPB, VIB quay đầu giảm, còn MSB trở lại tham chiếu. Trong đó, ACB giảm 2,6% xuống 20.750 đồng, mã giảm nhẹ nhất là VIB mất 0,8% xuống 18.400 đồng, các mã còn lại giảm hơn 1%.

Tuy nhiên, các mã lớn lại duy trì đà tăng tốt, trong đó BID dù hạ nhiệt đôi chút vẫn tăng 3,6% lên 36.150 đồng, CTG tăng 2,5% lên 24.450 đồng, HDB nới đà tăng thành 2,1% lên 14.800 đồng, thậm chí mã đầu ngành VCB tăng 1,9% lên 74.000 đồng, hay VPB cũng tăng 1,7% lên 17.500 đồng... Trong nhóm này, STB là mã có thanh khoản tốt nhất với 35,9 triệu đơn vị, chỉ đứng sau DIG và trên HPG. Tiếp đến là VPB với 16,4 triệu đơn vị, CTG 10,44 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán có sự phân hóa rõ với việc chia nửa xanh đỏ. Trong đó, FTS giảm kịch sàn xuống 17.550 đồng, trong khi APG tăng mạnh nhất cũng chỉ tăng 2,5% lên 3.290 đồng.

Nhóm dầu khí vẫn giữ được phong độ ổn định với GAS tăng 1,8% lên 116.400 đồng, PLX tăng 2,3% lên 28.900 đồng, nhưng PVD lại giảm nhẹ.

Theo diễn biến của HOSE, sàn HNX cũng có những đợt rung lắc theo hướng giảm dần trong phiên chiều, nhưng không trở lại tham chiếu, sau đó bật lên những phút cuối phiên, giữ được đà tăng khá.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,62 điểm (+0,81%), lên 201,39 điểm với 98 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47 triệu đơn vị, giá trị 763,7 tỷ đồng, giảm trên dưới 10% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 85,3 tỷ đồng.

Ngoài 4 mã của phiên sáng là PVS, CEO, SHS, IDC, phiên chiều chỉ có thêm 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là IDJ và TNG. Trong đó, PVS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 11,32 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,9% lên 23.200 đồng. SHS khớp 7,76 triệu đơn vị, nhưng giá lại quay về tham chiếu 7.500 đồng, trong khi phiên sáng tăng 2,7%; CEO cũng hạ nhiệt chút ít khi đóng cửa tăng 6,1% lên 12.200 đồng, thấp hơn phiên sáng 4 bước giá, khớp hơn 6 triệu đơn vị; IDC khớp 1,91 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 39.700 đồng, trong khi phiên sáng tăng 3,1%. TNG và IDJ khớp trên dưới 1,2 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa trái chiều khi TNG giảm 2,1% xuống 13.900 đồng, còn IDJ tăng 3,2% lên 6.400 đồng.

Trong khi đó, UPCoM dù nỗ lực, nhưng cũng không thể trở lại tham chiếu khi đóng cửa phiên hôm nay.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,11%), xuống 72,2 điểm với 156 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,3 triệu đơn vị, giá trị 324,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 111 tỷ đồng.

Cả phiên chiều nay, không có thêm mã nào có thanh khoản tới 1 triệu đơn vị, vẫn chỉ có duy nhất BSR với tổng khớp 3,33 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 17.300 đồng, cao hơn phiên sáng 1 bước giá.

8 mã có thanh khoản kế tiếp có tổng khớp từ gần 390.000 đơn vị đến hơn 767.000 đơn vị và đều đóng cửa tăng giá.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều giảm mạnh hơn nhiều thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,41 điểm (-0,04%), xuống 979,68 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 11 giảm 13,1 điểm (-1,35%), xuống 959 điểm với 410.480 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 45.919 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh đỏ khá cân bằng, nhưng thanh khoản của thị trường không cao khi chỉ có duy nhất CSTB2215 do KIS phát hành có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,47 triệu), đóng cửa giảm 6,9% xuống 270 đồng.

Tin bài liên quan