Phiên giao dịch sáng 21/3: Mua và nín thở chờ đợi

Phiên giao dịch sáng 21/3: Mua và nín thở chờ đợi

(ĐTCK) Thị trường đã phục hồi trở lại sau 1 phiên điều chỉnh. Lực chốt lời giá thấp cũng cạn dần, nhưng bên mua vừa mua, vừa chờ đợi vì phiên chiều được dự đoán sẽ có biến khi hôm nay là ngày cuối ETFs đảo danh mục.

Hôm nay là ngày cuối cùng trong đợt review của các quỹ ngoại, dự báo thị trường vẫn sẽ chịu áp lực bán mạnh.

Tuy nhiên, điều tích cực là lực chốt lời được hấp thụ khá tốt, dòng tiền không bị rút ra khỏi thị trường mà luân chuyển từ cổ phiếu này sang cổ phiếu khác. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư vẫn còn đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường.

Trong khi đó, các CTCK cũng cho rằng, sau một thời gian khá dài tăng điểm thì việc thị trường có những phiên điều chỉnh là điều hợp lý và tác động của đợt review chỉ mang tính ngắn hạn.

Bởi vậy, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục khi bước vào phiên cuối tuần này, nhưng cũng khá thận trọng. Kết thúc đợt 1, VN-Index đã tăng nhẹ 0,22 điểm (+0,04%) lên 600,48 điểm, với 2,94 triệu đơn vị giao dịch, giá trị 43,53 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng của VN-Index tiếp tục được gia cố bởi một loạt những mã lớn. Các mã VNM, VIC, HAG, VCB, CTG, SSI, MBB … đồng loạt tăng giá. Trong đó, VNM tăng 1.000 đồng lên 144.000 đồng. MBB tăng 500 đồng lên 16.400 đồng và đang được giao dịch rất sôi động, hiện đã khớp được trên 2 triệu đơn vị. HAG tiếp tục tăng 600 đồng lên 29.600 đồng và khớp trên 1,5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, lực bán giá thấp sau phiên hôm qua đã cạn dần, trong khi bên mua vẫn giữ chút thận trọng, bởi trước mắt còn 1 phiên chiều, nhất là đợt ATC khi các quỹ ETFs sẽ chốt danh mục. Vì vậy, thanh khoản thi trường không mạnh như sáng qua và đà tăng của VN-Index cũng bị hãm bớt đôi chút.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,83 điểm (+0,64%), tạm đứng tại 604,09 điểm với 95,144 triệu đơn vị, giá trị 1.574,53 tỷ đồng. Trong đó, VN30-Index tăng 8,74 điểm (+1,29%) lên mức 684,82 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,25%) lên 89,92 điểm và có 52,355 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 558,09 tỷ đồng. Trong đó, HNX30-Index tăng 0,06 điểm (+0,03%) lên 184,24 điểm.

Giao dịch thỏa thuận phiên sáng nay trên 2 sàn đóng góp không đáng kể. Với HOSE có 1,628 triệu đơn vị được thỏa thuận, giá trị 92,58 tỷ đồng. Đáng chú ý vẫn là sự góp mặt của HSG khi mã này tiếp tục được thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị gần 62 tỷ đồng. Còn trên HNX, thỏa thuận góp 3,322 triệu đơn vị với giá trị 27,23 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là 3,095 triệu cổ phiếu S99, trị giá 25,386 tỷ đồng.

Các bluechips vẫn là nhân tố chính giúp nhịp tăng của HOSE được duy trì. Nhóm VN30 có tới 21 mã tăng điểm và chỉ duy nhất 1 mã giảm điểm là OGC. Trong đó, tăng mạnh phải kế đến MBB khi tăng 500 đồng lên 16.400 đồng và khớp được gần 4,2 triệu đơn vị, HAG tăng 500 đồng lên 29.500 đồng và có hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh, REE tăng 800 đồng lên 32.700 đồng và cũng khớp trên 2 triệu đơn vị… Ngoài ra, VNM, VIC cũng giữ được mức tăng mạnh 1.000 đồng ở phiên sáng nay. Trong khi đó, MSN, GAS, FPT lại quay về mức tham chiếu.

Đối với các mã vừa và nhỏ, giao dịch cũng diễn ra khá sối động. FLC tăng mạnh 600 đồng lên 14.400 đồng, thanh khoản cao nhất sàn HOSE với hơn 7,48 triệu đơn vị được khớp. ITA vẫn loanh quanh ở mốc tham chiếu với 3,82 triệu đơn vị được khớp.

Hết phiên sáng, PXM và PTL vẫn được neo ở kịch trần. Trong khi PTL khớp được gần 4,37 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới gần 2,4 triệu đơn vị, thì PXM dư mua trần trên 1,33 triệu đơn vị.

Sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ, AGR đã lấy lại sắc tím với hơn 1,93 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần trên 700.000 đơn vị.

Ngoài ra, sắc tím tiếp tục được giữ đều trên các mã LCG, DIC, CCL, CIG, ALP, ASM, DCT, MTG …

Trên HNX, giao dịch kém sôi động hẳn so với 2 phiên trước đó. Các mã cũng không có biến động lớn, thanh khoản chỉ ở mức trung bình. SHB sau 2 phiên gây sốt cũng chỉ được khớp ở mức 3 triệu đơn vị, đứng ở mức tham chiếu 11.600 đồng/cổ phiếu. PVX khá hơn với mức tăng nhẹ 100 đồng, lên 7.200 đồng với hơn 5 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm chứng khoán có sự phân hóa khá rõ nét, trong khi ORS tiếp tục duy trì mức trần, IVS, BVS, tăng mạnh, thì KLS, HPC, VND, SHS chỉ lình xình trên tham chiếu, trong khi đó,  WSS, PSI, VIG giảm giá.

KLF tăng mạnh 1.100 đồng lên 15.900 đồng và khớp tới 2,16 triệu đơn vị sau khi HNX đưa ra khỏi danh mục cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ.

Tin bài liên quan