Phiên giao dịch sáng 4/1: Hiện thực hóa lợi nhuận, thu lộc đầu năm

Phiên giao dịch sáng 4/1: Hiện thực hóa lợi nhuận, thu lộc đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận ở một số mã cổ phiếu bắt đáy cuối tuần trước để có lộc đầu năm mới khiến thị trường không duy trì được đà tăng mạnh như phiên đầu năm, nhưng thanh khoản tiếp tục được cải thiện.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch đầu năm mới (3/1) tưng bừng với sắc tím tràn ngập bảng điện tử, VN-Index tăng vọt 36,81 điểm (+3,66%), để lần đầu tiên sau 9 phiên vượt qua ngưỡng cản của đường MA20. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản của thị trường cũng cải thiện mạnh, cao hơn hẳn so với mức trung bình của tuần cuối năm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường tiếp tục mở cửa với sắc xanh, VN-Index leo qua mốc 1.050 điểm với sắc xanh vẫn là sắc màu chủ đạo. Tuy nhiên, sau phiên mua bán lấy may đầu năm, nhà đầu tư đã trở lại với sự thận trọng vốn có, khiến giao dịch có phần chậm hơn, VN-Index cũng nhanh chóng đảo chiều, có lúc chớm sắc đỏ, nhưng cũng bật lại nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ đắc lực của VPB, trong khi các mã bluechip giảm giá chỉ giảm mức khiêm tốn.

Dù số mã tăng trần chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhưng thị trường vẫn có những điểm nhất. Trong đó, đáng chú ý nhất là IBC khi có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp sau chuỗi 26 phiên giảm sàn liên tiếp mất 84% giá trị. Cổ phiếu này được cứu trong phiên 29/12/2022 khi cả chục triệu cổ phiếu dự bán sàn được hấp thụ hết, kéo mã này từ mức sàn 2.260 đồng, lên mức kịch trần 2.580 đồng.

Sau phiên được cứu này, IBC tiếp tục có thêm 2 phiên tăng trần liên tiếp nữa là phiên cuối cùng của năm 2022 (30/12) và phiên đầu tiên của năm 2023 (3/1). Trong đó, phiên hôm qua, nhiều nhà đầu tư bắt đáy đã hiện thực hóa lợi nhuận với mức lợi nhuận tối đa có thể lên đến 30%. Đây là mức rất cao với nhà đầu tư lướt T+, đặc biệt là có lộc ngay đầu năm mới. Tuy nhiên, lực cầu đỡ giá vẫn rất tốt giúp IBC duy trì sắc tím từ đầu tới cuối phiên hôm qua.

Bước vào phiên sáng nay, lực cung chốt lời tiếp tục diễn ra mạnh hơn nhiều so với phiên hôm qua. Với những nhà đầu tư chốt lời thành công hôm nay và bắt đúng đáy trong tuần trước, đã có mức lợi nhuận hơn 39%. Áp lực chốt lời diễn ra mạnh khiến IBC có lúc bị rung lắc, không còn duy trì được sắc tím, nhưng bên giải cứu chưa muốn đà hồi sinh của IBC sớm chấm dứt, nên tung tiền vào hấp thụ hết lượng cung chốt lời, kéo IBC trở lại mức trần 3.150 đồng và còn dư mua trần tới gần 3 triệu đơn vị, cùng lượng khớp gần 6,6 triệu đơn vị. Có thời điểm lệnh dư mua trần gần 3,3 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên còn gần 3 triệu, trong khi thanh khoản không tăng, cho thấy nhiều nhà đầu tư nhận thấy không thể mua đuổi nên đã hủy lệnh mua.

Cũng chịu áp lực chốt lời lớn sau 4 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần (cả phiên sáng nay), với tổng mức tăng khoảng 19% là LCG. Dù lực cầu cũng khá tốt, nhưng áp lực chốt lời quá lớn khiến LCG không duy trì được sắc tím, trong khi thanh khoản tăng mạnh lên mức cao nhất 9 tháng với 12,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,9% ở mức 8.450 đồng.

VN-Index thêm một lần nữa thử thách lại mốc 1.050 điểm đã thất bại lúc đầu phiên, lần này chỉ số vượt qua mức đỉnh của phiên đã xác lập lúc nửa đầu phiên. Tuy nhiên, trước áp lực chốt lời lấy lộc đầu năm khá mạnh, VN-Index thêm một lần thất bại với ngưỡng 1.050 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 4,68 điểm (+0,45%), lên 1.048,58 điểm với 226 mã tăng (chỉ 6 mã trần) và 149 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 357 triệu đơn vị, giá trị 5.784,7 tỷ đồng, tăng 26,6% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,6 triệu đơn vị, giá trị 628,3 tỷ đồng.

Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm ngân hàng vẫn duy trì được phong độ với sắc xanh chiếm ưu thế, chỉ có 4 mã giảm nhẹ là OCB, MSB, TPB và EIB, cùng với 3 mã đứng giá là ACB, HDB và LPB. Tuy nhiên, các mã tăng cũng không quá mạnh, với mã tăng mạnh nhất là VPB tăng 2,4% lên 18.950 đồng. BID tăng 1,7% lên 41.900 đồng; STB, CTG và VIB là các mã tăng hơn 1%, còn lại chỉ tăng nhẹ. Trong đó, VPB cũng là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và tốt nhất sàn sáng nay với 29,9 triệu đơn vị. Mã có thanh khoản tốt thứ 2 của nhóm là STB với 8,6 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán dù nửa đầu phiên chỉ có APG và ORS giảm nhẹ, nhưng sau đó trước áp lực cung đã kéo theo nhiều mã đảo chiều giảm là FTS, VDS, TVS, AGR và TVB, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Ở chiều tăng, mã tăng mạnh nhất là CTS cũng chỉ tăng 3% lên 13.900 đồng. Các mã lớn có HCM tăng 2,6% lên 21.950 đồng, VCI tăng 1,8% lên 25.300 đồng, VND tăng 1,7% lên 14.650 đồng và SSI tăng 1,3% lên 19.150 đồng. Trong đó, VND là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 10 triệu đơn vị, tiếp đó là SSI với 6,55 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản có sự phân hóa, trong đó các mã có thanh khoản tốt có DIG khớp 7,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,6% lên 15.850 đồng; NVL khớp 7,77 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,1% xuống 14.200 đồng; VCG khớp 7,18 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,4% lên 18.700 đồng.

Nhóm thép, các mã đáng chú ý đều tăng, trong đó HPG tăng 1,3% lên 19.500 đồng, khớp 11,73 triệu đơn vị, cao nhất nhóm.

Các mã đơn lẻ khác, HAG cũng có giao dịch sôi động với 14,76 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3,6% xuống 9.150 đồng. HHV lại tăng mạnh 4,5% lên 10.500 đồng, có lúc chạm trần 10.750 đồng, khớp 8,07 triệu đơn vị. GEX cũng tăng 1,5% lên 13.450 đồng, khớp 7,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau khi lập đỉnh của ngày trong nửa đầu phiên sáng giống VN-Index, chỉ số HNX-Index quay đầu hạ nhiệt dần và dù cũng được kéo trở lại giống VN-Index, nhưng không thể trở lại đỉnh cũ, mà sau đó bị đẩy trở lại về gần tham chiếu khi đóng cửa phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,43 điểm (+0,2%), lên 213 điểm với 70 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,6 triệu đơn vị, giá trị 699 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 57,9 tỷ đồng.

Trong 8 mã có thanh khoản tính bằng triệu đơn vị sáng nay, chỉ có duy nhất SHS giảm 1,1% khi đóng cửa, xuống 9.100 đồng. Đây cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 9,07 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CEO tăng 6,2% lên 20.700 đồng, khớp 6,52 triệu đơn vị; PVS tăng 2,2% lên 22.900 đồng, khớp 5,08 triệu đơn vị; PVC tăng kịch trần lên 14.000 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần…

Trong khi đó, UPCoM có diễn biến giống VN-Index khi cũng có lúc bị đẩy về gần tham chiếu, sau đó bật lên vượt qua đỉnh nửa đầu phiên, trước khi hạ nhiệt nhẹ lúc đóng cửa.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (0,55%), lên 72,8 điểm với 138 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,5 triệu đơn vị, giá trị 277 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,7 triệu đơn vị, giá trị 51,9 tỷ đồng.

Sáng nay chỉ có BSR và C4G khớp trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng giá. Trong đó, BSR khớp 6,79 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,6% lên 14.400 đồng. C4G với hiệu ứng đầu tư công như HHV cũng tăng 4,9% lên 10.800 đồng, khớp 1,78 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan