Phiên giao dịch sáng 8/4: Thiếu năng lượng

Phiên giao dịch sáng 8/4: Thiếu năng lượng

(ĐTCK) Sau phiên tăng mạnh đầu tuần và chinh phục thành công mốc 600 điểm, thị trường không thể tiếp tục bứt phá để thử thách đỉnh cũ khi dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại.

Trong phiên giao dịch hôm qua, với sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn, VN-Index đã vụt tăng mạnh và lần thứ 2 trong năm chinh phục thành công mốc kháng cự tâm lý mạnh 600 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản lại không đi cùng với đà tăng mạnh của điểm số khi vẫn ở mức trung bình khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra e dè.

Về thông tin tác động, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) các yếu tố vĩ mô của Việt Nam dù đã cải thiện, nhưng vẫn còn mong manh.

Ngoài ra, trong phiên giao dịch tối qua, thị trường chứng khoán thế giới đã đồng loạt giảm mạnh với áp lực bán diễn ra trên diện rộng. Dù không trực tiếp ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam, nhưng những diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo các công ty chứng khoán, sau khi chinh phục thành công mốc 600 điểm, thị trường sẽ vẫn tiếp nối đà tăng và mục tiêu tiếp theo là mốc 609 điểm. Đây chính là thách thức thực sự đối với thị trường, bởi lượng hàng kẹt ở mức đỉnh này khá lớn. Vì vậy, theo các công ty chứng khoán, để VN-Index vượt qua mốc này và leo lên các mốc tiếp theo 620 - 630 điểm, thanh khoản cần phải được cải thiện.

Trở lại với diễn biến thị trường trong phiên sáng nay. Tâm lý thận trọng được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, bởi mốc 600 điểm hiện rất nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh thanh khoản vẫn ở mức trung bình, cho thấy dòng tiền chưa sẵn sàng tham gia trở lại.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (+0,02%), lên 600,71 điểm với tổng giá trị giao dịch 54,3 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, dù sắc xanh đã xuất hiện dày hơn trên bảng điện tử, nhưng mức tăng của các cổ phiếu không đủ mạnh để VN-Index bứt phá hẳn khỏi mốc 600 điểm, mà chỉ giúp chỉ số này nhích nhẹ từng bước một. Thanh khoản vẫn ở mức thấp, cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc trở lại.

VNM sau phiên tăng giá, làm điểm tựa cho thị trường tăng mạnh hôm qua nhờ thông tin tốt tăng cổ tức và chia cổ phiếu thưởng, đã trở lại mốc tham chiếu trong phiên sáng nay. GAS cũng chỉ lình xình ở quanh mốc tham chiếu, chứ không còn bứt phá mạnh như phiên hôm qua. Đây chính là lý do khiến chỉ số không thể tăng mạnh như phiên đầu tuần trong phiên sáng nay.

Với sức nặng quá lớn, các đầu tàu này không thể chạy nhanh là điều dễ hiểu. Mặt khác, nhìn vào giao dịch của khối tự doanh thì thấy, áp lực bán ra các cổ phiếu lớn của khối này khá mạnh, cũng ảnh hưởng đến đà tăng của nhóm cổ phiếu này.

Không chỉ VNM và GAS, một số mã khác hỗ trợ cho đà tăng của thị trường phiên hôm qua cũng đã yếu lực trở lại trong phiên sáng nay như PVD, HCM, HPG..., cùng VIC giảm giá đã khiến VN-Index quay đầu giảm điểm và kéo HNX-Index đảo chiều theo. Sau đó, thị trường giao dịch trong xu thế giằng co quanh mốc tham chiếu trong thời gian còn lại của phiên sáng. Thanh khoản vẫn ở mức trung bình.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,07 điểm (+0,18%), lên 601,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 73 triệu đơn vị, giá trị 1.398,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 3,8 triệu đơn vị, giá trị 222,5 tỷ đồng với sự đóng góp chính từ 2,917 triệu cổ phiếu HSG, giá trị 173,56 tỷ đồng. VN30-Index tăng 1,62 điểm (+0,24%), lên 674,59 điểm với 17 mã tăng và 6 mã giảm.

Trên HNX, dù cũng có lúc rung lắc do ảnh hưởng của sàn HOSE, nhưng HNX-Index lại vẫn giữ được sắc xanh trong suốt phiên giao dịch. Kết thúc phiên sáng, HNX-Index tăng 0,46 điểm (+0,53%), lên 87,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48 triệu đơn vị, giá trị 572,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không đáng kể. HNX30-Index tăng 2,23 điểm (+1,23%), lên 183,69 điểm.

FLC sau phiên tăng vọt với lệnh chặn mua chất đầy phiên hôm qua đã điều chỉnh giả trở lại trong phiên sáng nay với thanh khoản thấp. Kết thúc phiên, FLC giảm 400 đồng (-2,52%), xuống 15.500 đông/cổ phiếu với hơn 4 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, ITA đứng ở mức tham chiếu với hơn 6 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu lớn, VNM, VCB, PVD lấy lại được màu xanh với mức tăng tối thiểu, GAS trở về tham chiếu, trong khi MSN tăng 1.000 đồng, lên 95.500 đồng/cổ phiếu nhưng thanh khoản rất thấp.

DPM sau phiên bị khối ngoại xả mạnh hôm qua cũng đã lấy lại được cân bằng với mức tăng nhẹ 100 đồng, lên 42.000 đồng/cổ phiếu với hơn 1,5 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua hơn 1/3.

FPT sau thông tin chia cổ tức cũng tăng 1.500 đồng (+2,16%), lên 71.000 đồng/cổ phiếu với hơn 1,4 triệu đơn vị được khớp.

Các mã nhỏ tăng mạnh phiên hôm qua như MCG, VHG, DLG cũng hạ nhiệt trong phiên sáng nay khi đứng ở tham chiếu hoặc chỉ tăng nhẹ. Thay thế vào đó là sự “nổi dậy” của GTT khi bất tăng từ dưới tham chiếu lên mức trần 7.700 đồng/cổ phiếu với hơn 4,8 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

VOS cũng gây ấn tượng khi được khớp gần 2,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 4.600 đồng gần 230.000 đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, trong khi HCM điều chỉnh nhẹ, thì SSI vẫn duy trì đà tăng tốt 500 đồng (+1,7%), lên 29.900 đồng với hơn 4,45 triệu đơn vị được khớp. Đây cũng là điều dễ hiểu khi trong quý I/2014, SSI đã đánh bật HCM khỏi vị trí đứng đầu về thị phần môi giới trên HOSE.

PTL cũng bất ngờ nhận được lực cầu mạnh trở lại để thoát mức giá sàn, thậm chí tăng nhẹ 100 đồng, lên 4.100 đồng/cổ phiếu với gần 4,5 triệu đơn vị được khớp, trong khi PXM vẫn bị nện sàn do không có lực mua.

Trên sàn HNX, nhờ sự hào hứng của bên mua, nên SHS đã vượt qua và mã dẫn dắt khác như PVX, SHB, SCR, KLS ở vị trí thanh khoản của sàn với 5,29 triệu đơn vị được khớp và tăng 700 đồng (+6,93%), lên 10.700 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, dù lệnh mua và bán mạnh hơn SHS khá nhiều, nhưng do bên mua không dám mạo hiểm, trong khi bên bán treo giá cao, nên PVX được khớp hơn 5,1 triệu đơn vị và có mức tăng nhẹ 100 đồng.

Ngoài SHS, các mã chứng khoán khác cũng có mức tăng mạnh như KLS, VND, BVS.

Trong khi đó, PVA tiếp tục duy trì đà tăng trần lên 5.500 đồng/cổ phiếu và còn dư mua giá trần 364.500 đơn vị và được khớp 514.200 đơn vị.

Tin bài liên quan