Phiên giao dịch sáng 8/9: Đón đợt sóng mới

Phiên giao dịch sáng 8/9: Đón đợt sóng mới

(ĐTCK) Dù vẫn chịu áp lực bán rất mạnh, nhưng với những nhận định lạc quan của các chuyên gia và công ty chứng khoán, cùng thông tin tích cực về mở cơ chế vay và cho vay chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã hồ hởi xuống tiền để chuẩn bị cho đợi sóng mới của thị trường.
Trong tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã có 2 phiên vấp ngã khi tiến đến vùng 640 - 650 điểm do áp lực chốt lời tăng cao.

Dù dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, nhưng tâm lý chốt lời ngắn hạn của một số nhà đầu khiến thị VN-Index bị chao đảo trong tuần giao dịch trước, nhất là ở cuối phiên giao dịch.

Việc VN-Index có dấu hiệu điều chỉnh khiến nhiều người lo sợ rủi ro sẽ tăng cao khi thị trường bước vào tuần giao dịch mới. Lo sợ của nhà đầu tư là có lý khi một phần không nhỏ giúp thị trường tăng điểm thời gian qua đến từ dòng tiền margin. Nếu thị trường điều chỉnh, áp lực giải chấp có thể sẽ nhấn chìm thị trường như hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán và cả các công ty chứng khoán, margin là có, nhưng không nhiều như đợt tháng 3, tháng 4, hơn nữa các công ty chứng khoán cũng đã tăng cường các công cụ phòng ngừa rủi ro khi triển khai dịch vụ này. Bên cạnh đó, xu hướng của thị trường vẫn sẽ tăng và dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường, những phiên điều chỉnh vừa qua của thị trường là cần thiết để VN-Index có thể chinh phục mốc kháng cự tiếp theo 650 điểm. Khả năng điều chỉnh sâu của thị trường là khó xảy ra và vì vậy, áp lực giải chấp trong ngắn hạn là khá nhỏ.

Chính những nhận định, đánh giá đưa ra kịp thời của các chuyên gia và công ty chứng khoán đã giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn nhận được thông tin hỗ trợ tích cực khi bước vào phiên giao dịch sáng nay chính là thông tin chính thức mở cơ chế vay và cho vay chứng khoán.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch, dòng tiền đã ồ ạt được bơm vào, giúp HOSE tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,23 điểm (+0,51%), lên 641,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,6 triệu đơn vị, giá trị 141,8 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index giao dịch giằng co quanh mốc 642 điểm trong 1 tiếng giao dịch và xác định rõ hướng đi. Áp lực chốt lời vẫn lớn, nhưng dòng tiền cũng chảy rất mạnh vào thị trường rất lớn, giúp VN-Index giữ vững đà tăng với thanh khoản lớn.

Trong khi đó, với sự trợ giúp trở lại của nhóm dầu khí HNX-Index hướng tới phiên tăng điểm thứ 10 liên tiếp và hướng tới chinh phục mốc 90 điểm.

Sau đó, trước áp lực chốt lời gia tăng mạnh, thị trường bắt đầu có dầu hiệu rung lắc, VN-Index lùi xuống dao động quanh vùng 640 điểm, HNX-Index cũng bị chặn lại khi chưa tới được mức 89,5 điểm, nhưng sau đó, chỉ số này đã vọt tăng trở lại.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,82 điểm (+0,28%), lên 640,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,2 triệu đơn vị, giá trị 1.722,3 tỷ đồng.Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,2 triệu đơn vị, giá trị 203,9 tỷ đồng với sự góp mặt của 5,99 triệu cổ phiếu KBC, giá trị 89,85 tỷ đồng. VN30-Index tăng 3,23 điểm (+0,48%), lên 680,85 điểm. 

Trong khi đó, sau một ít phút rung lắc nhẹ, HNX-Index đã bật tăng trở lại với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí và vượt qua 89,5 điểm. Kết thúc phiên sáng, HNX-Index tăng 1,22 điểm (+1,38%), lên 89,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,75 triệu đơn vị, giá trị 692,69 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,57 triệu đơn vị, giá trị 81 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2,79 điểm (+1,52%), lên 185,93 điểm.

Các mã lớn như GAS, MSN, VNM, VIC chính là những lực đỡ cho VN-Index tăng điểm ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, sau đó, nhóm này bắt đầu có dấu hiệu yếu đi, ảnh hưởng đến tốc độ tăng của VN-Index.

Các nhóm cổ phiếu đã có sự phân hóa, không còn đồng loạt tăng giá như tuần trước đó. Nhóm cổ phiếu khoáng sản cũng không còn mặc đồng phục tím như trước, mà chỉ còn duy trì đà tăng nhẹ do chịu áp lực. Đây cũng là điều dễ hiểu khi nhóm này đã có những phiên ngược dòng thị trường ấn tượng vừa qua.

Nhóm bất động sản  có sự phân hóa mạnh. Trong khi HDG, PTL tăng lên mức trần, các mã lớn, hoặc có tính dẫn dắt như VIC, DIG, FLC, SJS... cũng có được đà tăng, thì HQC, ITA lại đứng ở tham chiếu, các mã khác như KBC, IJC, HAR, NTL, PPI, QCG.... đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong đó, FLC dù hạ nhiệt dần vào cuối phiên, nhưng vẫn có mức tăng 200 đồng, lên 13.200 đồng với 9,34 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm dầu khí vẫn duy trì đà tăng tốt ở các mã có thị giá thấp, trong ở nhóm bluechip, DPM vẫn có đà tăng mạnh, trong khi PVD và GAS tỏ ra yếu đà.

Nhóm chứng khoán với sự dẫn dắt của SSI vẫn duy trì đà tăng khá tốt.

Trên HNX, nhóm cổ phiếu dầu khi vẫn là chỗ dựa vững chắc cho đà tăng điểm của HNX-Index. Dù HNX-Index  có những phút rung lắc do chịu tâm lý từ áp lực chốt lời trên HOSE, nhưng sau đó, khi VN-Index trụ vững được ở mốc 640 điểm, lực mua đã tăng mạnh trên HNX, đặc biệt là nhóm dầu khí, đẩy chỉ số sàn này tăng mạnh.

PVC, PVS, PVE, PGS, PVG tăng rất mạnh, trong đó, PVE thậm chí đóng cửa với sắc tím. PVX sau thời gian lình xình ở tham chiếu, cũng tăng lên 200 đồng, lên 6.300 đồng với 5,6 triệu đơn vị được khớp. Nhóm chứng khoán trên sàn HNX chỉ có được mức tăng nhẹ.

Tin bài liên quan