Phiên sáng 9/2: Cơn ác mộng trở lại

Phiên sáng 9/2: Cơn ác mộng trở lại

(ĐTCK) Không nằm ngoài dự báo, lượng hàng hơn 15.000 tỷ đồng cổ phiếu được mua vào giá thấp trong phiên 6/2 đã chính thức về tài khoản và trở thành cơn ác mộng của thị trường khi mở cửa phiên giao dịch sáng cuối tuần 9/2. Chỉ số VN-Index đã mất tới gần 50 điểm chỉ trong 30 phút đầu giao dịch với sắc đỏ bao phủ toàn thị trường.

Hy vọng phục hồi đã trở lại sau 2 phiên lao dốc mạnh đầu tuần, tuy nhiên, hy vọng chỉ là hy vọng. Lực cầu mạnh và tâm lý "hoảng loạn" đã qua, lượng margin đã giảm trước tết,... tất cả đều không cứu nổi thị trường khi động lực tăng trưởng tạm lắng, đặc biệt tác động không thuận trên thị trường chứng khoán thế giới bất ngờ thành nhân tố quan trọng tới quyết định đặt lệnh của nhà đầu tư Việt.

Về diễn biến giao dịch cụ thể, chiều hôm qua, khi lượng chứng khoán với giá trị hơn 15.000 tỷ đồng, mua giá thấp ở phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/2) về tài khoản đã gây một sức ép đáng kể lên thị trường. Nhưng VN-Index cũng chỉ mất đi 17 điểm. Đã có những tiếng "thở phào".

Nhưng tiếc rằng, đà phục hồi sáng nay đã không diễn ra.

Đêm hôm qua, trên thị trường thế giới, các chỉ số chính tại Mỹ và Anh cũng đồng loạt lao dốc mạnh. Chỉ số Dow Jones giảm 1.032,89 điểm (-4,15%), xuống 23.860,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 100,66 điểm (-3,75%), xuống 2.581,00 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 274,82 điểm (-3,90%), xuống 6.777,16 điểm.

Đây là nhân tố chính khiến phiên giao dịch sáng cuối tuần hôm nay (9/2), cơn ác mộng đã trở lại khi lực bán gia tăng mạnh ngày từ đầu phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index mất tới gần 40 điểm ngay khi mở cửa.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm tiếp tục được nới rộng khi lực cung giá thấp ồ ạt dâng cao. Chỉ trong 30 phút đầu giao dịch, trên sàn HOSE đã có tới 200 mã chuyển sắc đỏ và chỉ còn 24 mã tăng giá, đẩy VN-Index về dưới mốc 975 điểm khi giảm gần 50 điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực hãm chính của thị trường khi đồng loạt 30 mã trong nhóm VN30 đều đứng dưới mốc tham chiếu với mức giảm khá lớn. Đáng kể, các mã dầu khí vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi tiếp tục là nhóm điều chỉnh mạnh nhất.

Cụ thể, GAS giảm 6,9% xuống mức giá sàn 96.800 đồng/CP ngay từ đầu phiên và còn dư bán sàn 196.030 đơn vị; PLX giảm 6,5% xuống sát giá sàn 72.100 đồng/CP, PVD giảm hết biên độ 6,8% xuống mức 19.100 đồng/CP…

Sau hơn 30 phút lao dốc mạnh, thị trường đã có tín hiệu bật ngược trở lại nhờ đà giảm được thu hẹp ở nhóm cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn. Tuy nhiên, diễn biến chung của thị trường vẫn khá tiêu cực khi lực bán vẫn thường trực khá cao khiến sắc đỏ vẫn bao trùm bảng điện tử, các chỉ số chưa thoát khỏi xu hướng giảm sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 229 mã giảm, gấp hơn 5 lần số mã tăng (45 mã), chỉ số VN-Index giảm 34,18 điểm (-3,34%) xuống mức 989,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 156,23 triệu đơn vị, giá trị 4.052,6 tỷ đồng, tăng khá mạnh 62,74% về lượng và 83,55% về giá trị so với phiên sáng qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,53 triệu đơn vị, giá trị 951,39 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 14,18 triệu đơn vị, giá trị 200 tỷ đồng; VRE thỏa thuận 10,4 triệu đơn vị, giá trị 496,6 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không còn rơi mạnh như đầu phiên như BID và VCB cùng thoát sắc xanh mắt mèo với mức giảm tương ứng 1,55% xuống mức 31.700 đồng/CP và 4,13% xuống mức 60.300 đồng/CP, tương tự STB, CTG cũng thu hẹp đà giảm đáng kể. Đặc biệt, cổ phiếu MBB đã đảo chiều và là mã duy nhất trong nhóm VN30 tăng điểm với biên độ 1,1% và chốt phiên tại mức giá 28.600 đồng/CP. Cổ phiếu STB vẫn là mã giao dịch tốt nhất sàn HOSE với 9,16 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trong khi đó, các mã lớn khác vẫn giảm khá sâu như VNM giảm 3,6% xuống mức 190.100 đồng/CP, SAB giảm 3,8% xuống mức 216.400 đồng/CP, VIC giảm 3,2% xuống mức 76.500 đồng/CP, VJC giảm 3,3% xuống mức 178.000 đồng/Cp, ROS giảm 6,5% xuống mức 143.500 đồng/CP, VRE giảm 4,1% xuống mức 47.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, GAS không thoát khỏi giá sàn 96.800 đồng/CP, giảm 6,9%; PLX giảm 6% xuống mức 72.500 đồng/CP, PVD tiếp tục trắng bên mua và dư bán sàn hơn 3 triệu đơn vị, các mã khác như PVT, PXS, PXT… cũng giảm mạnh.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ trên sàn cũng đua nhau giảm mạnh như HAG, HNG, AMD, FLC, HQC, DXG… các mã HAI, KSA, QCG, TNI giảm sàn.

Tương tự, trên sàn HNX, đà giảm cũng được thu hẹp đáng kể dù thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ. Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,73 điểm (-1,48%) xuống 115,21 điểm với 103 mã giảm và 30 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 601 tỷ đồng, tăng 70,92% về lượng và 67,33% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 46,55 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn cổ phiếu ngân hàng đã hãm bớt đà giảm với ACB giảm 0,76% xuống 39.200 đồng/CP với khối lượng khớp 3 triệu đơn vị, SHB giảm 1,67% tạm đứng ở mức giá 11.800 đồng/Cp và khớp 16,86 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán cũng bớt tiêu cực khi MBS và SHS cùng thoát khỏi giá sàn, trong đó MBS giảm 5,4% xuống mức 14.000 đồng/CP, SHS giảm 6,3% xuống mức 19.200 đồng/CP, BVS giảm 2,1% xuống mức 18.500 đồng/CP, CTS giảm 3,2% xuống mức 12.100 đồng/CP, VDS giảm 2,1% xuống mức 11.700 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng thu hẹp đà giảm nhưng vẫn là những tác nhân đẩy thị trường đi xuống như PVS giảm 5,4% xuống mức 19.100 đồng/CP, VCG giảm 5,1% xuống mức 20.600 đồng/CP, VGC giảm 1,3% xuống mức 22.600 đồng/CP…

Trên sàn UPCoM, đà giảm cũng có phần thu hẹp sau màn lao mạnh đầu phiên. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,61 điểm (-1,08%0 xuống mức 55,85 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,77 triệu đơn vị, giá trị 93,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 268.699 đơn vị, giá trị hơn 19 tỷ đồng.

Lần lượt các mã lớn như HVN, DVN, LPB, MSR, MCH, ACV… đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, HVN có thời điểm bị đẩy về mốc giá sàn tuy nhiên đà giảm được thu hẹp về cuối phiên với biên độ giảm 7,1%, tạm đứng ở mức giá 44.600 đồng/CP.

Cổ phiếu LPB dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM và là mã duy nhất có khối lượng giao dịch triệu đơn vị. Cụ thể, với mức giảm 2,07%, cổ phiếu LPB chốt phiên tại mức giá 14.200 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 1,38 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan