Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Báo chí càng hiện đại, càng phải nhân văn

0:00 / 0:00
0:00
Thông tin xô bồ, mất kiểm soát trên mạng XH khiến độc giả lạc vào mê cung tiêu cực. Điều độc giả trông đợi ở báo chí ở tính chính xác, ở sự nhân văn trong từng con chữ.

Đằng sau mỗi tác phẩm báo chí là thân phận con người

Mạng xã hội với lượng thông tin khổng lồ, nóng bóng từng giây đang trở thành một thứ “ma túy” lôi cuốn người đọc, các cơ quan báo chí cũng đang phải lao vào cuộc đua thu hút độc giả. Trong cuộc chiến đó, đâu là lợi thế của báo chí?

Đúng là mạng xã hội đang gây áp lực rất lớn cho các cơ quan báo chí bởi tốc độ truyền tin và tính liên kết không giới hạn. Các nhà báo, các cơ quan báo chí vì vậy bị hối thúc quá mức trong cuộc đua trở thành người số 1 về tốc độ đưa tin. Tuy nhiên, thực tế, báo chí dù chạy nhanh đến đâu cũng khó có thể vượt trội so với mạng xã hội về tốc độ. Điều khiến báo chí vượt trội so với mạng xã hội là đưa tin chính xác hơn, bổ ích hơn và đặc biệt là nhân văn hơn.

Nói đến báo chí chính là nói đến bảo vệ lẽ phải, sự thật và công lý. Đằng sau mỗi tác phẩm báo chí là một thân phận, một con người, một gia đình, một thôn bản, hay thậm chí cả xã hội, tùy từng vấn đề và góc độ mà bài báo đề cập. Chính vì vậy, báo chí không chỉ đưa tin, phản ánh đơn thuần, mà là đưa tin một cách có trách nhiệm, vì một xã hội tốt đẹp.

Nhưng có một thực tế, trong vòng xoáy thông tin hỗn tạp trên mạng xã hội, có không ít nhà báo, tờ báo đã bị cuốn theo thị hiếu rẻ tiền?

Thời cuộc càng biến động, xã hội càng phức tạp thì thông tin trên mạng xã hội ngày càng hỗn tạp khiến không ít độc giả mệt mỏi, chán ngán. Phần đông độc giả vẫn có nhu cầu thông tin “sạch”, thông tin trí tuệ. Báo chí - với bản lĩnh chính trị, sự chuyên nghiệp và đạo đức nhà báo - phải trả lời được các vấn đề mà mạng xã hội đưa ra trên nền tảng thượng tôn pháp luật và đạo đức. Có như vậy, mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người.

Không chỉ giàu tính chiến đấu và nhân văn, báo chí còn phải xây đắp niềm tin và thổi vào người dân khát vọng thịnh vượng, bởi không quốc gia nào có thể phát triển nếu thiếu khát vọng, thiếu sự đồng thuận.

Tôi rất tự hào vì báo chí Việt Nam thời gian qua đã luôn bám sát hơi thở thời cuộc, đưa tin một cách kịp thời, trách nhiệm và sáng tạo với tinh thần dấn thân, quả cảm, thực hiện rất tốt vai trò của mình. Nhiều nhà báo tuổi nghề còn trẻ nhưng đã thể hiện được phẩm chất nghề nghiệp đáng trân trọng, đó là sự kết nối truyền thống rất đẹp của người làm báo Việt Nam.

Không thể phủ nhận, một số tờ báo đã có tình trạng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu view… khiến độc giả mất niềm tin. Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo của báo chí hiện nay vẫn là tích cực góp phần lan tỏa năng lượng tốt, bồi đắp niềm tin xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tinh thần, truyền thống cao quý của dân tộc.

Để xây dựng một nền báo chí nhân văn, như ông nói, với nhà báo, yếu tố nào là quan trọng nhất?

Đối với người làm báo, có ba yếu tố quan trọng: vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp. Cả ba yếu tố này đều quan trọng như nhau, làm nên phẩm chất của nhà báo, quyết định chất lượng tác phẩm báo chí.

Một nhà báo giỏi trước tiên phải là một nhà báo có đạo đức. Nếu nhà báo rành rọt các “mánh lới” nghề nghiệp, nhưng lại thiếu đạo đức, thì ngòi bút sẽ bị bẻ cong, không thể trở thành nhà báo giỏi.

Không chỉ giàu tính chiến đấu và nhân văn, báo chí còn phải xây đắp niềm tin và thổi vào người dân khát vọng thịnh vượng, bởi không quốc gia nào có thể phát triển nếu thiếu khát vọng, thiếu sự đồng thuận. Để làm tốt nhiệm vụ này, báo chí cần phải làm gì?

Khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường chính là dòng chảy chính của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt từ thuở đầu thành lập đến nay, mục tiêu cuối cùng là vì hạnh phúc mỗi người dân. Tất cả chiến lược mà Đảng và Nhà nước đề ra đều lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, để thực hiện được những chiến lược này, phải có sự niềm tin, sự động thuận của xã hội.

Thời gian qua, báo chí đã tiếp ứng rất tốt khát vọng này. Thông qua các tác phẩm sinh động, các góc nhìn đa chiều, báo chí đã truyền tải được các quyết sách, chiến lược, khát vọng của Đảng, Nhà nước. Báo chí đã bám sát được dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc, nhà báo với cái tâm trong sáng và ngòi bút sắc sảo đã trở thành những “thư ký của thời đại”, ghi lại những giá trị nhân văn cao cả, vì sự phát triển vững bền của đất nước, từ đó góp phần vun đắp niềm tin, thắp lửa và thổi bùng khát vọng thịnh vượng vào trái tim mỗi người dân.

Hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, Báo Đầu tư thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện như trao quà Tết, trao học bổng Vì trẻ em Việt Nam...
Hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, Báo Đầu tư thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện như trao quà Tết, trao học bổng Vì trẻ em Việt Nam...

Kinh tế báo chí không phải là chuyện riêng của cơ quan báo chí

Báo chí đang bị cạnh tranh dữ dội bởi các nền tảng truyền thông số, không chỉ về mặt nội dung mà cả về kinh tế. Bên đẩy mạnh quảng cáo, không chỉ các tờ báo lớn của Mỹ như Financial Times, Reuters News, mà một số tờ báo tại Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai thu phí đọc. Ông nhận định như thế nào về xu hướng này?

Báo chí đảm trách nhiệm vụ chính trị, song cũng phải đảm bảo nguồn thu để duy trì hoạt động của tòa soạn và đảm bảo đời sống cán bộ, phóng viên. Vấn đề kinh tế báo chí cần phải được đặt trong một chương trình, đề án tổng thể tầm quốc gia, từ đó có những cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Nói cách khác, kinh tế báo chí không phải là chuyện riêng của cơ quan báo chí, mà của cả các cơ quan hoạch định, điều hành chính sách, cơ quan chủ quản báo chí.

Đương nhiên, bản thân báo chí phải chủ động, sáng tạo hơn nữa trong tìm kiếm nguồn thu. Ngoài phát hành, quảng cáo, tổ chức sự kiện…, báo chí cần tập trung để nâng cao chất lượng nội dung và có nguồn thu từ nội dung.

Tôi rất hoan nghênh một số tờ báo đã mạnh dạn thực hiện thu phí đọc từ độc giả như VietnamPlus, Ngay Nay, VietNamNet... Tôi cho rằng, đó là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng sản phẩm báo chí. Bởi suy cho cùng, dù công nghệ phát triển đến đâu, nội dung vẫn là trái tim của báo chí.

Tôi mong rằng, ngày càng nhiều tờ báo hưởng ứng xu thế này, từ đó hình thành một thói quen thụ hưởng thông tin trong xã hội: độc giả muốn có thông tin chất lượng cao, đặc sắc, bổ ích, có chiều sâu thì phải trả tiền cho cơ quan báo chí. Đó là sự công bằng và văn minh.

Nội dung là vấn đề cốt lõi của các cơ quan báo chí, nhưng con đường sống bằng nội dung của báo chí có lẽ cũng sẽ rất khó khăn, khi các trang thông tin tổng hợp, các trang tự chế mọc lên như nấm, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí diễn ra tràn lan và người đọc không phân biệt được đâu là báo chí, đâu là trang tin trôi nổi?

Đúng vậy, cho nên bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, thì các cơ quan quản lý cũng phải rà soát lại các quy định pháp lý liên quan đến báo chí. Tôi cho rằng, phải có những quy định phù hợp hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn và xử phạt nghiêm khắc những sai phạm trong lĩnh vực này, trong đó có việc “báo hóa” các trang tin điện tử, các trang tin giả mạo thương hiệu các cơ quan báo chí…

Tin bài liên quan