Phó chủ tịch VAFI: Phương pháp hỗn hợp không phải là công cụ quản lý thuế hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tiếp tục có văn bản lần hai liên quan đến vấn đề góp ý kiến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi), đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia. Trong đó, có đưa ra 2 phương pháp tính thuế, những ưu và nhược điểm của các phương pháp này là gì, thưa ông?

Tại tờ trình đề nghị xây dựng Luật TTĐB của Bộ Tài chính và Nghị quyết 115 ngày 28/7/2023 của Chính phủ về việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra 2 phương án.

Phương án 1 là giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Phương án 2 là điều chỉnh tăng thuế bằng cách áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (vừa áp dụng thuế tương đối theo tỷ lệ phần trăm, vừa bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng rượu, bia).

Với phương án 1, đa phần các doanh nghiệp trong ngành sản xuất bia đồng thuận tán thành, vì nó bảo đảm tính minh bạch và công bằng, phù hợp với đặc thù Việt Nam khi giá bán của các công ty có sự chênh lệch lớn.

Ảnh tác giả

Phương pháp hỗn hợp không phải là công cụ để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể ở thị trường phi chính thức chuyển sang thị trường chính thức. Càng không phải là công cụ quản lý thuế hiệu quả trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI

Còn ở phương án số 2, với cách tính TTĐB bằng phương pháp hỗn hợp, các doanh nghiệp không thắc mắc phần tính thuế theo tỷ lệ % vì nó đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ không thể chấp nhận mức thuế tuyệt đối được tính như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ dù bia có giá trị cao hay thấp, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phá sản, vì phải chịu mức thuế tuyệt đối quá cao so với giá bán.

Với 2 phương án này, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn phương án 1 với lý do để đảm bảo yếu tố cạnh tranh trong bối cảnh chất lượng và giá bán đồ uống có cồn có sự khác biệt và cũng là để đảm bảo nguồn thu ngân sách. VAFI đồng thuận với Bộ Tài chính về sự lựa chọn này.

Có quan điểm cho rằng áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp có nhiều lợi ích như loại bỏ sản phẩm giá rẻ có nồng độ cồn cao, khuyến khích sản phẩm có nồng độ cồn thấp, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng, nuôi dưỡng nguồn thu thuế vững chắc. Quan điểm của ông và Hiệp hội với ý kiến này như thế nào?

Trong ngành sản xuất bia Việt Nam, cho dù là dòng bia đại chúng giá phổ thông hay dòng bia phân khúc trên phổ thông giá cao đều có quy trình sản xuất với các máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất theo các quy chuẩn giống nhau, nên mang lại sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như nhau, nồng độ cồn thấp (99% các sản phẩm bia tiêu thụ tại Việt Nam có độ cồn phổ biến từ 4,0% đến 5,3% - theo Heineken Việt Nam).

Về đảm bảo chất lượng, 4 công ty lớn gồm Heineken Việt Nam, Sabeco, Carlsberg, Habeco chiếm 92% thị phần bia Việt Nam, luôn tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và phấn đấu để được các tổ chức quốc tế chứng nhận về đảm bảo chất lượng cao nhất xuyên suốt quá trình sản xuất của mình.

Phương pháp hỗn hợp không phải là công cụ để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể ở thị trường phi chính thức chuyển sang thị trường chính thức. Càng không phải là công cụ quản lý thuế hiệu quả trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay.

Thêm vào đó, việc áp mức thuế tuyệt đối để tính thuế TTĐB cho sản lượng tiêu thụ trong khu vực phí chính thức là bất khả thi, chưa nói tới việc áp mức thuế tuyệt đối quá cao cho sản phẩm bia rượu bình dân giá thấp chỉ khuyến khích họ càng trốn thuế nhiều hơn.

Theo Bộ Tài chính, đa số các nước phát triển đã chuyển hoàn toàn sang đánh thuế tuyệt đối, vài nước trong khu vực ASEAN cũng đã áp dụng thuế hỗn hợp. Ông có thể chia sẻ thêm thực tiễn của một số quốc gia hiện nay? Việt Nam cần học hỏi gì từ kinh nghiệm các nước trên thế giới khi áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm về bia?

Trong các Tờ trình của Bộ Tài chính có nói việc các nước phát triển áp dụng phương pháp thuế tuyệt đối, là do sản phẩm của các hãng bia rượu không có sự chênh lệch lớn về giá bán, nên không gây mất công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng cho các doanh nghiệp lớn và không đúng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện có 30/38 quốc gia OECD áp dụng thuế tuyệt đối thấp hơn đối với các nhà máy sản xuất bia quy mô nhỏ và vừa. Với cơ chế áp thuế tuyệt đối lũy tiến tăng dần theo sản lượng hàng năm, họ áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và mức thuế tuyệt đối này được tăng lũy tiến theo sản lượng tiêu thụ. Tại Mỹ, Nhật Bản cũng có chính sách tương tự (mức thuế tuyệt đối thấp nhất bằng là khoảng 60% mức thuế tuyệt đối lớn nhất), như vậy chính sách của họ tạo ra nhiều mức thuế tuyệt đối, thích ứng với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ để đảm bảo bảo hộ và bình đẳng trong kinh doanh.

Chính phủ các nước phát triển, các nước tiên tiến đều có chính sách kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, ra sức bảo vệ khu vực doanh nghiệp yếu thế bằng việc áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp hơn.

Trong văn bản góp ý dự luật tiêu thụ đặc biệt sửa đổi của mình, VAFI có cho rằng, nếu áp dụng tính thuế theo phương pháp hỗn hợp sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mất đi sự công bằng lớn cho ngành bia. Ông có thể giải thích và phân tích rõ các căn cứ và luận điểm của VAFI về nhận định này không?

Trên thị trường Việt Nam hiện nay có sự chênh lệch giá bán rất lớn giữa dòng sản phẩm cao cấp và sản phẩm bình dân và phổ thông, nhất là có sự chênh lệch giá bán bia của Công ty Heineken Việt Nam với các doanh nghiệp còn lại (chênh giá bán bình quân từ 1,5 - 2,5 lần)

Việc áp dụng thêm mức thuế tuyệt đối tạo sự mất công bằng lớn trong ngành bia Việt Nam. Tất cả doanh nghiệp trong ngành bia phải đóng thuế TTĐB nhiều hơn, bị mất lợi thế cạnh tranh, trong khi Heineken chiếm khoảng 38% thị phần (theo AC Nielsen, 2022) về sản lượng và ước tính trên 51% về doanh thu toàn ngành được hưởng lợi (thuế TTĐB phải đóng giảm mạnh).

Chính sự mất công bằng vô lý này sẽ làm làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn lại, khiến họ không còn động lực để đầu tư mở rộng hay đầu tư chiều sâu.

Tin bài liên quan