
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Góp ý nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phát triển nguồn thu bền vững và tính toán cấu trúc nguồn vốn cho quỹ.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đắc Nông) thì cần lưu ý việc huy động nguồn lực ở đâu (ngân sách hay xã hội hóa) cho quỹ này.
Ngoài ra, quản lý sử dụng quỹ cần chặt chẽ để việc huy động, quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả và phục vụ nhiệm vụ quan trọng này.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, quỹ nhà ở quốc gia để cấp vốn cho đầu tư xây dựng. Do đó, cần bổ sung quy định Chính phủ cân đối nguồn vốn, hoặc hướng dẫn địa phương cân đối vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để có nguồn lực thực hiện.
“Có an cư mới lạc nghiệp, nếu chính sách có rồi, không có tiền triển khai, thủ tục kéo dài năm này qua năm khác, sẽ không hiệu quả”, ông Dương Khắc Mai góp ý và cho rằng từ năm 2021 đến nay mới có 66.000 căn nhà ở xã hội được xây dựng là quá chậm.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng nêu vấn đề, việc hình thành nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách cùng lúc sẽ phá vỡ cơ cấu ngân sách, tài khóa do yêu cầu nguồn lực vốn lớn.
Theo dự thảo Nghị quyết, Quỹ nhà ở quốc gia sẽ được lập ở Trung ương và địa phương. Hiện một số địa phương lớn như TP.HCM, Đồng Nai đã có quỹ tương tự phát triển nhà ở xã hội, nhưng kết quả không như mong muốn, lý do là thiếu vốn điều lệ.
Nếu vốn Quỹ nhà ở quốc gia phụ thuộc vào ngân sách thì có đảm bảo hoạt động của quỹ không? Quỹ này cũng được hình thành từ các nguồn khác, như thu từ sử dụng đất, nhưng nguồn thu này giữa các địa phương khác nhau, bà Chinh nêu vấn đề.
Chẳng hạn, ở Hà Nội, TP.HCM, khoản thu từ sử dụng đất khá lớn, việc đóng góp vào Quỹ nhà ở quốc gia không phải vấn đề lớn. Nhưng với các địa phương khác, đây lại là khó khăn, bà Chinh nói.
Dự thảo Nghị quyết đang đề xuất Bộ Xây dựng là cơ quan được giao quản lý quỹ này, đại biểu Chinh đề nghị nên giao Bộ Tài chính. Việc này nhằm đảm bảo vận hành, quản lý quỹ hiệu quả. Đại biểu cũng đề nghị Quỹ nhà ở xã hội nên là quỹ không vì mục đích lợi nhuận, do quỹ còn nhiệm vụ đầu tư. Nếu đặt ra mục tiêu lợi nhuận với quỹ này sẽ khó làm được bởi có thể làm thay đổi bản chất quỹ, theo lời bà Chinh.
Theo đại biểu Chinh, Quỹ nhà ở quốc gia kết thúc hoạt động vào năm 2030 - cùng thời điểm hoàn thành mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Đề cập vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, Quỹ này ảnh hưởng không đáng kể tới điều hành chính sách tài khóa.
Ông làm rõ, Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ ngoài ngân sách do Nhà nước thành lập, không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách. Nguồn vốn của Quỹ này dự kiến huy động từ nhiều nơi như ngân sách Nhà nước; đóng góp tự nguyện của nhà đầu tư trong và ngoài nước hay của các tổ chức, cá nhân; nguồn thu từ quỹ đất 20% xây nhà xã hội trong các dự án nhà thương mại và các nguồn hợp pháp khác.
Tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà xã hội, Quỹ nhà ở quốc gia dự kiến thực hiện ba nhiệm vụ gồm: hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải thích thêm, quỹ này làm nhiệm vụ kiến tạo nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người trẻ chưa có nhà ở… Nghĩa là nhà ở xã hội là một phần đầu tư của quỹ.
“Quỹ hoạt động trên nguyên tắc bảo tồn và phi lợi nhuận, bởi phi lợi nhuận thì mới tạo ra nhà giá rẻ được”, ông Phớc nói và thông tin thêm, Quỹ nhà ở quốc gia sẽ có tại Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, Quỹ sẽ do Bộ Xây dựng quản lý, để xây dựng một số dự án, điều hòa cho những địa phương không cân đối được ngân sách.
Còn tại địa phương, chủ tịch UBND có quyền thành lập quỹ, rồi giao Sở Xây dựng quản lý.
Giải thích về quy định quỹ nhà ở quốc gia được giao cho Bộ Xây dựng quản lý, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói tính chất của quỹ này là kiến tạo nhà ở xã hội - thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.
“Quỹ này đầu tư xây nhà giá rẻ, rồi bán để thu tiền. Số tiền này sau đó lại quay vòng đầu tư, nên nó hết nhiệm vụ khi hết đối tượng để phục vụ. Khi đó Thủ tướng, chủ tịch UBND tỉnh là người có thẩm quyền chấm dứt hoạt động”, ông Phớc nói thêm và bày tỏ kỳ vọng quỹ này sẽ hỗ trợ một phần cho thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, người trẻ.