Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại  Hội nghị vật liệu xây dựng toàn quốc - Ảnh: Đức Thành

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị vật liệu xây dựng toàn quốc - Ảnh: Đức Thành

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những điểm cần khắc phục của ngành vật liệu xây dựng

(ĐTCK) Đánh giá cao những đóng góp của ngành vật liệu xây dựng thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cũng chỉ ra những điểm tồn tại cần khắc phục của ngành.

Ngành kinh tế quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị vật liệu xây dựng toàn quốc ngày 13/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến nay, hầu hết các vật liệu xây dựng trong nước đã đáp ứng được nhu cầu nội địa, tạo nên giá trị gia tăng nhiều cho nền kinh tế.

Các công trình ít phải sử dụng sản phẩm nhập ngoại, trừ các công trình cao cấp. Vật liệu xây dựng có vị trí đặc biệt với ngành xây dựng nói riêng, với sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

“Hiện nay, tổng đầu tư toàn xã hội hàng năm khoảng 30% GDP. Năm 2017, tổng đầu tư xã hội khoảng 1.700.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70%, tương đương 1.100.000 tỷ đồng. Vật liệu xây dựng chiếm từ 30 - 50 % tổng đầu tư xây dựng, tức từ 300.000 - 500.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng, cũng như tiềm năng phát triển của ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng được quan tâm, đảm bảo phát triển có sự kiểm soát, phát triển bền vững. Ngành vật liệu xây dựng phát triển vượt bậc, thành ngành kinh tế có vai trò quan trọng, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay.

Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực lớn của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh  nghiệp trong ngành.

Nhìn thẳng vào những hạn chế

Dù có được nhiều thành tựu, nhưng theo Phó Thủ tướng, ngành vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong đó, có công tác thăm dò dự án, tài nguyên khoáng sản.

Nhiều dự án thăm dò, dự báo thiếu chính xác, thiếu thông tin để xây dựng kế hoạch tổng thể để phát triển vật liệu xây dựng có tổng thể, có tầm để phát triển trong tương lai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những điểm cần khắc phục của ngành vật liệu xây dựng ảnh 1

Vật liệu mới thay thế có chất lượng và mức giá hợp lý, thân thiện môi trường đang là yêu cầu lớn với ngành VLXD. Ảnh: Thành Nguyễn

Chất lượng một số quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng cũng còn thấp. Dự báo thiếu chính xác và phải điều chỉnh liên tục nên ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Tình trạng đầu tư tự phát còn nhiều, doanh nghiệp không theo quy hoạch mà làm theo phong trào nên lúc được, lúc mất, hiệu quả chưa cao.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều khi cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân lựa chọn công nghệ, vị trí, chưa phù hợp nên hiệu quả đầu tư thấp: chi phí lớn, giá sản phẩm cao nên sức cạnh tranh giảm. Một số sản phẩm thay thế như gạch không nung, tro, xỉ, thạch cao phát triển chưa tương ứng với kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, nhiều nơi vẫn phát triển vật liệu nung và cạnh tranh khiến nhiều nhà máy sản xuất vật liệu từ tro, xỉ có nguy cơ đóng cửa. các nhà máy nhiệt điện cũng bị ảnh hưởng do không còn chỗ chứa. Tình trạng khan hiếm cát còn xảy ra ở nhiều nơi do việc nghiên cứu và sử dụng cát nhân tạo chưa tốt,…

Giải pháp tổng thể

“Nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên phải đẩy mạnh phát triển ngành vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng dần đến xuất khẩu. Coi trọng thị trường nội địa nhưng phái hướng đến xuất khẩu để khai thác các tiềm năng, lợi thế. Cần có các hội nghị, báo cáo đánh giá đầy đủ và khoa học để có chiến lược phát triển ngành một cách đúng đắn”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Về giải pháp, theo Phó Thủ tướng, ngành phải nâng cao chất lượng hơn nữa chất lượng sản phẩm, mức giá phải rẻ hơn nữa. Từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Phải đẩy mạnh vật liệu không nung. Có bước đi, lộ trình kỹ càng, phải điều chỉnh từ thực tiễn tránh hình thức hóa. Nhanh chóng nghiên cứu sử dụng chất thải các nhà máy nhiệt điện, xi măng để sử dụng.

Bộ Xây dựng phải chủ trì, yêu cầu các địa phương rà soát tổng thể, các quy hoạch để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Phải tập trung xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng, trong đó tập trung vào các sản phẩm mũi nhọn.

Chủ trì cùng các bộ ngành để hoàn thiện nghiên cứu và công bố các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy nhanh sử dụng vật liệu không nung, tro xỉ thạch cao làm vật liệu, bao gồm cả việc đề xuất chính sách, pháp luật để khuyến khích, bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Sớm trình Thủ tướng Chính phủ đề án nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình ven biển và hải đảo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những điểm cần khắc phục của ngành vật liệu xây dựng ảnh 2

Bê tông làm từ tro bay, tạo vân đang được nghiên cứu để trở thành sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: Thành Nguyễn.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần kiểm soát việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là việc khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, đánh giá về khoáng sản làm vật liệu xây dựng, làm cơ sở cho công tác xây dựng quy hoạch ngành.

Về phía Bộ Tài chính cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu phát triển ngành một cách bền vững, trong đó có các chính sách thuế khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng không nung.

Về phía Bộ Khoa học & Công nghệ cần kiểm soát các công nghệ sản xuất đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững; Nghiên cứu khai thác các tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra các vật liệu mới; Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển và sự dụng vật liệu mới thân thiện môi trường; Phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật về xử lý sử dụng tro xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng.

Với các địa phương, cần tiếp tục rà soát, cập nhật điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng; Kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, khai thác đảm bảo phát triển bền vững.

Tin bài liên quan