Ảnh: Reuter

Ảnh: Reuter

Phố Wall có phiên giảm tồi tệ nhất năm

(ĐTCK) Làn sóng bán tiếp tục gia tăng đã khiến phố Wall có phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong năm 2012 xét cả về mặt điểm số và cả mức giảm.

 

Trong đó, chỉ số S&P 500 đã đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 8/12/2011 với tất cả các ngành trong rổ S&P 500 đều giảm điểm, trong đó cổ phiếu công nghiệp và vật liệu có mức giảm mạnh nhất. Khoảng 80% của cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York và thị trường chứng khoán Nasdaq kết thúc thấp hơn mệnh giá.

 

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq cũng giảm xuống dưới mức trung bình 50 ngày và đóng cửa dưới mốc 3.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 12/3/2012.

 

Những lo ngại về nợ của châu Âu đã xuất hiện trở lại khi rủi ro nợ của Italia và Tây Ban Nha tăng lên, cùng với các dữ liệu kinh tế không mấy khả quan được công bố trước đó chính là những nguyên nhân chính khiến giới đầu tư lo ngại và bán tháo cổ phiếu.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4, chỉ số Dow Jones giảm 213,66 điểm (-1,65%), xuống 12.715,93 ở gần. Chỉ số S&P 500 giảm 23,61 điểm (-1,71%), xuống 1.358,59. Chỉ số Nasdaq giảm 55,86 điểm (-1,83%), xuống 2.991,22.

 

Chỉ số S&P 500 chỉ còn tăng 8% trong năm nay so với tăng 12% vào cuối quý đầu tiên. Như vậy, chỉ với 5 phiên giảm điểm vừa qua, chỉ số này đã mất đi 4% giá trị. Đây là chuỗi giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2012 khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi sức mạnh của nền kinh tế và khuynh hướng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ trong việc bơm tiền vào nền kinh tế.

 

Cùng chung cảnh ngộ với thị trường chứng khoán Mỹ. Những lo lắng về khả năng vỡ nợ tái phát của châu Âu đã nhấn chìm thị trường chứng khoán của khu vực này. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4, chỉ số FTSE 100 của Anh, giảm 128,12 điểm (-2,24%), xuống 5.595,55 điểm. Chỉ số DAX của Đức, giảm 168,83 điểm (-2,49%), xuống 6.606,43 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 102,21 điểm (-3,08%), xuống 3.217,6 điểm.

 

Trong khi đó, thị trường chứng khoán chấu Á lại có phiên biến động không đồng nhất. Trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm điểm thì chứng khoán Trung Quốc lại giữ được đà tăng khá tốt. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 8,24 điểm (-0,09%), xuống 9.538,02 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 236,76 điểm (-1,15%), xuống 20.356,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 20,09điểm (+0,88%), lên  2.305,86 điểm.