Phố Wall có tuần tăng mạnh nhờ thông tin từ FED - Ảnh: Reuters

Phố Wall có tuần tăng mạnh nhờ thông tin từ FED - Ảnh: Reuters

Phố Wall liên tiếp phá kỷ lục, giá vàng hạ nhiệt

(ĐTCK) Dư âm cuộc họp chính sách của FED tiếp tục giúp Phố Wall tăng điểm và tiếp tục lập kỷ lục trong phiên giao dịch cuối tuần, trong khi giá vàng đã hạ nhiệt sau phiên vọt mạnh phiên thứ Năm.
Kỳ vọng về việc FED phải tới năm 2016 mới tăng lãi suất, các nhà đầu tư chứng khoán tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán, giúp Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên cuối tuần. Không chỉ S&P 500, mà có thêm Dow Jones leo lên mức cao nhất mọi thời đại.

Việc Phố Wall liên tiếp thiết lập mức cao kỷ lục mới khiến giới đầu tư thận trọng và là lý do khiến chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng 2,2%, lên 10,85, nhưng vẫn thấp hơn đường trung bình dài hạn.

Kết thúc phiên 20/6, chỉ số Dow Jones tăng 25,62 điểm (+0,15%), lên 16.947,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,39 điểm (+0,17%), lên 1.962,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 8,71 điểm (+0,20%), lên 4.368,04 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1%, chỉ số S & P 500 tăng 1,4% và chỉ số Nasdaq tăng 1,3%.

Trong khi Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng, thì chứng khoán châu Âu đã điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần do lực chốt lời của nhà đầu tư sau 1 tuần tăng tốt của thị trường, lên mức cao nhất 6 năm rưỡi.

Kết thúc phiên 20/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 17,09 điểm (+0,25%), lên 6.825,20 điểm. Chỉ số DAX tại Đức 16,76 điểm (-0,17%), xuống 9.987,24 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 21,70 điểm (-0,48%), xuống 4.541,34 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE tăng 0,7%, chỉ số DAX tăng 0,75%, chỉ số CAC40 giảm 0,04%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng điều chỉnh giảm nhẹ từ mức cao nhất gần 4 tháng rưỡi do lực chốt lời của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong tuần, chỉ số Nikkei vẫn có mức tăng gần 1,7%. Trong khi đó, dù hồi trở lại trong phiên cuối tuần, chứng khoán Trung Quốc vẫn có 1 tuần giảm mạnh hơn 2%.

Kết thúc phiên 20/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 11,74 điểm (-0,08%), xuống 15.349,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 26,33 điểm (+0,11%), lên 23.194,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 2,94 điểm (+0,15%), lên 2.026,67 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,67%, chỉ số Hang Seng giảm 0,54%, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,13%.

Sau phiên tăng vọt lên mức cao nhất 9 tuần hôm thứ Năm, giá vàng đã hạ nhiệt và gần như đi ngang trong suốt phiên cuối tuần và đóng cửa giảm nhẹ 0,4%. Mặc dù vậy, với sự đột phá trong phiên thứ Năm, giá kim loại quý này cũng có mức tăng hơn 3% trong tuần giao dịch này.

Phiên tăng vọt thứ Năm đem lại được nhiều nhà đầu tư đánh giá sẽ mở ra thời kỳ tăng mới cho giá vàng. Theo khảo sát của Kitco, 70% độc giả, nhà đầu tư cho rằng, vàng sẽ bước vào thời kỳ tăng mới, trong khi chỉ có hơn 29% cho rằng, đây chỉ là phục hồi ngắn hạn. Tương tự, gần 70% số chuyên gia, dới phân tích và đại lý vàng được hỏi cùng cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao, hơn 23% cho rằng giá vàng sẽ giảm trở lại và 7,7% cho rằng, giá vàng sẽ đi ngang lình xình.

Kết thúc phiên 20/6, giá vàng giao ngay giảm 5,6 USD (-0,42%), xuống 1.314,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 2,5 USD (+0,19%), lên 1.316,7 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 3,04%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,34%.

Cuộc khủng hoảng ở Iraq tiếp tục ủng hộ giá dầu. Giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần, trong khi giá dầu Brent điều chỉnh nhẹ, nhưng vẫn giữ được mức tăng mạnh hơn 1,2% trong tuần.

Kết thúc phiên 20/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,83 USD (+0,77%), lên 107,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,25 USD (-0,22%), xuống 114,81 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,33%, giá dầu Brent tăng 1,23%.

Tin bài liên quan