Phố Wall may mắn thoát hiểm sau kết quả kinh doanh ảm đạm của các ngân hàng

Phố Wall may mắn thoát hiểm sau kết quả kinh doanh ảm đạm của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong ngày thứ Năm (14/7), nhưng thực tế may mắn đã đến khi đà đi xuống dần được thu hẹp về cuối ngày sau nhịp rơi sớm từ đầu phiên, do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ các ngân hàng lớn.

Theo đó, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ lúc mở cửa đều bị bán tháo mạnh sau khi đón nhận kết quả kinh doanh quý II từ JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley. Cả hai ngân hàng đều báo cáo lợi nhuận sụt giảm và cảnh báo về suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Cổ phiếu của JPMorgan Chase và Morgan Stanley lần lượt giảm 3,5% và 0,4%, trong khi chỉ số ngành S&P Banks giảm 2,4%.

CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase cảnh báo rằng, nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát gia tăng, căng thẳng địa chính trị và niềm tin người tiêu dùng đến một lúc nào đó sẽ giảm.

Các ngân hàng Wells Fargo và Citigroup sẽ thông báo kết quả kinh doanh vào ngày mai, giá cổ phiếu cũng giảm lần lượt 0,8% và 3%.

Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, nhận định: “Nếu coi ngân hàng là thước đo sức khỏe của nền kinh tế thì dựa vào những báo cáo lợi nhuận sắp sửa được công bố, thị trường quý này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn”.

Nhưng thị trường hồi dần và thu hẹp đáng kể đà giảm nhờ nhóm cổ phiếu vi mạch tăng 1,9%, thậm chí còn giúp Nasdaq trồi lên trên tham chiếu.

Bên cạnh đó, việc bán tháo trong phiên cũng đã bắt đầu giảm bớt sau khi Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, ông ủng hộ một đợt tăng lãi suất 0,75% vào tháng 7 này, làm giảm bớt sự lo lắng về khả năng Fed có thể tăng lãi suất 1% hoặc lớn hơn sau khi CPI tháng 6 của Mỹ vẫn tăng hơn 9%.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones giảm 142,62 điểm (-0,46%), xuống 30.630,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,40 điểm (-0,30%), xuống 3.790,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,60 điểm (+0,03%), lên 11.251,19 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng và hàng hóa đã ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán châu Âu, khi đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của các ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát sẽ gây ra suy thoái kinh tế, trong khi chỉ số chính của Ý giảm 3,4% khi chính phủ nước này đối mặt với sự sụp đổ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,53% xuống 406,50 điểm.

Chứng khoán toàn cầu đã bị ảnh hưởng trong năm nay khi các ngân hàng trung ương cố gắng kiềm chế lạm phát gia tăng, khiến các nhà đầu tư lo lắng về tác động lên tăng trưởng kinh tế. STOXX 600 giảm khoảng 16% từ đầu năm.

Ủy ban châu Âu mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro cho năm nay và năm tới, đồng thời sửa đổi ước tính lạm phát.

Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao khu vực đồng euro tại ING, cho biết: “Có một nỗi sợ suy thoái tiếp tục hiện hữu trong tâm trí các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những lo lắng cũng xuất phát từ sự khác biệt lớn hơn giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Fed, với mức tăng 0,25% vào tuần tới, bất chấp lạm phát ở mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, đồng euro lao xuống dưới mức tương đương đồng USD trong 20 cũng gây thêm rắc rối khu vực đồng euro.

Tại cuộc họp của ECB vào tuần tới, các nhà đầu tư sẽ theo dõi bất kỳ bình luận nào về sự sụt giảm của đồng euro và công cụ để kiểm soát chênh lệch trái phiếu khu vực đồng euro đang mở rộng, cũng như dự báo lạm phát và gợi ý về mức độ tăng vọt trong tương lai.

Đáng chú ý khác là trong phiên này, chỉ số MIB của Ýgiảm 3,4%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, sau chính phủ liên minh của Thủ tướng Ý Mario Draghi đứng trước nguy cơ sụp đổ, do Phong trào 5-Sao, một trong các thành viên của liên minh, tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội.

Kết thúc phiên 14/7: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 116,56 điểm (-1,63%), xuống 7.039,81 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 236,66 điểm (-1,86%), xuống 12.519,66 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 84,83 điểm (-1,41%), xuống 5.915,41 điểm.

Tin bài liên quan