Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall và vàng chịu tổn thất nặng do đồng USD lên đỉnh

(ĐTCK) Việc đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 12 năm so với đồng euro và trong rổ tiền tệ chung đã khiến giới đầu tư trên phố Wall lo sợ và dĩ nhiên những loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh như vàng chịu tổn thất nặng.

Thông thường sau phiên bán tháo, phố Wall sẽ có nhịp nảy kỹ thuật trở lại trong phiên sau đó. Trong phiên thứ Tư, các chỉ số chính của phố Wall cũng đã hồi lại, nhưng nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 vẫn treo lơ lửng trên đầu nhà đầu tư, khiến họ không dám mạnh dạn bắt đáy kỹ thuật.

Trong phiên giao dịch này, phố Wall chỉ giằng co quanh tham chiếu, trước khi đóng cửa với sắc đỏ ở cả 3 chỉ số chính khi đồng USD tăng lên mức cao nhất 12 năm so với đồng euro. Đồn đoán về khả năng Fed tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu thực hiện gói kích thích kinh tế khiến 2 đồng tiền mạnh này đi ngược chiều nhau, có lúc xuống dưới 1,06 USD/EUR. Nhiều dự đoán còn cho rằng, với đà này, khả năng đồng euro sẽ lùi về bằng ngang với đồng USD.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã tăng mạnh trong tuần này, từ mức 14 đầu tuần, đã lên gần mức 17 trong phiên thứ Tư.

Chuỗi giảm điểm do lo ngại Fed tăng lãi suất sớm và đồng USD tăng cao đã lấy đi toàn bộ những gì có được trong năm nay của Dow Jones và S&P 500, trong khi Nasdaq với sự bùng nổ trước đó của nhóm công nghệ vẫn duy trì được mức tăng khoảng 2,6% trong năm nay.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Dow Jones giảm 27,55 điểm (-0,16%), xuống 17.635,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,92 điểm (-0,19%), xuống 2.040,24 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,85 điểm (-0,20%), xuống 4.849,94 điểm.

Trái ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu đã có phiên hồi phục ấn tượng với chứng khoán Đức và Pháp có mức tăng trên 2%. Chứng khoán châu Âu tăng mạnh trở lại với kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu châu Âu sẽ được hưởng lợi từ việc đồng euro giảm mạnh. Ngoài ra, việc ECB bắt đầu thực hiện mua trái phiếu để kích thích kinh tế cũng giúp giới đầu tư trên thị trường khoán châu Âu có thêm sự tự tin.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp vẫn đang tạo ra những bất an nhất định cho giới đầu tư. Đây chính là lý do chứng khoán Hy Lạp vẫn tiếp tục giảm điểm trong khi sắc xanh lan tỏa khắp các thị trường của khu vực.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,67 điểm (+0,28%), lên 6.721,51 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 305,61 điểm (+2,66%), lên 11.805,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 115,80 điểm (+2,37%), lên 4.997,75 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đồng USD tăng mạnh so với đồng yên và kỳ vọng nền kinh tế trong nước sẽ hồi phục đã giúp chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ trở lại dù mở cửa giảm khá mạnh do lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất. Trong khi đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vẫn lo lắng về tình hình sức khỏe của kinh tế Trung Quốc, khiến chỉ số Hang Seng giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng.

Theo dữ liệu vừa công bố, sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2015 của Trung Quốc tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ trong 2 tháng qua cũng tăng 10,7%. Đây là những con số thấp hơn kỳ vọng của giới đầu tư và là mức thấp nhất trong nhiều năm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Do đó, mọi người đang chờ đợi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra chính sách kích thích trong thời gian gần tới. Cũng chính nhờ kỳ vọng này mà chứng khoán Trung Quốc đại lục hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 58,41 điểm (-0,31%), lên 18.723,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 179,01 điểm (-0,75%), xuống 23.717,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,83  điểm (+0,15%), lên 3.290,90 điểm.

Đồng USD cao tiếp tục gây sức ép lên giá vàng. Giá kim loại quý này không có nổi một cơ hội hồi phục trong phiên thứ Tư và tiếp tục có phiên giảm thứ 7 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014.

Kết thúc phiên 11/3, giá vàng giao ngay giảm 7,6 USD (-0,65%), xuống 1.153,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 9,5 USD/ounce (-0,82%), xuống 1.150,6 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ tăng thêm 4,5 triệu thùng trong tuần trước. Sau thông tin này, dầu thô Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng 47,33 USD/thùng, trước khi hồi dần và hãm bớt đà giảm vào cuối phiên, nhưng giá nhiên liệu này vẫn đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 26/2.

Kết thúc phiên 11/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,12 USD/thùng (-0,25%), xuống 48,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,15 USD (+2,04%), lên 57,54 USD/thùng.

Tin bài liên quan