Các bị cáo tại tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Các bị cáo tại tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Phúc thẩm vụ “bầu” Kiên: Viện Kiểm sát đề nghị y án sơ thẩm

(ĐTCK) Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, các bị cáo không oan và đề nghị y án sơ thẩm với 4 tội danh dành cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên gồm: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định.

Sáng nay (8/12), phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Đại diện Việt Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của cả 6 bị cáo và bị đơn dân sự, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.

Theo đó, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, lời khai của các bị cáo, các nhân chứng liên quan… đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, có đủ sơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã phạm các tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định.

Các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn, Phạm Trung Cang phạm tội Cố ý làm trái quy định như án sơ thẩm đã quy kết đối với  các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

“Do đó không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo đề nghị  xem xét lại phần tội danh của các bị cáo” – đại diện Viện kiểm sát nói.

Về hình phạt, một số bị cáo đề nghị xem xét lại hình phạt. Đại diện Viện Kiểm sát thấy rằng, khi quyết định hình phạt, Tòa sơ thẩm đã đánh giá tính chất, vai trò, mức độ và thủ đoạn phạm tội của các bị cáo trong vụ án, đồng thời đã xem xét đầy đủ về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Việc ấn định hình phạt về từng tội danh đối với từng bị cáo như vậy là thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào khác nào khác, nên yêu cầu của các bị cáo không có căn cứ chấp nhận.

Đối với kháng cáo của Công ty B&B: Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh trái phép và trốn thuế tại Công ty B&B, nên Bản án sơ thẩm buộc B&B phải truy nộp phần thuế mà bị cáo đã trốn cho Chi cục Thuế quận Đống Đa là đúng pháp luật.

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trên cơ sở tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả thẩm tra tại phiên tòa, có căn cứ xác định:

Về hành vi kinh doanh trái phép,

Theo quy kết, Nguyễn Đức Kiên đã dùng 6 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT/HĐTV để kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính trái phép với số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Tại Công ty Thiên Nam, Nguyễn Đức Kiên thực hiện giao dịch trạng thái vàng qua vàng qua hệ thống điện thoại ghi âm tại Ngân hàng ACB.

Hợp đồng thể hiện Công ty Thiên Nam chịu trách nhiệm về quy mô giao dịch, rủi ro… Ngân hàng ACB đồng ý làm trung gian tạo dựng quy mô giao dịch theo yêu cầu của Thiên Nam…

Tại kháng cáo, bị cáo Kiên cho rằng, Thiên Nam không kinh doanh vàng, hành vi mua bán vàng trạng thái là mua bán hàng hóa có trong Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty, là sản phẩm phái sinh của Ngân hàng ACB. Bị cáo chỉ là người thông báo lệnh, việc kinh doanh là trách nhiệm của Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, kinh doanh vàng, giá vàng trong nước trước năm 2011, chịu sự điều chỉnh Nghị định 174/1999/NĐ-CP về kinh doanh vàng trong nước và Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Hợp đồng có nội dụng trạng thái vàng có thể chuyển thành vàng nguyên liệu hay vàng vật chất, nên không thể là kinh doanh giá vàng hay vàng trạng thái. Do đó, phải tuân theo Quyết định 03 và Nghị định 174 nói trên.

Giấy phép của Công ty không có đăng ký kinh doanh vàng trạng thái, nhưng vẫn kinh doanh là trái phép.

Bị cáo Kiên là Chủ tịch và được HĐQT ủy quyền và thực hiện trực tiếp giao dịch qua hệ thống ghi âm của Ngân hàng ACB, không có bị cáo, hành vi giao dịch không thực hiện được nên bị cáo phải chịu trách nhiệm là có căn cứ

Về tội Trốn thuế

Theo quy kết, ngày 25/12/2008, Công ty B&B, đã ký Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB với nội dung ủy thác cho ACB kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cùng ngày đó Công ty B&B còn ký một hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái Nguyễn Đức Kiên là bà Nguyễn Thúy Hương. Theo đó bà Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư kinh doanh vàng tài khoản, phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp và được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính này.

Kết quả, bà Hương được hưởng lợi nhuận gộp đợt 1 là 68,1 tỷ đồng sau khi đã trừ phí ủy thác. Đợt 2, bà Hương được hưởng 31,2 tỷ đồng, nhưng Công ty B&B chưa trả tiền mà nhận nợ với bà Hương.

Do có Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế thu nhập cá nhân nên bà Hương đã không phải nộp thuế cho thu nhập gần 100 tỷ đồng thu được từ việc kinh doanh vàng.

Bản án sơ thẩm xác định, hợp đồng của B&B với bà Hương là không hợp pháp, chỉ là hình thức, hợp đồng khống nhằm mục đích chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ kinh doanh vàng cho cá nhân Nguyễn Thúy Hương để được hưởng chính sách miễn giảm thuế. Người thực hiện, chỉ đạo mọi hoạt động kinh doanh vàng là Nguyễn Đức Kiên, đại diện theo pháp luật của Công ty B&B.

Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, bị cáo cho rằng việc bị cáo nhận ủy thác của Nguyễn Thúy Hương là đúng pháp luật, Công ty Thiên Nam chỉ được 1% phí ủy thác còn lợi nhuận Hương được hưởng.

Xét phụ lục hợp đồng ủy quyền ngày 25/12/2008, Kiên là đại diện theo pháp luật của Công ty B&B nhưng lại nhận ủy quyền của bà Hương để thực hiện hợp đồng cho bà Hương và Công ty B&B đã vi phạm quy định về phạm vi đại diện ủy quyền nên giao dịch vi phạm điều cấm pháp luật không cho phép.

Mọi giao dịch đều do bị cáo Kiên trực tiếp thực hiện nên quy kết bị cáo trốn thuế (25 tỷ đồng) là có căn cứ pháp luật, không oan

Về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm (Trần Ngọc Thanh, cựu Giám đốc ACBI và Nguyễn Thị Hải Yến, cựu Kế toán trưởng ACBI, cả hai đều không kháng cáo)

Theo quy kết, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo nhân viên Công ty ACBI thực hiện các việc để chuyển nhượng cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát 20 triệu CP Thép Hòa Phát để lấy 264 tỷ đồng. Số cổ phần này đã được Công ty ACBI dùng làm tài sản bảo đảm khi phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng ACB.

Khi muốn bán cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, Kiên đã chỉ đạo nhân viên làm văn bản yêu cầu ACB giải chấp và thay thế bằng tài sản bảo đảm khác nhưng chưa được phía ACB chấp thuận.

Dù vậy, Kiên vẫn chỉ đạo Yến soạn thảo biên bản họp HĐQT dù thực tế HĐQT Công ty ACBI không họp và chuyển biên bản và Nghị quyết HĐQT cho Thép Hòa Phát để ký hợp đồng.

Đến này 12/9/2012, phía ACB họp bàn và kết luận không đồng ý giải chấp theo đề nghị của Công ty ACBI và khẳng định chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp.

Với hành vi trên, án sơ thẩm quy kết Nguyễn Đức Kiên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ đúng người đúng tội và đúng pháp luật.

Về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, có hai hành vi.

Ở hành vi ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền, ngày 22/3/2010, ACB có cuộc hợp thường trực HĐQT, ông Trần Mộng Hùng đưa ý kiến giảm lãi suất nhưng bị cáo Kiên không đồng ý. Bị cáo Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB đề nghị uỷ thác và được bị cáo Kiên, cùng các thành viên HĐQT Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn… đồng tình.

Từ ngày 27/6/2001 đến 5/9/2011, Ngân hàng ACB đã uỷ quyền cho 19 nhân viên gửi số tiền trên vào các chi nhánh của Vietinbank tại TP. HCM và chi nhánh Nhà Bè. Số tiền này bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt. Việc uỷ thác này vi phạm vì chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718 tỷ đồng.

Ở hành vi đầu tư cổ phiếu, theo cơ quan công tố, ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT ACB, ra thông báo: giá cổ phiếu thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, quyết định đầu tư 700 tỷ đồng vào các cổ phiếu có tính thanh khoản cao… bị cáo Kiên được uỷ quyền đầu tư.

Để công ty ACBS có tiền, ACB đã cho KienLongbank và Vietbank vay để hai ngân hàng này cho ACBS vay lại qua hình thức mua trái phiếu.

Thực hiện hợp đồng đầu tư ACBS chuyển 1.500 tỷ cho Công ty ACI, Công ty ACI-HN để mua cổ phiếu ACB. Tháng 7/2010, Công ty kiểm toán PWC, phát hiện việc này trái pháp luật này nên đề nghị chấm dứt. Để Công ty ACI và Công ty ACI – HN có tiền trả lại cho ACBS, Ngân hàng ACB đã cho Vietbank vay để “đáo” qua ACI và ACI-HN.

Hành vi này gây thiệt hại 687 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB.

Viện Kiểm sát cho rằng, án sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái quy định là không oan.

Tin bài liên quan