Quá tải dự án điện mặt trời: Nhà đầu tư đối mặt với thiệt hại

Quá tải dự án điện mặt trời: Nhà đầu tư đối mặt với thiệt hại

(ĐTCK) Tình trạng quá tải lưới điện truyền tải khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận do sự bùng nổ của hàng loạt dự án điện mặt trời trong thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư và thậm chí cả Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) “khóc dở, mếu dở” từ vài tháng nay.

Trước đó, nguy cơ quá tải lưới điện truyền tải khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã được cảnh báo, nhưng với mức giá ưu đãi, các nhà máy điện mặt trời vẫn được đầu tư ồ ạt trong thời gian ngắn, dẫn tới nghịch lý là hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất. Ðiều này không chỉ gây thiệt hại cho các chủ đầu tư dự án, mà còn ảnh hưởng tới cả EVN.

Theo tính toán của một chủ đầu tư dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, tác động tiêu cực từ tình trạng quá tải kéo dài đối với nhà đầu tư là rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về mặt kinh tế.

“Cứ hình dung đây là đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó 90% là chi phí bao gồm lãi vay ngân hàng và khấu hao, số phần trăm cuối cùng là lợi nhuận. Như vậy, chỉ cần mất 10% là có thể bay hết lợi nhuận. Nếu nhà máy nào mà phải giảm phát tới trên 10% là coi như lỗ nặng, doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn khi không bán được điện theo công suất thiết kế, mà tình trạng này càng kéo dài thì doanh nghiệp càng vô cùng khó khăn, thiệt hại càng gia tăng”, lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Ðại diện Nhà máy điện Phước Mỹ cho rằng, rất cần có sự chung tay từ Bộ Công thương, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư, EVN... để tháo gỡ các vướng mắc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy, bổ sung thêm nguồn điện cho lưới điện quốc gia vốn đang trong trình trạng thiếu điện.

Theo EVN, sự tăng trưởng nóng của hàng loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận thời gian gần đây đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110 - 500 kV trên địa bàn đều quá tải, trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới. Việc quá tải hệ thống lưới truyền tải buộc Trung tâm Ðiều độ Hệ thống Ðiện quốc gia (A0) phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện.

Ông Nguyễn Ðức Cường, Giám đốc Trung tâm chia sẻ, EVN/A0 đang áp dụng mọi giải pháp để tạo điều kiện cho các nhà máy được phát điện ở mức tối đa.

“EVN/A0 cũng mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, bởi giá điện năng lượng tái tạo dù có đắt, khoảng 2.086 đồng/kWh, nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu lên tới 3.000 - 5.000 đồng/kWh.

Trong khi đó, EVN vẫn đang phải huy động nhiệt điện dầu để đảm bảo cung ứng điện đáp ứng nhu cầu phụ tải. Trong chế độ huy động nguồn, các nguồn năng lượng tái tạo cũng luôn được ưu tiên huy động tối đa theo quy định”, ông Cường nói.

Ðại diện Cục Ðiều tiết Ðiện lực (Bộ Công thương) cho hay, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã được thông báo việc quá tải lưới truyền tải và phải tiết giảm công suất. Việc cần làm trước mắt là tìm giải pháp để đẩy nhanh các dự án lưới điện truyền tải.

“Triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV mất khoảng 3 - 5 năm. Nguyên nhân là do dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng”, Tổng giám đốc EVN Trần Ðình Nhân cho biết.

Nhằm triển khai nhanh nhất có thể các dự án giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đang vận hành, ông Nhân cho rằng, rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền các địa phương trong việc tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh các thủ tục xây dựng hệ thống lưới truyền tải trên địa bàn.

Theo EVN, tính cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất 4.543,8 MW, vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020. Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW. 

Trong khi nguồn công suất tại chỗ rất lớn thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia, tại tỉnh Ninh Thuận từ nay đến tháng 12/2020 chỉ dao động từ 100 - 115 MW và Bình Thuận từ 250 - 280 MW. Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này rất lớn, với Ninh Thuận là từ 1.000 - 2.000 MW và Bình Thuận là từ 5.700 - 6.800 MW (bao gồm các nguồn điện truyền thống).

Tin bài liên quan