Quán cóc, nét văn hóa cà phê Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, người ta ngồi uống cà phê vỉa hè để bắt đầu một ngày mới, tụm năm tụm ba nói chuyện phiếm, hay đơn giản chỉ để... nhìn phố xá.
Người Đà Nẵng đến quán cà phê như một mặc định trong giao tiếp và để khởi động một ngày mới

Người Đà Nẵng đến quán cà phê như một mặc định trong giao tiếp và để khởi động một ngày mới

Người người uống cà phê cóc

Hai ông bạn tôi, người tuổi ngoài đôi mươi, người gần bốn chục, thực sự là những “tín đồ” của cà phê vỉa hè. Hẹn gặp tôi vì công việc, hay đôi khi chỉ ngồi tán chuyện, hai người đều chọn vỉa hè. Khi thì Kinh Dương Vương, Ngô Văn Sở; lúc ngồi trước Nhà thờ Con Gà, hay dưới tán cây góc đường Nguyễn Văn Linh... Trên tất cả, những quán vỉa hè được hai người này, cũng như hầu hết các “tín đồ” vỉa hè chọn, là vì sự tiện lợi.

Ở bất kỳ cung đường nào, người ta đều có thể bắt gặp những quán cóc chỉ cách nhau chưa đầy chục mét. Dăm ba chiếc ghế đẩu cũng thành một góc cà phê. Có nơi, trưa chiều bán quán nhậu, nhưng buổi sáng cũng tranh thủ đặt mấy chiếc bàn con ra vỉa hè bán cà phê. Vậy mà khách vẫn không ngớt.

Mọi tầng lớp, từ bác xe ôm, chị bán vé số, đến những anh sơ-mi cổ cồn xách cặp đều ghé vào làm ly cà phê để bắt đầu một ngày mới. Sau một hồi tập thể dục buổi sáng, từng nhóm các bác, các cô, thanh thiếu niên cũng nhâm nhi ly cà phê cho tỉnh người rồi mới về nhà.

Cà phê vỉa hè đông đúc từ 5 giờ đến khoảng 7 giờ sáng hằng ngày, thưa dần theo con nắng, rồi lại “tăng nhiệt” vào cuối ngày, râm ran tiếng nói cười của những người vừa bước ra từ công sở, trường học hay một ngày vất vả mưu sinh...

Những lúc vắng khách, các quán cà phê vỉa hè vẫn cứ khỏe re, vì bán lai rai cho những vị khách vãng lai ngồi trông xe buýt, đợi sửa xe, hay chờ ai đó.

Trong khi các cô bán cà phê góc phố vẫn trung thành với “mô hình” dù che, ghế nhựa và xe đẩy chất đầy các loại nước uống để “thượng đế” cần đâu có đó; thì các quán mới mở tìm cách thu hút triệt để những vị khách trẻ tuổi, dắt đầy mình đồ chơi hi-tech bằng cách trang bị wifi, ổ cắm điện cho laptop và tivi màn hình phẳng sẵn sàng phục vụ bóng đá, phim ảnh, ca nhạc...

Từ Cà phê Long, 3 năm trở lại đây, hàng loạt quán cà phê sát vỉa hè được mở ra và không lúc nào ngớt khách. Có thể bắt gặp hàng chục cái tên gợi nhắc đến sự liên hệ giữa người uống cà phê và phố xá như Cà phê Hàn phố, Góc phố, Lộ phong..., cả một hệ thống cà phê Phố có mặt trên nhiều tuyến đường cũng ra đời từ đó.

Cà phê quán cóc không chỉ dành cho những vị khách đi nhanh, uống vội, mà còn phục vụ đông đảo “thượng đế” có thú ngồi lâu ngắm nhìn phố phường.

Cà phê cóc không còn là thế giới riêng của cánh đàn ông, mà từ lâu đã trở thành chỗ cho chị em tụm năm tụm ba. Không khó để thấy những cô nàng sành điệu, mặt hoa da phấn ngồi xen lẫn giữa thế giới đàn ông.

Thương hiệu lớn từ quán cóc

Cà phê Long là một quán nhỏ trên đường Lê Lợi, TP. Đà Nẵng. Nói là quán cà phê cóc cũng được, bởi bàn ghế bé tí tẹo, thấp lè tè, kê sát sạt nhau. Thoạt nhìn, ly cà phê ở quán này thật thô thiển. Một tẹo nước cà phê màu nâu nhạt dính đáy ly, bên trên là vài cục đá to tướng. Trong cái ly ấy, hương vị cà phê phải đánh vật với nước chảy ra từ đá tan để giữ lại hương vị. Kẻ sành uống có lẽ phải dốc ngược ly để nuốt trọn chút cà phê ấy, kẻo bị mất mùi vị.

Chỉ có vậy mà Cà phê Long đông kinh khủng. Mười mấy năm lang thang dọc đất nước để uống cà phê, tôi chưa thấy quán cà phê cóc nào đông khách đến thế. Trong một không gian chỉ tầm 60 m2, người ta ngồi chen chúc, giành nhau từng khoảng trống, chịu sự nghèo túng của cảm xúc thư giãn để được hưởng một không khí đặc quánh mùi thuốc lá, mùi hơi người.

Nghĩ cũng lạ, người ta đến cà phê Long như thể cuộc đời quá ngắn ngủi cảm xúc, phải giành giật nhau cái không gian được ngồi cùng nhau. Rồi người ta ngồi đấy thật lâu, như cuộc đời quá dài, chẳng biết làm gì cho hết.

Lần đầu tôi đến Cà phê Long, tôi bực bội. Tôi cứ ngồi và thắc mắc những câu hỏi có trong đầu một kẻ từ Sài Gòn - nơi vốn có đủ thể loại quán cà phê. Tôi nhìn mọi người trong quán, nhìn từng khuôn mặt để tìm kiếm cái cảm giác bực bội tương tự, nhưng tuyệt nhiên không có. Ai cũng có vẻ hài lòng, chấp nhận một cách thanh thản. Thoải mái như thể được tận hưởng cái khoái cảm của cuộc đời mỗi khi đứng trước biển rộng.

Ly cà phê trên bàn vơi đi nhanh mà chẳng ai buồn chú ý. Họ ngồi nhìn ra đường phố, nhìn vào mặt nhau, nói với nhau những điều nhỏ nhặt của cuộc sống. Họ thư giãn bằng các câu chuyện vừa nhặt nhạnh của ngày hôm qua hoặc ngay trên đường đi đến quán. Cái nhu cầu trao đổi thông tin thật là lớn, dù đôi khi, cả một câu chuyện dài ở quán Cà phê Long chẳng có tí gì liên quan đến họ.

Một quán nhỏ như vậy, nhưng Cà phê Long vẫn là thương hiệu nổi tiếng nhất Đà Nẵng. Từ 30 m2, mới đây, ông chủ Long đã mở rộng diện tích lên gấp đôi mà xem chừng chưa đủ. Cái quán nho nhỏ ấy đã giúp thương hiệu Cà phê Long lớn nhanh, trở thành đầu mối phân phối cà phê bột khắp Đà Nẵng.

Quán như kiểu Cà phê Long thì ở Đà Nẵng có vô số. Đường phố nào cũng có quán.

Phong cách uống cà phê theo kiểu Đà Nẵng cũng là một nét đặc biệt. Người ta hẹn nhau ở quán. Đọc báo ở quán. Trao đổi tin tức làm ăn ở quán. Quán cà phê ở Đà Nẵng nhiều đến mức, tôi có thể gọi đấy là thành phố của quán cà phê.

Tại Đà Nẵng, thói quen uống cà phê quán cóc đang dần trở thành một nét văn hóa. Người ta đến quán như một mặc định trong giao tiếp và để khởi động một ngày mới.

Tin bài liên quan