Các chuyên gia cho rắng, dư nợ cho vay nên ở một giới hạn nhất định

Các chuyên gia cho rắng, dư nợ cho vay nên ở một giới hạn nhất định

Quan điểm “rắn” trong cho vay đầu tư chứng khoán

(ĐTCK-online) Như thường lệ, vào dịp ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại có cuộc gặp mặt báo giới, và một trong nhiều nội dung trong cuộc gặp năm nay được các nhà báo quan tâm, đó chính là Chỉ thị số 03.

Sở dĩ như vậy là từ khi Chỉ thị được ban hành với nội dung rất quan trọng là đưa ra mức hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại thì dường như vẫn chưa có một tuyên bố mang tính chính thức từ lãnh đạo cơ quan này tới báo giới, nhiều nhà đầu tư vẫn cần một câu trả lời chính thức cho câu hỏi tại sao lại là 3%.

Nếu điểm qua nhiều tờ báo, việc phản ánh về giới hạn cho vay đầu tư chứng khoán chủ yếu là sự phản ứng từ phía nhà đầu tư, các CTCK và ngân hàng thương mại, tức là những đối tượng phải chấp nhận quy định trên của NHNN, còn ý kiến từ phía cơ quan ra quyết định hầu hết được trích dạng ẩn danh (không nêu tên) và sự trả lời cũng chưa thực sự toàn diện. TTCK là thị trường của thông tin, nhà đầu tư sẽ khó thỏa mãn với toàn bộ thông tin đã có, đặc biệt với một quy định tác động mạnh tới thị trường như vậy.

Kỳ vọng…

Khi Chỉ thị 03 được ban hành, thị trường đã có những phản ứng nhất định nhưng chưa lớn, chỉ đến khi một số ngân hàng tuyên bố dừng cho vay thì nhiều nhà đầu tư mới hiểu rằng, tác động của quy định hạn mức 3% lớn như thế nào. Không ít nhà đầu tư đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng thị trường sẽ giảm xuống sâu hơn nữa, bởi tác động của việc dừng cho vay chứng khoán, và một số CTCK cũng lo ngại về việc giao dịch sẽ giảm…

Nhiều ngân hàng đang "làm ăn khấm khá" từ việc cho vay đầu tư chứng khoán với nhiều sản phẩm đã cung cấp cho nhà đầu tư cũng hiểu rằng, lợi nhuận từ hoạt động này sẽ khó có thể tăng hơn. Những lo ngại này tất nhiên sẽ dẫn đến sự phản ứng mang tính phản đối nhiều hơn đồng tình với nhiều lập luận khác nhau, kiểu như khi đã trao quyền "tự quyết định, tự chịu trách nhiệm" cho các ngân hàng thì NHNN không nên áp đặt một hạn mức cho cho vay; mỗi ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro khác nhau tại sao lại áp đặt mức 3% cho tất cả ngân hàng.

Như ĐTCK-online đã đưa tin, cũng có ý kiến đề nghị sửa đổi lại quy định trên theo cách tiếp cận khác trên cơ sở năng lực quản trị rủi ro của từng ngân hàng, thay vì việc áp một mức trần cứng nhắc như trên. Câu trả lời vẫn đang chờ...

Và thất vọng?

Nhưng sự kỳ vọng này cũng sẽ khó thành hiện thực bởi trong những ý kiến khác nhau về Chỉ thị 03 nói trên, không ít ý kiến thể hiện sự đồng tình về việc NHNN cần có biện pháp siết chặt quản lý cho vay đầu tư chứng khoán.

Trước đây, khi thị trường đang nóng, việc cho vay đầu tư chứng khoán được các ngân hàng thương mại phát triển nhanh, bản thân trong nội bộ NHNN cũng có những ý kiến rất khác nhau với việc cho vay này. Có những ý kiến, thậm chí đề nghị cấm hẳn cho vay bởi một lý do "rất có lý" là cho vay đầu tư chứng khoán có tính chất dài hạn, trong khi nguồn vốn vay chủ yếu là ngắn hạn nên rất dễ gây rủi ro, nhiều nước trên thế giới cấm các ngân hàng thương mại cho cá nhân vay để đầu tư chứng khoán.

Có ý kiến ngược lại là không nên cấm hay hạn chế cho vay mà hướng vào việc yêu cầu các ngân hàng thực hiện quy chế kiểm soát cho vay trong mức độ an toàn. Nhưng về tổng thể thì tinh thần chung vẫn là phải có sự quản lý và dư nợ cho vay nên ở một giới hạn nhất định.

Trả lời ĐTCK-online về sự hạn chế này, bà Dương Thu Hương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, nguyên Phó thống đốc NHNN cũng thừa nhận rằng, một số ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tốt thì mức 3% nói trên có thể thấp. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước thì không thể quản lý theo kiểu "anh A quản lý tốt thì anh được cho vay tối đa 5% dư nợ, anh B quản lý rủi ro kém hơn thì chỉ được vay tối đa 1% dư nợ được".

Về tổng thể, theo cá nhân bà Hương, một biện pháp hạn chế dư nợ cho vay của các ngân hàng trong cho vay đầu tư chứng khoán vẫn cần phải có. Kinh nghiệm trong phát triển ngân hàng trước đây, đã có nhiều bài học lớn trong việc lạm dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Còn trong đầu tư chứng khoán của cá nhân cũng không thể sử dụng quá lớn vốn vay ngân hàng để đầu tư, bởi hậu quả của nó có thể là rất tồi tệ cho chính nhà đầu tư đó khi thị trường đi xuống.

NHNN đang thể hiện quan điểm "rắn" của mình đối với hình thức cho vay này, một sự điều chỉnh quy định trên có thể sẽ có nhưng tinh thần của sự hạn chế thì vẫn còn nguyên.