Giá vàng miếng SJC nhiều thời điểm cao hơn giá vàng trên thế giới 20 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC nhiều thời điểm cao hơn giá vàng trên thế giới 20 triệu đồng/lượng

Quản lý thị trường vàng, cần tư duy mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ chế quản lý thị trường vàng đang được xem xét điều chỉnh để vàng không chỉ là tài sản tích trữ mà thành một ngành công nghiệp cần một tư duy mới.

Cần xóa độc quyền vàng

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đồng thời là Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng Thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, nếu cho nhập vàng nguyên liệu, xóa độc quyền vàng miếng nhãn hiệu SJC... sẽ thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế, thay vì cao hơn hàng chục triệu đồng một lượng như hiện nay.

Theo ông Khánh, Ngân hàng Nhà nước cần sớm tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường, đồng thời cho phép một số doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang vàng được nhập một ít vàng nguyên liệu để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Đồng thời, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới”, ông Khánh nói và cho biết thêm, VGTA đã nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cho phép các doanh nghiệp lớn, gồm SJC, PNJ, DOJI, mỗi đơn vị được nhập khoảng 500 kg vàng nguyên liệu (tương đương hơn 30 triệu USD/mỗi đơn vị, tổng cộng khoảng 100 triệu USD) trong vòng 3 - 6 tháng để chế tác nữ trang vàng cho thị trường nội địa, nhưng đến nay vẫn chưa được nhập, nên vàng quốc tế tăng kéo theo giá vàng trong nước có thời điểm lên đến mức 80 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012 đã giúp ổn định thị trường vàng - vốn rất nhiều bất cập thời điểm đó, nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, các quy định quản lý chặt chẽ ở nghị định này không còn phù hợp.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các quy định như Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng quốc gia, cấm nhập khẩu vàng… đã khiến nguồn cung vàng trong nước hạn chế. Người dân Việt Nam có tâm lý tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro và trong bối cảnh vàng SJC được xác định là vàng thương hiệu quốc gia, người dân có xu hướng chọn thương hiệu được xem là tin cậy nhất này để tích lũy. Trong khi cung hạn chế, mà cầu lớn thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu, từ đó đẩy giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới.

Nhấn mạnh chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân mua và tích trữ vàng miếng là rất đúng đắn, song một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng, đã đến lúc, Nhà nước phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện sản xuất vàng trang sức một cách thuận lợi, có nguyên liệu chính thống để đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời, đảm bảo sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới, từ đó mới hạn chế những bất cập trên thị trường trong nước hiện nay.

Không lo “vàng hóa” nền kinh tế

Tất cả những bất cập còn tồn tại trên thị trường vàng sẽ được xử lý triệt để trong quá trình sửa đổi Nghị định 24

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước

Phó chủ tịch VTGA Huỳnh Trung Khánh cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời cách đây hơn 10 năm và đã kiểm soát tốt thị trường vàng, ngoại tệ. Hiện người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán, ngân hàng cũng không được cho vay vàng như trước, nên cần thay đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh mới phải thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng. Theo đó, cần nghiên cứu để đưa thị trường vàng trở thành bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, để từ đó quản lý thị trường minh bạch, hiệu quả và đưa được nguồn lực lớn vào phát triển kinh tế. Theo lời GS. Đạt, “chúng ta ước tính có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân, con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế - xã hội”.

GS.TS. Hoàng Văn Cường kiến nghị, nên thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả theo đúng xu hướng của thế giới. Sàn giao dịch này sẽ góp phần lưu thông mua bán vàng và cũng là công cụ để điều hoà thị trường. Còn hiện nay, khi thị trường vàng trong nước và quốc tế không thông nhau khiến chênh lệch giá vàng lớn có thể khiến những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng bị thiệt hại, phải mua vàng với giá rất cao. Khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch mức cao thì sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu, buôn lậu vàng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, đây là dịp để cơ quan quản lý đánh giá lại chính sách quản lý vàng, cũng như đánh giá, tổng kết những mục tiêu, chính sách của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ông Tuấn cũng cho rằng, thời điểm ban hành Nghị định 24 cách đây hơn 10 năm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn đang bất ổn nên nghị định này đã góp phần ổn định thị trường vàng cũng như góp phần ổn định vĩ mô. Thời gian gần đây, giá vàng tăng cao nhưng tỷ giá vẫn ổn định, đây là cơ sở để chứng minh rằng mục tiêu ổn định ngoại hối đã đạt được. Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo tổng kết và trình Chính phủ chủ trương thay đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng để phù hợp tình hình mới.

“Giá vàng thời gian qua biến động mạnh là do cơ chế. Chúng ta sửa cơ chế để khẳng định hai vấn đề: Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại cơ chế quản lý vàng miếng. Đối với vàng không phải vàng miếng, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước không phải là quản lý các loại vàng này, thị trường tự quyết định”, ông Tuấn nói.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian qua và chênh với các loại vàng khác hơn 10 triệu đồng/lượng. Tất cả những bất cập còn tồn tại trên sẽ được xử lý triệt để trong quá trình sửa đổi Nghị định 24.

Về việc độc quyền vàng miếng của SJC, Phó Thống đốc Tú cho biết, Nghị định 24 quy định Nhà nước (đại diện là Ngân hàng Nhà nước) độc quyền kinh doanh vàng. Còn vàng trang sức, vàng mỹ nghệ thuộc chức năng của các bộ, ngành khác quản lý về mặt nhà nước, nhưng đó là hoạt động tự do của thị trường. Vì thế, trong thời gian tới, khi sửa Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng. Cụ thể, tại công văn vừa gửi tới Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Ngân hàng Nhà nước đề nghị cơ quan này tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng, đặc biệt là trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Đối với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cơ quan này phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường.

“Đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24,” văn bản nêu rõ.

Tin bài liên quan