Ông Lawrence Fock

Ông Lawrence Fock

Quản trị rủi ro: Lá chắn lợi nhuận ngân hàng

(ĐTCK) Kết thúc 6 tháng đầu năm 2009, hoạt động của các ngân hàng được nhận định khởi sắc, lợi nhuận tương đối khả quan, trong đó có đóng góp đáng kể từ chính sách kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, còn không ít lo ngại về tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Quản trị rủi ro như thế nào để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng là nội dung cuộc trao đổi giữa ĐTCK và ông Lawrence Fock, chuyên gia của Maybank (hiện đảm nhận vị trí Giám đốc Bộ phận Quản trị rủi ro ABBank).

Ông nhận xét gì về sự khởi sắc trong hoạt động của các ngân hàng Việt Nam qua 6 tháng đầu năm 2009?

Mặc dù tôi nhận thấy các ngân hàng đã hoạt động tốt trong quý II, song rủi ro vẫn còn xuất hiện ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, những ngân hàng đã chấp nhận nới lỏng điều kiện cho vay. Ngoài ra, rủi ro nợ xấu từ suy thoái kinh tế vẫn hiện hữu và hầu hết ngân hàng cổ phần phải giảm hoặc hoãn chia cổ tức năm 2008 để tăng vốn nhằm đối phó với những khó khăn trong thời gian tới. Với những lý do trên, tôi cho rằng, quý III hoạt động cũng như lợi nhuận của các ngân hàng sẽ ở mức bình thường.

 

Trong một số hội thảo gần đây, các chuyên gia khuyến cáo về tình trạng nợ xấu với hệ thống ngân hàng Việt Nam . Ông cũng đề cập đến nợ xấu, vậy ở thời điểm này, vấn đề nợ xấu và quản trị rủi ro cần được nhìn nhận ra sao?

Nợ xấu của nền kinh tế hiện tại ở mức 2,6%, với tình trạng khó khăn của nhiều ngành kinh tế chưa giảm bớt, tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu, đặc biệt từ lĩnh vực cho vay cầm cố có thể tới 3%. Những lĩnh vực khác trong danh sách cần chú ý về nợ xấu bao gồm thủy sản, xây dựng và các ngành xuất khẩu. Do vậy, ngân hàng cần chọn lọc khi mở rộng tín dụng và hệ thống quản trị rủi ro, quy tắc tín dụng tốt cần được áp dụng để hạn chế tối đa tình trạng nợ xấu gia tăng. Gần đây, những thông lệ quản trị rủi ro tín dụng, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ vẫn chưa được coi trọng, thể hiện qua việc họ chưa có quy trình cũng như sổ tay tín dụng phù hợp. Một vấn đề khác là nguồn nhân lực, khi hầu hết các ngân hàng chưa có được những chuyên gia có kinh nghiệm về quản trị rủi ro tín dụng để đưa ra những tư vấn, gợi ý hữu ích cho ban điều hành.

 

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm Maybank từng áp dụng để gia tăng kiểm soát rủi ro?

Đẩy mạnh quản trị rủi ro và tạo ra nhận thức về quản trị rủi ro đối với toàn thể nhân viên Maybank từng là một thách thức đối với chúng tôi. Tôi đã phải bắt đầu từ các nhân viên - những người không muốn chấp nhận và tuân theo những thông lệ quản trị rủi ro tốt nhất, những người này chủ yếu thuộc đội ngũ lãnh đạo bậc trung trong Ngân hàng. Ủng hộ của nhân viên và các cấp lãnh đạo cao nhất, do đó, là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công khi Ngân hàng quyết định áp dụng hệ thống và quy tắc quản trị rủi ro tốt nhất. Để đạt được điều này, Ngân hàng thông qua các chương trình đào tạo trực tiếp hoặc đào tạo từ xa (qua mạng) để nâng cao nhận thức về  quản trị rủi ro tại Maybank. Điều quan trọng nhất là thuyết phục nhân viên nhận thức được quản trị rủi ro tốt đem lại lợi ích gì cho ngân hàng cũng như cổ đông... Đây là một hành trình không đơn giản, do vậy khó có thể hy vọng thấy ngay kết quả sau ngày một ngày hai. Tôi cho rằng, chia sẻ kiến thức đóng vai trò quan trọng nhất để đảm bảo rằng những thông lệ quản trị rủi ro tốt được áp dụng đúng.

 

Với các ngân hàng Việt Nam hiện nay, ông cho rằng những vấn đề gì cần chú ý trong quản trị rủi ro?

Chỉ mới đây thôi, các ngân hàng Việt Nam bắt đầu chấp nhận những thông lệ quản trị rủi ro tốt theo tiêu chuẩn Basel II, và hầu hết ngân hàng tập trung vào quản trị rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các ngân hàng cũng cần phải chú ý đến rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trên thực tế, thất thoát có thể đến do người vay hoặc người liên quan không thể thanh toán các nghĩa vụ trả nợ hay khoản thất thoát tiềm năng trong và ngoài bảng cân đối của ngân hàng gia tăng do giá cả thị trường thay đổi; thất thoát do các quy định nội bộ, con người, hệ thống thiếu hoặc thực hiện sai chức năng hoặc các sự kiện bên ngoài.

Tóm lại, tôi khuyến nghị rằng, ngân hàng cần chỉ ra được những rủi ro tín dụng, thị trường và rủi ro hoạt động trong cả một hệ thống chứ không chỉ tập trung vào mỗi rủi ro tín dụng đơn thuần.

 

Với sự tham gia của Maybank, ABBank sẽ có những đổi mới gì trong vấn đề quản trị rủi ro?

Những thông lệ quản trị rủi ro tốt nhất ở Maybank sẽ được chuyển giao cho ABBank để cải thiện hệ thống quản trị rủi ro tại ngân hàng này. Chúng tôi sẽ khoanh vùng, chỉ ra những rủi ro từng cá nhân cần chú ý, tiến hành đào tạo theo chuyên đề với từng chuyên gia và chuyển nhân viên ABBank sang đào tạo tại Maybank. Đào tạo trực tiếp, đối thoại và những chương trình thực hành đi kèm sẽ  được tiến hành trong khắp Ngân hàng để đẩy mạnh nhận thức về quản trị và tạo ra văn hóa đề cao quản trị rủi ro trong Ngân hàng. Tôi tin rằng, trong vòng 1 năm  tới, ABBank sẽ có hệ thống quản trị rủi ro mạnh, những phương pháp phù hợp sẽ được áp dụng để quản trị từng lĩnh vực và đưa Ngân hàng tiến gần các thông lệ của Basel II. Điều này sẽ góp phần tăng cường xếp hạng của ABBank.