Quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán

(ĐTCK-online) Rủi ro trong đầu tư chứng khoán được định nghĩa là sự dao động của lợi nhuận mong đợi. Để đạt được tỷ lệ lợi nhuận cao trong đầu tư chứng khoán, cần phải quản lý được mức rủi ro này.

1. Các loại rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Rủi ro hệ thống là rủi ro tác động đến toàn bộ hoặc hầu hết các chứng khoán. Sự bấp bênh của môi trường kinh tế nói chung như sự sụt giảm GDP, biến động lãi suất, tốc độ lạm phát thay đổi... là những nhân tố của rủi ro hệ thống. Trong rủi ro hệ thống, trước hết phải kể đến rủi ro thị trường. Rủi ro thị trường xuất hiện do phản ứng của các NĐT đối với các hiện tượng trên thị trường. Những sự sụt giảm đầu tiên trên thị trường là nguyên nhân gây sợ hãi đối với các NĐT và họ sẽ cố gắng rút vốn, tạo phản ứng  dây chuyền, khiến giá cả chứng khoán rơi xuống thấp so với giá trị cơ sở.

Tiếp đến là rủi ro lãi suất, là trường hợp giá cả chứng khoán thay đổi do lãi suất thị trường dao động thất thường. Giữa lãi suất thị trường và giá cả chứng khoán có mối quan hệ tỷ lệ nghịch. Khi lãi suất thị trường tăng, NĐT có xu hướng bán chứng khoán để lấy tiền gửi vào ngân hàng dẫn đến giá chứng khoán giảm và ngược lại. 

Một nhân tố rủi ro hệ thống khác là rủi ro sức mua. Rủi ro sức mua là tác động của lạm phát tới các khoản đầu tư. Lợi tức thực tế của chứng khoán đem lại là kết quả của lợi tức danh nghĩa sau khi khấu trừ đi lạm phát.

Rủi ro không hệ thống là rủi ro chỉ tác động đến một loại tài sản hoặc một nhóm tài sản, nghĩa là chỉ liên quan đến một loại chứng khoán cụ thể nào đó. Rủi ro không hệ thống bao gồm rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính.

Trong quá trình kinh doanh, định mức thực tế không đạt được như kế hoạch gọi là rủi ro kinh doanh, chẳng hạn lợi nhuận trong năm tài chính thấp hơn mức dự kiến. Rủi ro kinh doanh được cấu thành bởi yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại của công ty. Rủi ro nội tại phát sinh trong quá trình công ty hoạt động. Rủi ro bên ngoài bao gồm những tác động nằm ngoài sự kiểm soát của công ty làm ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động của công ty như chi phí tiền vay, thuế, chu kỳ kinh doanh...

Rủi ro tài chính liên quan đến đòn bẩy tài chính, hay nói cách khác liên quan đến cơ cấu nợ của công ty. Sự xuất hiện các khoản nợ trong cấu trúc vốn sẽ tạo ra nghĩa vụ trả nợ trả lãi của công ty. Rủi ro tài chính có thể tránh được nếu công ty không vay nợ.

2. Xác định mức bù rủi ro

Một trong những phương pháp định lượng rủi ro và xác định doanh lợi yêu cầu là sử dụng mức lãi suất không rủi ro cộng với mức bù của từng loại rủi ro một. Đầu tiên, chúng ta xác định mức lãi suất không rủi ro (thông thường lãi suất tín phiếu Kho bạc được coi là lãi suất không rủi ro), sau đó xác định mức bù rủi ro cho mỗi thị trường. Tổng số rủi ro liên quan đến chứng khoán bao gồm rủi ro hệ thống và rủi ro không hệ thống. Trong đó, rủi ro không hệ thống có thể được loại trừ thông qua việc đa dạng hoá đầu tư, còn rủi ro hệ thống thì không thể loại trừ bằng cách đa dạng hoá.

3. Quản lý rủi ro

Việc quan trọng nhất trong quản trị rủi ro là phải xây dựng được quy trình quản lý rủi ro. Thông thường, quản lý rủi ro được chia thành 5 bước

Bước 1: Nhận dạng rủi ro, là bước đầu tiên nhằm tìm hiểu cặn kẽ về bản chất của rủi ro. Cách đơn giản và trực tiếp nhất là liệt kê từng nhân tố và các biến cố có thể gây ra rủi ro. Cách làm rõ bản chất của rủi ro là việc nhận dạng những tác nhân kinh tế có thể gây ra rủi ro như lãi suất, lạm phát, tỷ giá hối đoái, tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo là tìm hiểu xem chiều hướng có thể gây ra rủi ro, như việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi sẽ suất tác động đến giá cả CK như thế nào. Sau đó, NĐT cần kiểm tra lại xem biểu hiện rủi ro đang phân tích có phụ thuộc vào biến cố nào khác nữa hay không.

Bước 2: Ước tính, định lượng rủi ro. Bước này sẽ đo lường mức độ phản ứng của công ty đối với các nguồn gốc rủi ro đã xác định ở trên.

Bước 3: Đánh giá tác động của rủi ro. Để đánh giá rủi ro, người ta thường làm bài toán chi phí và lợi tức. Đôi khi, việc quản lý rủi ro tiêu tốn nhiều nguồn lực của công ty như tiền bạc và thời gian. Do đó, cần phải cân nhắc xem liệu việc quản lý rủi ro như vậy có thực sự đem lại lợi ích lớn hơn chi phí bỏ ra để thực hiện nó hay không.

Bước 4: Đánh giá năng lực của người thực hiện chương trình bảo hiểm rủi ro. Để quản lý rủi ro có hai chiến lược. Thứ nhất là dựa vào một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, thuê họ thiết kế một giải pháp quản lý rủi ro cụ thể, thích hợp với chiến lược quản lý của công ty. Chiến lược khác là công ty tự thực hiện phòng chống rủi ro bằng cách sử dụng các công cụ CK phái sinh như chứng quyền, chứng khế, quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai... đồng thời xây dựng một đội ngũ nhân viên có khả năng lập và thực hiện hàng rào chống rủi ro. Vấn đề này đòi hỏi nhân viên công ty vừa phải thiết kế đúng lại vừa phải thực hiện tốt chương trình phòng chống rủi ro bởi quản lý rủi ro cần phải được theo dõi thường xuyên và điều chỉnh kịp thời với sự biến đổi của thời gian.

Bước 5: Lựa chọn công cụ và quản lý rủi ro thích hợp. Đây là bước mấu chốt cuối cùng trong việc xây dựng chiến lược quản lý rủi ro. Trong bước này, nhà quản lý phải chọn một giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, đối với các công cụ trên thị trường hối đoái, người ta có thể sử dụng hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, swap làm công cụ phòng chống rủi ro, các công cụ này có ưu điểm là có tính thanh khoản cao và có hiệu quả về giá. Tuy nhiên, chúng không linh động, không khắc phục được rủi ro cố hữu mà chi phí theo dõi lại khá tốn kém.