Quảng Nam: Dự án ngàn tỷ ngổn ngang sau 1 năm thi công vì vướng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
Sau 1 năm triển khai, Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14E có tổng vốn đầu tư 1.848 tỷ vẫn còn ngổn ngang do vướng mặt bằng. Do đó, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương sớm tháo gỡ để dự án thi công đúng tiến độ.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E có tổng vốn đầu tư hơn 1.8484 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E có tổng vốn đầu tư hơn 1.8484 tỷ đồng.

Vướng mặt bằng nhiều đoạn

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E qua đi qua 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 3/2023 theo hình thức vừa thi công vừa nhận mặt bằng.

Dự án do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 4 được giao đại diện chủ đầu tư. Công trình có mục tiêu nâng cấp, cải tạo 74,4 km Quốc lộ 14E đi qua các huyện Thăng Bình (17,4 km), Hiệp Đức (30,2 km) và Phước Sơn (26,8 km) đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h. Quy mô công trình trải dài trên 70 km, bề rộng nền đường 9m, trong đó mặt đường xe chạy là 7m. Riêng đoạn tuyến qua nút giao đường sắt Bắc - Nam khoảng km15+270 - km16+054, có bề rộng nền đường 12m, trong đó mặt đường xe chạy 7m.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông - Vận tải), Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700 được chia làm 3 gói thầu xây lắp, trong đó Gói thầu XD 01 thi công xây dựng đoạn Km15+270 - Km40+000 có quy mô lớn nhất do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam - Công ty TNHH Đồng Thuận Hà trúng thầu.

Gói thầu này được khởi công vào ngày 7/3/2023 và phải hoàn thành trước ngày 24/11/2024.

Dự án hiện chỉ mới giải phóng mặt bằng được khoảng 60%.

Dự án hiện chỉ mới giải phóng mặt bằng được khoảng 60%.

Gói thầu XD02 thi công xây dựng đoạn Km40+00 - Km71+500, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Tân Hoàng Long - Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình Tây An. Giá trúng thầu là 507,55 tỷ đồng (giá dự toán là 514,84 tỷ đồng).

Gói thầu XD03 do Liên danh Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Lộc - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Hồng Phúc - Công ty cổ phần Bê tông nhựa nóng Thuận Phú thi công, giá trị sản lượng đến nay đạt 46,175 tỷ đồng, tương đương 11,37% hợp đồng.

Dự án có tiến độ thực hiện dự án trong 5 năm (từ năm 2021-2025).

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) - chủ đầu tư dự án, đến nay, huyện Thăng Bình đã bàn giao 10,61 km (đạt gần 61%); huyện Hiệp Đức bàn giao 16,88 km (đạt hơn 59%); huyện Phước Sơn đã bàn giao 17,23 km (đạt trên 64%) chiều dài qua huyện.

Hiện Ban quản lý Dự án 4 tích cực phối hợp với các địa phương để lên phương án đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhưng chiều dài bàn giao chưa nhiều, đạt khoảng 60,24%. Nguyên nhân được xác định là do còn nhiều rào cản khi vướng phải nhà dân, công trình công cộng, hạ tầng lưới điện…

Theo ghi nhận của phóng viên tại địa phận các xã Bình Trị, Bình Lãnh (Thăng Bình), Quế Thọ, Tân Bình (Hiệp Đức), nhiều đoạn thi công không khớp nối do vướng công trình công cộng hoặc người dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Nhiều vị trí mương hở nằm ngoài tường rào cổng ngõ, song người dân không cho nhà thầu thi công mương kín thuộc phạm vi của dự án.

Đáng chú ý, một số vị trí nhà thầu đã nhận bàn giao mặt bằng, song không thể thi công khớp nối. Nguyên do là ngành điện lực chưa di dời trụ điện, mặc dù kinh phí thực hiện đã nhận.

Việc bàn giao mặt bằng ngắt quãng khiến các nhà thầu thi công gặp khó khăn.

Việc bàn giao mặt bằng ngắt quãng khiến các nhà thầu thi công gặp khó khăn.

Đại diện liên danh nhà thầu Gói thầu XD 01 (lý trình Km15+270 - Km40+000) là Công ty cổ phần Tập đoàn 168 Việt Nam và Công ty TNHH Đồng Thuận Hà cho hay, tiến độ bị ảnh hưởng do vướng mặt bằng đoạn từ cuối xã Bình Lãnh (Thăng Bình) đi tránh khu dân cư Việt An (xã Bình Lâm, Hiệp Đức).

Lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình cho biết địa phương đang nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau nên đến nay mới giải phóng mặt bằng được khoảng 60%.

Tại huyện Hiệp Đức, việc giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 57% theo chỉ tiêu được giao. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt giá đất cụ thể đối với 3/4 xã (gồm Bình Lâm, Quế Thọ và Sông Trà), còn lại thị trấn Tân Bình. Ngoài ra, địa phương còn vướng mắc mặt bằng về đường điện chiếu sáng và đường ống nước sạch và đường dây điện trung thế.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến độ

Theo Ban Quản lý dự án 4, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các huyện trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và phối hợp làm việc với sở, ngành liên quan để lấy ý kiến, phê duyệt các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng như phê duyệt hồ sơ trích đo, xử lý các hộ chồng lấn ranh giới hành chính, lấy ý kiến công trình hạ tầng kỹ thuật... phối hợp chuẩn bị kinh phí để tạm ứng cho các hộ để chi trả.

Hiện các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hiện các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn khi lực lượng cán bộ tham gia giải phóng mặt bằng còn mỏng nên việc ban hành thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất và tài sản trên đất còn chậm. Một số hộ dân đã nhận tạm ứng 50% giá trị bồi thường nhưng chưa đồng thuận để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công (yêu cầu nhận 100%). Nhiều đoạn đã bàn giao nhưng nhỏ lẻ, xen kẹp nên rất khó để triển khai thi công. Một số đoạn đã được bàn giao mặt bằng tuy nhiên do vẫn còn vường đường điện trung thế nên vẫn chưa thể triển khai thi công được…

Ban Quản lý dự án 4 cũng mong muốn đẩy nhanh phương án bồi thường, chi trả tiền giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân tiền giải phóng mặt bằng của dự án. Sớm giải phóng mặt bằng phạm vi cầu vượt đường sắt (phạm vi thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) để bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu triển khai thi công đảm bảo tiến độ dự án, do đây là công trình có nhiều hạng mục phức tạm với thời gian thi công dài...

Do đó, ông Nguyễn Hồng Quang yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng kế hoạch, tiến độ thi công của từng hạng mục công trình, đoạn tuyến cụ thể để yêu cầu đơn vị thi công tập trung phương tiện, thiết bị, máy móc, nhân lực triển khai thi công hoàn thành dứt điểm để tạm thời đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt và đi lại của Nhân dân.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND Phước Sơn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với khu vực bị ảnh hưởng của dự án trồng rừng.

Đối với huyện Thăng Bình, ông Quang yêu cầu tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hồ sơ, thủ tục, vận động người dân để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thi công khu vực cầu vượt đường sắt đảm bảo tiến độ. Đồng thời, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện và tiếp tục thực hiện các thủ tục bồi thường đối với diện tích đất đang có tranh chấp, chồng lấn pháp lý với huyện Quế Sơn.

Tin bài liên quan