Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV diễn ra hôm 29/11/2023

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV diễn ra hôm 29/11/2023

Quốc hội họp bất thường từ 15/1 để thông qua 4 nội dung quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khoá XV diễn ra trong ba ngày 15, 16 và 18/1; dự kiến sẽ thông qua 4 nội dung: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết đặc thù tháo gỡ khó khăn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa công bố Thông cáo báo chí về Chương trình, nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khoá XV.

Theo đó, Kỳ họp bất thường sẽ khai mạc vào ngày 15/01/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 18/01/2024; theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội nghỉ 01 ngày (17/01/2024) để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 04 nội dung, cụ thể như sau:

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều; đã bỏ 05 điều và sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Sẽ có 18 nội dung được tiếp tục bàn bạc, chỉnh lý, hoàn thiện tại Kỳ họp tới, bao gồm: (1) Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (2)Về không mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28); (3) Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; (4)Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm đối với tài sản gắn liền với đất (Điều 34);

(5) Về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45); (6) Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60); (7) Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện (Điều 65 và Điều 66); (8) Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện (Điều 76); (9) Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79); (10) Về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất (Chương VIII);

(11) Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; (12) Về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; (13) Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (Khoản 3 Điều 138); (14) Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 Điều 153);

(15) Về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp (Điều 158); (16) Về hoạt động lấn biển (Điều 190); (17) Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 201); quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (điểm h khoản 3 Điều 201); (18) Về không sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 15 chương, 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Trong đó đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung: giải thích từ ngữ; ngân hàng chính sách; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng, ban kiểm soát; kiểm toán độc lập; hoạt động của tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; tài chính, hạch toán, kế toán...

Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này gồm: Dự phòng rủi ro; Can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; Xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; Cơ quan quản lý nhà nước; Điều khoản thi hành.

Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn)

Dự thảo Nghị quyết gồm 06 điều, quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: (1) phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; (2) điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia; (3) ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; (4) sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; (5) quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (6) ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; (7) cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (8) giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của Nhân dân.

Nghị quyết bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn

Dự thảo Nghị quyết gồm 03 điều, quy định về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phân bổ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, do thời gian diễn ra kỳ họp ngắn nên Văn phòng Quốc hội không tổ chức họp báo trước kỳ họp như mọi lần.

Phiên khai mạc và phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Ngoài ra, các phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tin bài liên quan