Thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên chứng khoán đã từng xảy ra - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên chứng khoán đã từng xảy ra - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, “rỗng ruột” đến bao giờ?

(ĐTCK-online) Từ ngày 20/9/2010, Nghị định 85/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 36/2007/NĐ-CP có hiệu lực, trong đó tăng mức xử phạt nếu CTCK không lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Vậy nhưng, cho tới thời điểm hiện tại, chưa một CTCK nào thực hiện lập loại quỹ này.

Khoản 7 Điều 71 Luật Chứng khoán năm 2006 quy định, CTCK có nghĩa vụ "mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty".

Nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK có chế tài xử phạt đối với việc CTCK không trích lập trích lập quỹ bảo vệ NĐT.

Từ ngày 20/9/2010, Nghị định 85/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 36/2007/NĐ-CP có hiệu lực, trong đó tăng mức xử phạt nếu CTCK không lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Vậy nhưng, cho tới thời điểm hiện tại, chưa một CTCK nào thực hiện lập loại quỹ này. Lý do đơn giản là: chưa có hướng dẫn. Trong khi đó, thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên chứng khoán đã từng xảy ra.

Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK không có điểm nào đề cập rõ hơn việc thành lập quỹ bảo vệ NĐT. Chính bởi không có hướng dẫn nên ngoài những thắc mắc mang tính căn bản như lập quỹ thế nào, xử lý đền bù ra sao, tính trên doanh thu hay lợi nhuận, theo niên độ nào (quý hay năm), thì tại ban pháp chế của một số CTCK lớn vẫn có những cách hiểu khác nhau về mặt bản chất.

Có quan điểm cho rằng, căn cứ vào câu chữ trong Khoản 7, Điều 71, Luật Chứng khoán thì CTCK chỉ phải thực hiện một trong hai việc: mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ bảo vệ NĐT, chứ không phải thực hiện 2 việc này một cách đồng thời. Nhưng khi Nghị định 85/2010/NĐ-CP được ban hành thì nhiều người lại không biết phải hiểu như thế nào mới là đúng luật. Theo Điều 18, Nghị định 85, CTCK bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trích lập đầy đủ quỹ bảo vệ NĐT. Như vậy, đây có lẽ là 2 việc làm đồng thời mang tính bắt buộc phải thực hiện. Mặc dù vậy, vẫn có quan điểm rằng, xét về bản chất thì đây là 2 hành vi hoàn toàn khác nhau, không thể là một và không thể thay thế cho nhau.

Như một hệ luỵ, khi chưa rõ về việc lập quỹ bảo vệ NĐT, CTCK không có cơ sở để thực hiện. Cơ quan quản lý dường như cũng lúng túng trong việc tìm lý do để xử phạt khi các CTCK khi họ không lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, UBCK  chưa từng  ban hành một quyết định xử phạt nào đối với việc CTCK không thực hiện nghĩa vụ lập quỹ bảo vệ NĐT.

Bình luận về việc lập quỹ bảo vệ NĐT đã có trong Luật Chứng khoán nhưng không có trong bất kỳ văn bản hướng dẫn dưới luật nào, luật sư Lê Hồng Phúc, Trưởng đại diện Công ty hợp danh Luật Việt tại Hà Nội cho rằng, đây là hiện tượng khá phổ biến trong hệ thống pháp luật Việt Nam, được gọi là luật ống, "rỗng ruột", không có tính khả thi và không có ý nghĩa trong thực tiễn. Dựa trên nhu cầu của thị trường và đứng trên quan điểm bảo vệ NĐT, cơ quan quản lý nên sớm có công văn hướng dẫn cụ thể việc CTCK lập quỹ bảo vệ NĐT như một điều kiện cần để TTCK được vận hành một cách an toàn, ổn định.

Không ít ý kiến cho rằng, chừng nào chưa có hướng dẫn cụ thể thì chừng đó quỹ bảo vệ NĐT chỉ là một cái gì đó vô hình và không có giá trị trong thực tiễn.

Liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi cho NĐT, Điều 40, Luật Chứng khoán quy định, CTCK trong hoạt động đăng ký chứng khoán có quyền và nghĩa vụ thực hiện kiểm soát nội bộ nhằm bảo vệ khách hàng hoặc người sở hữu chứng khoán. Điều 43, Luật Chứng khoán về chế độ báo cáo CTCK quy định, trong những trường hợp cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích của người đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể yêu cầu CTCK báo cáo bằng văn bản các thông tin về tổ chức và hoạt động của công ty.

Việc chi tiết hoá 2 quy định trên được hướng dẫn tương đối đầy đủ tại Quyết định 27/2007/QĐ-BTC. Giá như việc lập quỹ bảo vệ NĐT cũng được chi tiết hoá thì thị trường sẽ không phải tự hỏi "quỹ bảo vệ NĐT, rỗng ruột đến bao giờ?".