Quỹ đầu tư nội: Nặng lòng kẻ ở, người đi

Quỹ đầu tư nội: Nặng lòng kẻ ở, người đi

(ĐTCK) Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK của các quỹ nội địa khá mờ mịt trong vòng 1 - 2 năm tới.

Thế nên, đến thời điểm đáo hạn, nhiều cái tên chấp nhận đóng quỹ, số khác cố gắng cầm cự với việc chuyển đổi mô hình.

Ở lại và ra đi

Dự kiến, ngày 5/12 tới đây, Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam (VFA) sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để biểu quyết việc chuyển đổi mô hình sang quỹ mở. Cần nhắc lại là tại ĐHCĐ thường niên đầu năm nay, VFA đã đồng thuận sơ bộ về chủ trương chuyển đổi mô hình. Dưới lăng kính kỹ thuật, khi đó, VFA đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí cho việc chuyển đổi: tổng tài sản, chất lượng cổ phiếu trong danh mục… Thế nhưng, ngay từ khi đó, chuyên gia của VFA chỉ rõ khó khăn không nằm ở nội tại VFA mà ở hạ tầng của ngành quản lý quỹ nội địa: tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị quỹ và đại lý chuyển nhượng còn hạn chế, hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi và hoạt động của quỹ mở chưa thực sự rõ ràng. Dù vậy, đại diện VFA vẫn quyết tâm khi đặt ra lộ trình cụ thể. Dự kiến, thời gian chuyển đổi mất khoảng 4 tháng.

VFA được thành lập cách đây 18 tháng với thời hạn hoạt động 5 năm. Ngay từ buổi đầu, VFA có cơ cấu cổ đông khá đặc biệt với tỷ trọng vốn góp đa phần thuộc về NĐT tổ chức. Thế nên, không khó để đoán biết kết quả ĐHCĐ bất thường sắp tới, nội dung chuyển đổi sẽ được thông qua.

Quỹ đầu tư nội: Nặng lòng kẻ ở, người đi ảnh 1

“Tuy nhiên, chặng đường chuyển đổi không thể nói là suôn sẻ vì còn nhiều thủ tục và rảo cản phía trước mà VFA chỉ có thể vừa làm vừa xin ý kiến cơ quan quản lý”, một đại diện của Vietfund (VFM) - công ty đang quản lý VFA thận trọng cho biết. VFA là cái tên quỹ đóng đại chúng đầu tiên chính thức khai phát pháo lệnh cho việc chuyển đổi mô hình. Một số tên tuổi khác như Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1), Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) cũng chung mục tiêu này, nhưng vẫn loay hoay trong quá trình chuẩn bị.

Trái lại, Quỹ đầu tư VFMVF1 và Quỹ đầu tư cân bằng PRUBF1 lại quyết định giải thể khi tới hạn. Đa phần các quỹ đóng thành viên khác cũng theo kịch bản này: trung tuần tháng 11, Quỹ Tầm nhìn SSI hết hạn và chấp nhận phương án trả tiền lại cho NĐT góp vốn. Sau đó một tháng, đến lượt Quỹ Bản Việt chấm dứt sứ mạng. Trước đó, vào tháng 9, Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long (VDFM) cũng chấp nhận phương án đóng quỹ. “Hiện quỹ đã chuyển phần tiền mặt cho cổ đông. Quá trình giải thể lâu hơn dự kiến vì còn một số tài sản thanh khoản kém, đang lên kế hoạch xử lý. Chúng tôi cố gắng hoàn tất trong năm nay”, một thành viên ban quản lý VDFM cho biết.

Đa phần trong trường hợp này, cổ đông góp vốn vào quỹ thiệt hại khi chỉ nhận được lại một phần vốn góp ban đầu. Cá biệt, một số quỹ do Công ty Quản lý quỹ Thành Việt quản lý, sau 5 năm hoạt động, tới hạn vào quý I/2012, NĐT chỉ nhận được khoảng 20% vốn góp ban đầu.

 

Thế hệ thứ nhất: hết sứ mệnh

Phải mất 6 - 7 năm sau khi TTCK Việt Nam khai sinh, các gương mặt quỹ đầu tư thuộc thế hệ thứ nhất mới ra đời. Đa phần được thành lập vào giai đoạn năm 2006 -2007 khi TTCK bùng nổ. Với chu kỳ hoạt động 5 - 7 năm, giai đoạn cuối năm 2012 trở đi là thời điểm tới hạn của nhiều quỹ nội địa. Dù khi mới thành lập, các gương mặt này được kỳ vọng trở thành lực lượng NĐT tổ chức trong nước, nhưng thực tế không hiếm thời điểm thị trường biến động mạnh, NĐT cá nhân tháo chạy ra khỏi thị trường, quỹ đầu tư cũng hành động không khác gì! Trong quá trình vận hành, đa số có kết quả nghèo nàn. Cổ đông góp vốn hiếm khi nhận được lợi tức, tài sản giảm sâu so với mức góp vốn ban đầu, nên chỉ muốn giải thể quỹ khi hết hạn. Đa phần các quỹ thành viên khác còn tồn tại hoặc vì có thời hạn hoạt động còn quá dài, còn hy vọng vào sự phục hồi của thị trường hoặc có tổ chức bảo hiểm hay ngân hàng “mẹ” là cổ đông lớn đứng chống lưng.

Thế hệ quỹ đầu tư nội địa thứ nhất xem như sắp hết vai trò. Họ được xem là thế hệ không thành công khi được thành lập và giải ngân đúng vào vùng đỉnh của VN-Index. 4 - 5 năm qua, chỉ số chứng khoán Việt Nam mải miết đi xuống. Đóng quỹ, không đạt tới điểm hòa vốn, liệu NĐT nào dũng cảm tiếp tục bỏ tiền cho các nhà quản lý chuyên nghiệp quản lý? Hiện là một khoảng lặng của các quỹ nội địa.

Thực tế, giới quản lý vẫn kỳ vọng vào các sản phẩm mới về quỹ mở hay ETF. Tuy nhiên, về lâu dài, các sản phẩm mới vẫn chịu các thách thức không kém sản phẩm quỹ đóng trước đây.

Thứ nhất, lòng tin của giới đầu tư vào các nhà quản lý quỹ xuống thấp sau các màn trình diễn kém cỏi. Biểu hiện rõ nhất ở mức chiết khấu giữa thị giá và giá trị tài sản ròng hiện tại. Tâm lý e ngại này không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Thứ hai, TTCK Việt Nam có quy mô khá khiêm tốn, chưa đa dạng các sản phẩm tài chính, số lượng NĐT có nhu cầu chọn con đường ủy thác đầu tư hay mua sản phẩm quỹ không nhiều. Đặc biệt, lực lượng NĐT tổ chức là DN - lực lượng nòng cốt góp vốn vào quỹ thành viên giai đoạn 2006 – 2007, chắc chắn không còn mặn mà với xu hướng đầu tư tài chính khi đã gặp thảm họa kinh doanh giai đoạn 2008 - 2009.

Thứ ba, thách thức lớn nhất là yếu tố dòng tiền. Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, mức tích lũy xã hội ở mức thấp, lực lượng trung lưu còn mỏng. Tiền chảy vào TTCK những năm qua nâng đỡ thị trường nhìn đi nhìn lại vẫn là vốn ngoại, tín dụng ngân hàng và tiền đánh nhanh rút gọn của các cá nhân. Sự trồi sụt thất thường của một thị trường cận biên là một thách thức lớn cho các NĐT tổ chức. Khi thế hệ quỹ đầu tư thứ nhất đã thoái trào, liệu mất bao lâu để TTCK Việt Nam trình làng các gương mặt quỹ đầu tư nội địa thế hệ thứ hai và những tên tuổi ở lại có may mắn hơn những tên tuổi đã chấp nhận ra đi?