Quỹ đầu tư tìm giải pháp “hạ cánh mềm”

Quỹ đầu tư tìm giải pháp “hạ cánh mềm”

(ĐTCK) Sắp tới hạn giản thể quỹ, nhưng trong điều kiện TTCK thanh khoản thấp và đi xuống có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều quỹ đang hướng tới giải pháp hạ cánh mềm.

Quỹ nội địa: Tiền đâu về đấy

Đại diện của Công ty Quản lý quỹ Bản Việt (VCAM) cho biết, ngày 28/12 tới, Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt tới hạn và sẽ giải thể đúng theo kế hoạch. VCAM cho rằng, việc thoái vốn của quỹ sẽ không ảnh hưởng gì tới thị trường. Hiện tại, trong cơ cấu tài sản của Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt, có tới 80% là tiền mặt, còn lại là cổ phiếu. Trong số cổ phiếu này, một nửa có thanh khoản, nên dự kiến trong khoảng 2 tháng tới, VCAM sẽ chuyển hóa thành tiền mặt mà không gây áp lực lên thị trường. Phần còn lại là các cổ phiếu kém hoặc không có thanh khoản, các nhà đầu tư góp vốn đã đạt được đồng thuận phân chia cổ phiếu theo tỷ lệ góp vốn ban đầu.

Phân chia đồng thời tiền mặt và tài sản cho nhà đầu tư góp vốn vào quỹ cũng là giải pháp của một số quỹ vừa hết hạn thực hiện. Ông Bùi Phước Tiên, Phó tổng Giám đốc CTCP Cao su Hòa Bình cho biết, mới đây, khi Quỹ Con hổ (Tiger Fund) hết hạn hoạt động, HRC đã chọn giải pháp nhận lại cả tiền mặt và cổ phiếu (Tiger Fund sau đó được gia hạn hoạt động thêm 3 năm, với quy mô vốn quản lý giảm từ 500 tỷ đồng xuống 350 tỷ đồng). Số cổ phần HRC nhận về là cổ phiếu của MB Land, trị giá khoảng 600 triệu đồng. Theo ước tính của HRC, cả khoản đầu tư của Công ty vào Quỹ Con hổ và Quỹ đầu tư Việt Long (đang làm thủ tục giải thể), HRC ước lỗ khoảng 50% so với mức vốn góp ban đầu. “Tuy nhiên Công ty đã trích lập dự phòng đầy đủ, nên các khoản đầu tư này không ảnh hưởng gì đến kết quả của HRC năm 2012”, ông Tiên cho biết.

Theo khảo sát của ĐTCK tại một số quỹ nội địa tới hạn, đa phần nhà đầu tư góp vốn có nguyện vọng muốn nhận tiền về. Tại ĐHCĐ đầu năm nay, CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom cho biết sẽ nhận về khoản đầu tư vào Quỹ Tầm nhìn SSI (SSIVF). Năm 2007, Sacom góp 280 tỷ vào SSIVF. Hiện tại, SSIVF đang công bố thoái vốn trên diện rộng tại một loạt cổ phiếu như BBC, TMS, VHL, SVC, LAF, APC, OPC… để chuẩn bị cho ngày đóng quỹ vào tháng 11 tới. Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Văn Trắc, Tổng Giám đốc Sacom cho biết, ông chưa rõ phần tài sản tương ứng với khoản vốn góp 280 tỷ đồng được nhận về là tiền mặt hay có cổ phiếu. “Tài sản Sacom được phân chia sẽ rõ ràng khi quỹ hết hạn, phụ thuộc vào quá trình thoái vốn của SSIVF”, ông Trắc nói.

Đại hội nhà đầu tư của PRUBF1 đầu năm nay đã đi đến quyết định đóng quỹ vào cuối năm 2013.  Mặc dù còn một khoảng thời gian khá dài trước khi giải thể quỹ, nhưng ông Hendrick Gerrit Ruiterberg, Tổng Giám đốc cho biết, PRUBF1 đang bước vào thời hạn cuối của chu kỳ hoạt động 7 năm.

 

Quỹ nước ngoài: Câu hỏi thời gian

Khác với quỹ đầu tư nội địa, quỹ đầu tư nước ngoài khó có thể phân chia một phần tài sản cho nhà đầu tư bằng cổ phiếu Việt Nam. Năm 2009, Indochina Capital Vietnam (ICV) từng gây ồn ào khi là quỹ đầu tư đầu tư thuộc tốp có quy mô lớn chấp nhận thoái vốn trước thời hạn. Ở quy mô nhỏ hơn, việc Golden Bridge sớm “rời bỏ cuộc chơi” sau đó 1 năm ít được chú ý hơn. 2 - 3 năm sau, nhìn lại, những sự lựa chọn này có phần sáng suốt khi TTCK Việt Nam rơi đều đặn, chưa thấy đáy.

Tại ICV, mặc dù giải quyết cơ bản các khoản đầu tư từ cuối năm 2009, nhưng tới tận đầu năm 2012, Quỹ cho biết, vẫn mắc kẹt với 3 khoản đầu tư vào Viet Fashion, Công ty Vận tải ITC và CTCP Mai Linh. Thậm chí, vào đầu năm nay, trong một lá thư ngỏ gửi cho các nhà đầu tư thông báo về tiến trình thoái vốn của ICV, Quỹ còn cho biết, hai năm qua, Quỹ không thể tìm được người mua nào quan tâm tới số cổ phần tại ITC!

Sau sự ra đi của một số quỹ nước ngoài, một phần vốn ngoại vẫn neo đậu tại TTCK Việt Nam. Cuối năm 2011, hai quỹ đầu tư Hàn Quốc chấp nhận giảm bớt quy mô, chuyển đổi thành mô hình từ quỹ đóng sang quỹ mở. Một loạt quỹ nước ngoài đã vừa được gia hạn hoạt động như  Vietnam Equity Holding (VEH),  Vietnam Property Holding (VPH); Vietnam Growth Fund (VFG), Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL)… Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, năm 2013 sẽ đến thời hạn 5 năm một lần xét chuyện đi/ở Quỹ đầu tư VOF. Sự quan tâm của giới đầu tư đang hướng về thời điểm này, khi VOF là quỹ đầu tư cổ phiếu lớn nhất TTCK Việt Nam, quy mô lên tới trên 720 triệu USD.

          Lộ trình tới hạn một số quỹ (nguồn: Báo cáo của các quỹ và  Rothschild)

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Quỹ

Kết quả

Quỹ

Kết quả

Quỹ

Kết quả

Quỹ

Kết quả

KIMTC & Tong Yang

Chuyển đổi sang mô hình quỹ mở

VEIL, VGF, VEH, VPH

Gia hạn

Viet Capital Heathcare Fund, VOF

N/A

PCA Internationl Funds SPC

N/A

SSIVF, Viet Capital Fund

Giải thể

PRUBF1

Giải thể

VF1

Giải thể