Quy định rõ hai hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Quy định rõ hai hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo chương trình phiên họp thứ 26, cuối giờ sáng ngày 20/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trước đó, khi cho ý kiến lần 1 (phiên họp tháng 8/2023), một trong những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là quy định về hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và mức xử phạt.

Bởi vì, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có hành vi chậm đóng BHXH nhưng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã loại bỏ hành vi chậm đóng, chỉ còn trốn đóng.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu, quy định rõ hai hành vi trốn đóng BHXH và chậm đóng BHXH, trường hợp đưa chung 1 hành vi là trốn đóng BHXH thì cần lý giải rõ sự phù hợp và tính khả thi.

Thường trực Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét, đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc, nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ...) thì cần cân nhắc không xác định trường hợp này là trốn đóng BHXH bắt buộc.

Thường trực ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ lý do và đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc bỏ quy định chậm đóng BHXH bắt buộc.

Thường trực ủy ban Pháp luật cho rằng, nên nghiên cứu bổ sung quy định về phân loại mức độ hành vi trốn đóng và cân nhắc việc bổ sung hành vi chậm đóng đối với các trường hợp không đóng bảo hiểm trong khoản thời gian ngắn, từ đó xác định biện pháp xử lý phù họp với mức độ hành vi.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định trường hợp bất khả kháng dẫn tới chậm đóng nhưng không bị xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đối tượng tham gia BHXH.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến trên, cơ quan soạn thảo đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hưóng quy định rõ 2 hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, đồng thời chỉnh lý quy định về thời hạn đóng BHXH bắt buộc theo hướng tương đương với thời hạn quy định phải nộp số tiền lãi chậm đóng tại khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH hiện hành nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn thực hiện của người sử dụng lao động.

Cụ thể, khoản 6 điều 40 quy định, thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định: Ngày thứ 10 cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần hoặc 6 tháng một lần.

Điều 43 về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc quy định:

1.Chậm đóng BHXH bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc đã đăng ký.

b) Người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc của người lao động trong vòng 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này.

2. Trốn đóng BHXH bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng lao động chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

b) Người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

c) Các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà người sử dụng lao động có khả năng đóng nhưng không đóng”.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn vi phạm.

Điều 44 về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc quy định người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 43 của Luật này, nếu hết thời hạn đóng BHXH bắt buộc mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 thảng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.

Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thấm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng thì cơ quan BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Tin bài liên quan