Thành phố du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) Ảnh: Thanh Tân

Thành phố du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) Ảnh: Thanh Tân

Quy hoạch Quảng Ninh: Điểm tựa cho sự bứt phá mới, bền vững hơn

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, xác lập tầm nhìn dài hạn tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên, con người và văn hóa.

Trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện

Tháng 2/2023, Quảng Ninh công bố chính thức Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn của Quảng Ninh, cùng với sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu quốc tế là Công ty McKinsey (Mỹ) và Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản).

Theo Quy hoạch, Quảng Ninh đang hướng đến là địa phương tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân được nâng cao. Quảng Ninh sẽ là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc - một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt hơn 10.000 USD vào năm 2025 và từ 19.000 đến 20.000 USD vào năm 2030. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Theo Quy hoạch, Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 12 đơn vị hành chính, trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên. Đây sẽ là một thành phố mới, hiện đại của vùng Đông Bắc tổ quốc.

Đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã có 6/7 huyện hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng huyện và được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn. Đối với quy hoạch chung đô thị, đã có 5/6 thị xã, thành phố hoàn thành Quy hoạch chung đô thị được phê duyệt (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều và Móng Cái). Hiện đã có 3/5 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng (KKT ven biển Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn).

Để đáp ứng nhu cầu phát triển rộng lớn như vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh phải bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang...), nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị), gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau).

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các công trình cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh đã triển khai đầu tư như: Cầu Rừng, cầu Lại Xuân, cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên (Hải Phòng); cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong (Quảng Yên) với Lạch Huyện (Hải Phòng); đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều; đầu tư mở rộng Quốc lộ 279, kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ Hạ Long qua Ba Chẽ đến giáp ranh địa phận tỉnh Lạng Sơn; cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn; Quốc lộ 4B...

Không chỉ đường bộ, quy hoạch đường sắt đô thị kết nối các địa phương: Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; Hải Hà - Móng Cái. Phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao sau năm 2030 từ Đông Triều tới Móng Cái, có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế... cũng là những bước đi không để đợi đến ngày mai.

Với hàng trăm hòn đảo, bờ biển dài, Quảng Ninh cũng định hình rõ nét trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển. Đó không chỉ là lợi thế tự nhiên, mà chính là động lực cho sự phát triển kinh tế biển. Một số cảng biển quan trọng như Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Mũi Chùa; xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục đang dần hình thành. Bên cạnh đó, sẽ là các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển; gắn với sân bay Vân Đồn; gắn với cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh và các trung tâm logistics gắn với công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ tiếp tục xây dựng thêm đường lăn nối, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 trở thành sân bay “xanh”. Trong giai đoạn 2030 - 2050, Quảng Ninh sẽ có thêm sân bay chuyên dùng tại huyện đảo Cô Tô.

Động lực để bứt phá

Trong 7 năm liên tiếp (từ năm 2016 đến năm 2022), đà tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt trên hai con số, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Tiêu biểu như, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 đạt 10,05%; năm 2021, 2022 đều đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, tính đến hết năm 2022 đạt 269.000 tỷ đồng (gấp 4,88 lần so với năm 2010), chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm qua đạt trên 156.260 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 75,4%, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Quảng Ninh đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt gần 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 4/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, với sự góp mặt của các nhà đầu tư chiến lược, uy tín lớn trong và ngoài nước như Sun Group, Vingroup, Tuần Châu, Texhong, AMATA, DEEP C...

Với dòng vốn này, Quảng Ninh đã mang trên mình một diện mạo hoàn toàn khác biệt, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (đạt 65,5%) với 4 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đường bộ, đường biển và đường hàng không. Tỉnh có gần 200 km đường cao tốc (chiếm 10% tổng số km cao tốc của cả nước), cảng hàng không quốc tế đầu tiên, cảng tàu biển chuyên biệt đầu tiên trong cả nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Đến nay, tỉnh có 11 khu công nghiệp (KCN); có khu kinh tế (KKT) Quảng Yên quy hoạch nằm trong các KKT ven biển của Việt Nam; KKT Vân Đồn được quy hoạch phát triển trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh; KKT cửa khẩu Móng Cái là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển...

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, Quy hoạch tỉnh đã được xây dựng trên quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc.

“Trong tương lai, khi xu hướng chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, với tuy duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, dài hạn được thể hiện trong quy hoạch tỉnh, chắc chắn, làn sóng đầu tư sẽ tiếp tục đổ về Quảng Ninh. Có thể thấy, vai trò của các quy hoạch rất quan trọng, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, hiệu quả, phù hợp, chất lượng”, ông Ký đánh giá.

Việc sớm triển khai các quy hoạch chiến lược, sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến cấp huyện, đồng bộ khớp nối từ ý tưởng tới các quy hoạch với nhau, đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển và xây dựng thương hiệu Quảng Ninh. Trên tinh thần kế thừa và quy hoạch mới, Quảng Ninh chắc chắn sẽ có những bước tiến nhanh, bền vững hơn, là một cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia trong tương lai.

Các quy hoạch sẽ được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, giúp tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ và tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển, xây dựng thương hiệu, trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc, để “Quảng Ninh sẽ tiến thật xa” đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói khi về thăm và làm việc với Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Tin bài liên quan