Quyết định mới từ Tổng thống Mỹ, giới đầu tư đẩy nhanh tốc độ bán ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có thêm một phiên giảm trong ngày thứ Ba (8/3), khi các nhà đầu tư thận trọng quan sát những diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau quyết định cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga từ Mỹ.
Quyết định mới từ Tổng thống Mỹ, giới đầu tư đẩy nhanh tốc độ bán ra

Thị trường nhận thêm tin xấu và đảo chiều giảm điểm sau khi đã lên trên tham chiếu trước đó, bởi thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu và các mặt hàng năng lượng khác của Nga, nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với một động thái mà ông thừa nhận sẽ làm tăng giá năng lượng tại Mỹ, trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022.

Phiên này, cổ phiếu các ngành phòng thủ giảm mạnh nhất, với tiêu dùng giảm 2,6%, chăm sóc sức khỏe giảm 2,1% và tiện ích giảm 1,6%.

Dù vậy, đà tăng của nhóm cổ phiếu tăng trưởng chẳng hạn như Tesla, Meta Platforms (Facebook) và Alphabet (Google) đã giúp giảm bớt đà rơi cho S&P 500.

Cổ phiếu các hãng hàng không và du thuyền cũng tăng, với Delta Air Lines tăng 3,7% và American Airlines cộng 5,2%. Cổ phiếu Southwest và United Airlines lần lượt tăng 5,3% và 3,3%.

Chỉ số ngành năng lượng, một ngành hoạt động nổi bật trong năm nay, tiếp tục nhích lên và tăng 1,4%, với việc Dầu WTI có thời điểm đã vọt lên trên mức 128 USD/thùng sau quyết định của ông Biden.

Trong khi đó, dầu thô Brent gần chạm mức 130 USD/thùng cùng với các mặt hàng khác cũng đang tăng giá, gây ra cảnh báo về lạm phát gia tăng và tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá xăng của Mỹ đạt kỷ lục vào thứ Ba.

James Ragan, Giám đốc nghiên cứu quản lý tài sản tại DA Davidson, cho biết: “Hiện có rất nhiều điều không chắc chắn về tác động sẽ xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy tiêu dùng Mỹ giảm nhẹ. Rõ ràng, giá xăng sẽ khiến mọi người chững lại một chút."

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Dow Jones giảm 184,74 điểm (-0,56%), xuống 32.632,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,39 điểm (-0,72%), xuống 4.170,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 35,41 điểm (-0,28%), xuống 12.795,55 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, sau thông tin chính thức về việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga, làm gia tăng sự biến động và lo ngại về lạm phát toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,5% xuống 415,06 điểm, dù FTSE 100 của London và DAX của Đức đi ngang, trong khi các chỉ số ngân hàng lớn của Tây Ban Nha và Ý tăng lần lượt tăng 1,8% và 0,8%.

Thị trường giảm điểm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác từ Nga, đẩy mạnh chiến dịch chống lại Moscow, trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022.

Lo ngại về sự suy giảm nguồn cung nghiêm trọng đã khiến giá dầu thô tăng vọt lên mức 132 USD/thùng, qua đó, nâng đỡ nhóm cổ phiếu công ty khai thác dầu mỏ niêm yết tại London là BP và Shell lần lượt tăng 5,1% và 3%.

Kết thúc phiên 8/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 4,63 điểm (+0,07%), lên 6.946,11 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 3,14 điểm (-0,02%), xuống 12.831,51 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 19,31 điểm (-0,32%), xuống 5962,86 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp nhất trong 16 tháng, khi các nhà đầu tư lo ngại giá dầu và hàng hóa khác tăng cao sẽ ảnh hưởng đến thu nhập doanh nghiệp và làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, sau khi chạm mức thấp nhất trong 20 tháng trong phiên trước đó, do có ít tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine, cũng như nỗi lo về lạm phát và sự bùng phát Covid-19 trong nước đè nặng lên thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức đáy trong nhiều năm, khi các cuộc đàm phán ở Ukraine có ít tiến triển, nỗi lo lạm phát và dịch Covid-19 trở nên phức tạp.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa ở mức thấp nhất gần 6 tuần, kéo dài đợt bán tháo sang phiên thứ ba, do giá hàng hóa tăng cao làm gia tăng lo ngại về lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Kết thúc phiên 8/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 430,46 điểm (-1,71%), xuống 24.790,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 79,33 điểm (-2,35%), xuống 3.293,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 291,76 điểm (-1,39%), xuống 20.765,87 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 28,91 điểm (-1,09%), xuống 2.622,40 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Ba bốc đầu tăng vọt do nhu cầu trú ẩn ngày càng cao để phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Theo giới phân tích, giá vàng sẽ tiếp tục tăng do cuộc xung đột Nga- Ukraine gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế với ước tính lên tới 1 nghìn tỷ USD. Cuộc xung đột này cũng khiến giá hàng hóa tăng vọt và lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm 3% trong năm 2022.

Kết thúc phiên 8/3, giá vàng giao ngay tăng 54 USD lên 2.052,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 tăng hơn 5,5 USD lên 2.048,9 USD/ounce.

Giá dầu thô chưa dừng lại, khi Mỹ đã chính thức ra lệnh cấm nhập khẩu dầu và một số mặt hàng năng lượng của Nga.

Kết thúc phiên 8/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI 4,3 tăng USD (+3,48%), lên 123,7 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 4,77 USD (+3,73%), lên 127,98 USD/thùng.

Tin bài liên quan