Tòa nhà Hong Kong Tower

Tòa nhà Hong Kong Tower

Rủi ro cổ đông sáng lập giao dịch “ngầm”

(ĐTCK) Năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư đô thị Kang Long đã ra quyết định xóa tư cách cổ đông lớn của Công ty cổ phần Thương mại địa ốc Thế giới Lê và sửa đổi điều lệ Công ty. Tuy nhiên, quyết định này đã không được pháp luật thừa nhận, nguyên nhân do đâu?

Bản thông cáo “đặc biệt”

Dự án tòa nhà dịch vụ công cộng và căn hộ để bán Hong Kong Tower tại 243A Ðê La Thành (quận Ðống Ða, Hà Nội) do Công ty Kang Long và Công ty cổ phần Phát triển kỹ thuật xây dựng - TDC làm chủ đầu tư.

Ngày 20/9/2017, Công ty Kang Long bất ngờ đăng tải thông báo về tư cách của Công ty Thế giới Lê đến các khách hàng và cơ quan hữu quan. Trước đó, Công ty Kang Long nhận được một số câu hỏi của khách hàng hỏi về tư cách của Công ty Thế giới Lê liên quan đến dự án Hong Kong Tower.

Trong thông báo, Công ty Kang Long khẳng định, “Công ty Thế giới Lê do bà Lê Minh Tâm làm Giám đốc không có tư cách cổ đông tại Công ty Kang Long”. Công ty không ủy quyền cho bà Lê Minh Tâm và Công ty Thế giới Lê ký hợp đồng với khách hàng về việc huy động vốn, đặt cọc, mua bán căn hộ tại dự án Hong Kong Tower. Công ty Kang Long nhấn mạnh, khách hàng ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc hoặc mua bán căn hộ… với bà Tâm và Công ty Thế giới Lê đều không có giá trị pháp lý, Công ty không chịu trách nhiệm.

Trước sự việc trên, Công ty Thế giới Lê khởi kiện ra tòa án yêu cầu được xác nhận tư cách cổ đông, được mời kiểm toán tiếp cận các báo cáo tài chính giai đoạn 2011-2017, cũng như những thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty Kang Long…

Theo đó, vào năm 2006, Công ty Kang Long được Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Vũ Văn Phú sở hữu 50% cổ phần và giữ chức Tổng giám đốc Công ty, ông Vi Văn A và ông Nguyễn Văn Cường mỗi người sở hữu 25% cổ phần.

Ngày 13/11/2007, Công ty Thế giới Lê ký hợp đồng nhận chuyển nhượng số lượng 23,6% cổ phần từ ông Vi Văn A và Nguyễn Văn Cường. Năm 2007, Công ty Kang Long tăng vốn điều lệ, Công ty Thế giới Lê cam kết góp 6 tỷ đồng . Ðến năm 2014, Công ty Kang Long tiếp tục tăng vốn lên 200 tỷ đồng. Tại giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi trong các năm trên, Công ty Kang Long đều ghi nhận Công ty Thế giới Lê là cổ đông sở hữu 30% cổ phần.

Ngày 24/1/2015, Công ty Kang Long tổ chức Ðại hội đồng cổ đông bất thường lần 3, ban hành Nghị quyết số 01 với nội dung xóa tư cách cổ đông của Công ty Thế giới Lê, thay đổi cơ cấu góp vốn, sửa đổi Ðiều lệ và thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh.

Khi Công ty Kang Long nộp hồ sơ thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh lần thứ 11, thì Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội không chấp nhận với lý do Công ty đang có tranh chấp. Thanh tra Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội đã tổ chức các buổi họp, mời đại diện các bên tham gia, song chưa đưa ra kết luận.

Sau đó, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã thụ lý vụ án để giải quyết tranh chấp giữa Công ty Kang Long và các thành viên góp vốn.

Những cái bắt tay “ngầm”

Tại tòa, khi được hỏi, trong quá trình Công ty Kang Long tăng vốn điều lệ, Công ty Thế giới Lê có góp vốn không? Ðại diện Công ty Thế giới Lê chỉ trả lời rằng: “Việc xác định sở hữu của Công ty theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Công ty Thế giới Lê cho biết, thủ tục chuyển nhượng cổ phần đã hoàn tất cách đây 12 năm. Các bên giao dịch hoàn toàn tự nguyện, ghi nhận tại sổ đăng ký cổ đông. Biên bản họp năm 2007 thể hiện, ông Vi Văn A và ông Nguyễn Văn Cường xác nhận bên nhận chuyển nhượng đã thanh toán đầy đủ bằng tiền mặt, không khiếu nại, khiếu kiện. Công ty Thế giới Lê cũng đã tham gia Ban điều hành Công ty Kang Long, đưa ra ý kiến, chủ trương thực hiện một số dự án, song HÐQT Công ty Kang Long không thống nhất thực hiện.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Kang Long, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần chỉ là hình thức, giả cách. Vị này cho hay, ông Vũ Văn Phú - Tổng giám đốc biết rõ việc chuyển nhượng cổ phần và ký xác nhận, vì ông Phú có liên quan với bà Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc Công ty Thế giới Lê tại một dự án khác.

Bà Tâm muốn trở thành cổ đông của Công ty Kang Long nhằm đảm bảo việc hợp tác giữa 2 doanh nghiệp. Thực tế, Công ty Thế giới Lê chưa thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần, nhưng do tính cấp bách để thực hiện dự án, Công ty Kang Long buộc phải nộp hồ sơ, làm thủ tục thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh.

Năm 2012, ông Vi Văn A và ông Nguyễn Văn Cường đã có đơn yêu cầu Công ty Thế giới Lê thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần, nhưng bất thành.

Năm 2015, Công ty Kang Long nhiều lần mời Công ty Thế giới Lê dự họp, nhưng cổ đông này đều vắng mặt. Do đó, Công ty Kang Long xác nhận, bà Lê Minh Tâm không tham gia điều hành, không thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần, không góp vốn.

“Vì lòng tin của ông Phú vào bà Tâm mà Công ty Kang Long chấp nhận đăng ký cổ đông trước, thanh toán sau. Ðây là trách nhiệm của Công ty về lỗi kê khai. Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông phải sở hữu tối thiểu 01 cổ phần, nhưng Công ty Thế giới Lê không thực hiện việc mua bán, không sở hữu cổ phần, nên không thể là cổ đông của Công ty Kang Long.

Bộ luật Dân sự cũng quy định về quyền bảo lưu sở hữu tài sản nếu bên mua chưa thanh toán xong, do đó Công ty có quyền hủy bỏ tư cách cổ đông của Công ty Thế giới Lê”, luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Kang Long lập luận.

Công ty Kang Long cũng có đơn phản tố, yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là vô hiệu, yêu cầu xóa bỏ tư cách cổ đông của Công ty Thế giới Lê.

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội để thu thập chứng cứ. Theo đó, Công ty Thế giới Lê là cổ đông sở hữu 30% vốn điều lệ từ lần thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh thứ 3 đến thứ 11.

Căn cứ vào Ðiểm e, Khoản 1, Ðiều 114 - Luật Doanh nghiệp, tòa án chấp nhận đơn khởi kiện, buộc Công ty Kang Long phải cung cấp tài liệu cho cổ đông. Tuy nhiên, luật không quy định cổ đông được mời kiểm toán xem xét, nên tòa án không chấp nhận yêu cầu này.

Tòa án xác định, Ðiều lệ năm 2015 là không có giá trị, đồng thời bác yêu cầu phản tố của Công ty Kang Long. Nếu các cổ đông có yêu cầu về giao dịch chuyển nhượng cổ phần, có thể khởi kiện bằng vụ án khác.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Ðoàn luật sư Hà Nội) cho biết, tranh chấp chuyển nhượng cổ phần giữa các thành viên công ty thuộc tranh chấp hợp đồng thương mại, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết là 2 năm.

Tuy nhiên, với trường hợp yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, hoặc giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, thì  pháp luật không đặt ra thời hiệu khởi kiện (theo Khoản 3, Ðiều 132 - Bộ luật Dân sự 2015).

Dự án Hong Kong Tower cất nóc năm 2016 và hoàn thành vào quý IV/2017. Với phán quyết của tòa án, những khách hàng ký hợp đồng với Công ty Thế giới Lê có thể yên tâm phần nào, song để đảm bảo công bằng, cần xem xét kỹ nội dung hợp đồng để xác định Công ty Thế giới Lê có được chủ đầu tư ủy quyền hay không, nếu có thì phạm vi ủy quyền đến đâu? Và theo luật định, các bên vẫn có quyền kháng cáo, kháng nghị bản án trên trong thời hạn 15 ngày. Do đó, vụ việc phải chờ phán quyết cuối cùng có hiệu lực pháp luật.

Tin bài liên quan